Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu 5.10, dự án sân bay Long Thành. Gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách này có tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng, là gói thầu lớn nhất của dự án sân bay Long Thành.
Theo ACV, liên danh đáp ứng yêu cầu kỹ thuật là Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại xây dựng ICISTAS thuộc Tập đoàn IChoding của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu. ACV đề nghị đại diện có thẩm quyền của liên danh Vietur đến tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính vào ngày 4/8/2023 tại trụ sở của ACV ở TPHCM.
Liên danh Vietur gần như chắc chắn giành được gói thầu 5.10, dự án sân bay Long Thành. |
Như vậy, liên danh Vietur đã vượt qua vòng kỹ thuật đối với gói thầu và liên minh này gần như chắc chắn giành được gói thầu 5.10, dự án sân bay Long Thành.
Liên danh Vietur gồm 10 thành viên, do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại - Xây dựng ICISTAS đứng đầu. Ngoài ra còn có nhiều doanh nghiệp xây dựng trong nước, như Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Newtecons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (mã chứng khoán: CC1), Công ty CP Kết cấu Thép ATAD, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex-mã chứng khoán: VCG), Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã chứng khoán: PHC), Công ty CP Hawee Cơ điện, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.
Trong quý II năm nay, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons đạt doanh thu thuần hơn 2.102 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Trong đó, phần lớn doanh thu đến từ hợp đồng xây dựng với gần 2.083 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động bất động sản là 14 tỷ đồng, còn lại đến từ doanh thu khác.
Doanh thu hoạt động tài chính trong quý II đạt gần 27 tỷ đồng (tăng 158% so với cùng kỳ) đến từ lãi tiền gửi ngân hàng, lãi trái phiếu hơn 21 tỷ đồng và cổ tức được chia 5,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Ricons còn có khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết 63 tỷ đồng, gấp 22 lần so cùng kỳ.
6 tháng đầu năm, Ricons đạt 3.821 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận ròng đạt hơn 68 tỷ đồng. |
Doanh nghiệp có chi phí tài chính gần 11 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ do phải trả chi phí lãi vay. Chi phí quản lý doanh nghiệp gần 49 tỷ đồng, tăng 32%. Kết thúc quý II, Ricons báo lãi hơn 52 tỷ đồng, tăng 90% so cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Ricons đạt 3.821 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 20%. Nhờ vào lãi từ hoạt động tài chính và công ty liên doanh liên kết mà lợi nhuận ròng đạt hơn 68 tỷ đồng, tăng 41%. So với kế hoạch năm 2023, Ricons thực hiện được 64% chỉ tiêu doanh thu thuần và vượt chỉ tiêu lãi sau thuế trong nửa đầu năm.
Tại 30/6, quy mô tài sản của Ricons ở mức 7.263 tỷ đồng, giảm 11% so đầu năm. Hiện tại, Ricons đang có 200 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 890 tỷ đồng, tăng 95% chủ yếu tăng do các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 1 năm tăng.
Trong khi đó, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã chứng khoán: VCG) ghi nhận doanh thu thuần 4.567 tỷ đồng trong quý II, tăng hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ.
Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam đạt doanh thu thuần 6.531 tỷ đồng. |
Doanh thu tài chính sụt giảm khoảng 28% so với cùng kỳ. Cùng với việc ghi nhận khoản lỗ từ các công ty liên doanh, liên kết trong kỳ này khiến Vinaconex báo lãi sau thuế giảm xuống còn 130 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 6.531 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 139 tỷ đồng, giảm 81%.
Tại 30/6, tổng tài sản của VCG là 31.404 tỷ đồng, giảm gần 600 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu giảm do chi phí xây dựng dở dang tại dự án Thủy điện Đăk Ba, giảm 327 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dang dở tại hầu hết các dự án bất động sản đều tăng so với đầu năm nay.
Hết quý II, nợ phải trả của VCG gần 21.455 tỷ đồng, giảm 3% so đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 7.292 tỷ đồng, khoản vay tài chính dài hạn hơn 6.059 tỷ đồng.
Tổng công ty CP Xây dựng Hà Nội (mã chứng khoán: HAN) có kết quả kinh doanh hợp nhất quý II với doanh thu thuần giảm 19%, còn 730 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 4% xuống 8 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng mạnh 65% lên 8 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 56% xuống 15 tỷ.
Tổng công ty CP Xây dựng Hà Nội ghi nhận lãi sau thuế quý II gần 8 tỷ đồng trong quý II. |
Kết quả, HAN ghi nhận lãi sau thuế quý II gần 8 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần giảm 29% xuống 901 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm 76% xuống 11 tỷ đồng. So với kế hoạch, HAN mới hoàn thành hơn 18% mục tiêu lãi cả năm 2023.
Tại thời điểm ngày 30/6, tổng tài sản của HAN đạt 7.483 tỷ đồng. Công ty nắm có 250 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm mạnh 270 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả của HAN tại thời điểm cuối quý II là 5.845 tỷ, gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu.
Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã chứng khoán: PHC) ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt 376 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, dòng tiền thanh toán của chủ đầu tư chậm trễ dẫn tới chi phí lãi vay tăng thêm 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, lợi nhuận sau thuế PHC giảm còn 830 triệu, trong khi quý II/2022 đạt gần 10 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, Phục Hưng Holdings ghi nhận doanh thu thuần đạt 737 tỷ đồng. |
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Phục Hưng Holdings ghi nhận doanh thu thuần đạt 737 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế gần 3 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến 30/6, tổng tài sản của PHC đạt 2.846 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền gần 27 tỷ đồng, hàng tồn kho là 641 tỷ đồng. Nợ phải trả của PHC tính đến ngày 30/6 là 2.182 tỷ đồng, cao gấp 3,2 lần vốn chủ sở hữu.