Tình hình Myanmar ngày càng tăng nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
Bức ảnh cô Angel mặc áo phông đen trước khi thiệt mạng nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội ở Myanmar ảnh: Reuters
Bức ảnh cô Angel mặc áo phông đen trước khi thiệt mạng nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội ở Myanmar ảnh: Reuters
TP - Ngày 5/3, cảnh sát Myanmar nổ súng vào đám đông biểu tình khiến một người thiệt mạng, trong khi cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án cách quân đội ứng xử với  người biểu tình.

Bạo lực xảy ra khi chính quyền quân đội thua trong cuộc cạnh tranh giành chiếc ghế đại diện ở Liên Hợp Quốc (LHQ) và bị Mỹ áp các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào các tập đoàn quân đội.

Người dân Myanmar tiếp tục yêu cầu khôi phục chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi bằng các cuộc biểu tình trên nhiều thành phố khắp cả nước. “Thời kỳ đồ đá đã qua lâu rồi, chúng tôi không sợ vì các người đe dọa chúng tôi”, đám đông hô vang trên đường phố Mandalay. Sau đó, cảnh sát nổ súng để giải tán đám đông, khiến một người bị trúng đạn vào họng, các nhân chứng cho biết.

Tại Yangon, cảnh sát bắn đạn cao su và phụt hơi cay để giải tán đám đông biểu tình có sự tham gia của khoảng 100 bác sĩ, AP đưa tin. Nhiều cảnh sát và binh lính Myanmar đang dùng TikTok để phát đi những thông điệp đe dọa, cảnh báo người biểu tình. Nhóm Phát triển ICT Myanmar (MIDO) cho biết, họ đã phát hiện hơn 800 video thân quân đội có nội dung như vậy. “Tôi sẽ bắn thẳng vào gương mặt chết tiệt của các người… Tôi sẽ dùng đạn thật”, một người đàn ông nói trong một video khi đang ngắm bắn súng trường.

Trước đó, hôm 4/3, hàng trăm người dân tham dự đám tang tiễn đưa cô gái 19 tuổi Syal Sin, biệt danh Angel, một trong 38 người thiệt mạng trong chiến dịch đàn áp của cảnh sát. Cô chết trong khi biểu tình ở Mandalay, khi đang mặc chiếc áo có dòng chữ “Everything will be OK” (Mọi thứ sẽ ổn thôi). Những người đưa tang hát vang các bài hát phản đối, làm biểu tượng 3 ngón tay để thể hiện sự bất tuân và hô khẩu hiệu phản đối đảo chính.

Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet kêu gọi các lực lượng an ninh Myanmar dừng hành động mà bà gọi là “cuộc đàn áp tàn ác đối với những người biểu tình ôn hòa”. Bà Bachelet nói rằng, hơn 1.700 người đã bị bắt, trong đó có 29 nhà báo.

Cuộc chiến giành ghế đại diện của Myanmar tại LHQ đã tạm dừng, sau khi người được chính quyền quân sự Myanmar chỉ định làm đại sứ đã rút lui và phái đoàn Myanmar tại LHQ xác nhận Đại sứ Kyaw Moe Tun vẫn tiếp tục công việc, dù bị chính quyền quân sự sa thải sau khi ông thúc giục LHQ dùng “bất kỳ cách gì cần thiết” để lật ngược cuộc đảo chính. Tại Washington, chưa rõ Đại sứ quán Myanmar có đại diện cho chính quyền quân sự hay không, sau khi ra tuyên bố lên án sử dụng bạo lực với dân thường biểu tình và kêu gọi chính quyền “kiềm chế hết mức”.

Ông Thomas Andrews, chuyên gia điều tra của LHQ về nhân quyền, thúc giục Hội đồng Bảo an LHQ áp lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu và trừng phạt kinh tế đối với quân đội Myanmar.

Reuters dẫn các nguồn tin nói rằng, các lãnh đạo quân đội Myanmar đã cố rút 1 tỷ USD gửi ở ngân hàng dự trữ liên bang tại New York sau cuộc đảo chính. Nhưng các quan chức Mỹ đã đóng băng tài khoản này vô thời hạn.

MỚI - NÓNG