Tình báo Mỹ 'nín thở' sợ Donald Trump tiếp cận tài liệu tối mật

Tỷ phú Mỹ Donald Trump đang bị hoài nghi về khả năng giữ bí mật những thông tin tình báo quan trọng của Mỹ. Ảnh: AP.
Tỷ phú Mỹ Donald Trump đang bị hoài nghi về khả năng giữ bí mật những thông tin tình báo quan trọng của Mỹ. Ảnh: AP.
Giới chức tình báo Mỹ đang rất lo ngại trước viễn cảnh ứng viên mặc định của Đảng Cộng hòa Donald Trump có quyền tiếp cận những tài liệu tối mật.

“Gánh nặng” từ truyền thống

Theo USA Today, theo truyền thống của cả hai Đảng Cộng hòa và Dân Chủ, Tổng thống sắp mãn nhiệm sẽ cho phép những người nhiều khả năng kế nhiệm ông được tiếp cận với những tài liệu tình báo mật để họ có thể hiểu rõ những mối đe dọa toàn cầu và nhanh chóng bắt nhịp với công việc mới.

Việc cung cấp các thông tin mật cho các ứng viên Tổng thống của 2 Đảng thường bắt đầu ngay sau khi hai Đảng tổ chức Đại hội tuyên bố chính thức ứng viên được lựa chọn của mình.

Không lâu sau khi hai đối thủ cuối cùng trong Đảng Cộng hòa tuyên bố từ bỏ cuộc chạy đua của mình, tỷ phú Mỹ Donald Trump đã chia sẻ với tờ Washington Post rằng ông rất hào hứng được tiếp nhận những thông tin mật nói trên.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể cảm thấy thoải mái với việc ông Trump được quyền tiếp cận với bất kỳ thông tin mật nào. Phát biểu trên trang Buzzfeed, Thượng Nghị sĩ Chris Murphy ngày 5/5 tuyên bố: “Ông Trump phải là một người biết giữ bí mật [nguyên văn “không có một nền tảng đạo đức tốt”], chính vì thế, ông ấy không nên tiếp cận những bí mật quốc gia quan trọng như vậy”.

“Ông ấy thậm chí sẽ không “uốn lưỡi đến 2 lần” [nguyên văn “nghĩ 2 lần”] sau khi nhận được những thông tin mật và sẽ công bố ngay với công chúng nếu ông ấy cho rằng những thông tin này có thể phục vụ mục đích chính trị của mình”, ông Murphy nói.

Cũng chia sẻ quan điểm này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest bày tỏ nghi ngờ về việc ông Trump có thể giữ kín những thông tin mật, trong khi lại công khai thể hiện sự tin cậy gần như tuyệt đối vào việc bà Hillary Clinton có thể làm điều này dù bà đang bị FBI điều tra về việc sử dụng email cá nhân vào việc công.

“Chúng ta sẽ phải chờ đợi xem Giám Đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia sẽ ra quyết định như thế nào về việc cung cấp thông tin mật cho các ứng viên Tổng thống lần này. Rất tiếc, tôi không có quyền đưa ra nhận định cá nhân của mình trong việc này”, ông Earnest nói.

“Quyết định về cách thức cũng như thời điểm mà các ứng viên Tổng thống nhận được những thông tin mật sẽ do các quan chức tình báo đưa ra. Nhà Trắng sẽ không can thiệp gì vào việc này”, ông Earnest nói.

Donald Trump bị hoài nghi vì là “kẻ ngoại đạo”

Trong số các ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ hiện tại, ông Trump là người ít tiếp xúc với các vấn đề tình báo nhất. Bà Clinton từng là Ngoại trưởng Mỹ trong khi Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders cũng thường xuyên nhận được các báo cáo từ các tổ chức tình báo của Mỹ.

Thậm chí, ông Trump còn bị hoài nghi khi gặp rất nhiều khó khăn trong việc nêu ra những thông tin chính xác về các điểm nóng trên toàn cầu. Ngoài ra, đôi khi ông cũng nhầm lẫn và phát âm sai tên một số nhóm phiến quân ở nhiều quốc gia khác nhau.

Tình báo Mỹ 'nín thở' sợ Donald Trump tiếp cận tài liệu tối mật ảnh 1

Trong khi đó, dù đang bị FBI điều tra, bà Clinton vẫn được tin tưởng về khả năng giữ kín thông tin tình báo của mình do từng đảm nhiệm vị trí Ngoại trưởng. Ảnh: AP.

Mặc dù vậy, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper  tuyên bố, kế hoạch cung cấp các tài liệu mật cho các ứng viên Tổng thống vẫn đang tiến triển tốt.

“Chúng tôi đã lên kế hoạch cung cấp các tài liệu mật cho các ứng viên khi tên của họ được xướng lên trong Đại hội của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ và cả sau tháng 11, thời điểm biết rõ Tổng thống mới đắc cử là ai. Chúng tôi đã lập ra một nhóm để làm nhiệm vụ này”, ông Clapper nói.

Cũng theo ông Clapper, việc cung cấp các tài liệu mật này sẽ diễn ra tùy theo lịch trình làm việc của các ứng viên Tổng thống tại một địa điểm được bảo mật tuyệt đối gần nơi các ứng viên sinh sống và làm việc.

Truyền thống có từ thời Thế chiến 2

Truyền thống cung cấp tài liệu mật cho các ứng viên Tổng thống Mỹ của hai Đảng được bắt đầu từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.

“Mọi chuyện bắt đầu từ khi ông Harry Truman lên thay Tổng thống Franklin D. Roosevelt mất vào ngày 12/4/1945. Tổng thống Truman lúc đó không hề biết về sự tồn tại của Dự án Manhattan và ông ấy đã cam kết rằng điều này sẽ không bao giờ lặp lại với một Tổng thống Mỹ nào nữa”, ông David Priess, một cựu quan chức CIA phụ trách việc cung cấp những báo cáo tình báo cho giới chức Mỹ, chia sẻ.

Thời điểm các tài liệu mật được công bố cho các ứng viên Tổng thống là sau Đại hội của 2 Đảng Cộng hòa và Dân chủ với một ngoại lệ duy nhất. Một tuần trước khi ông Jimmy Carter được Đảng Dân chủ chọn là ứng viên Tổng thống, Tổng thống Gerald Ford đã đích thân yêu cầu Giám đốc CIA lúc đó là ông George H.W. Bush (Bush cha- người sau này cũng là Tổng thống Mỹ) đến gặp riêng ông Carter- lúc đó là đối thủ của ông Ford- để thu xếp về việc cung cấp tài liệu mật cho ông Carter như thế nào.

Tuy nhiên, theo ông Priess, ông Bush đã “vượt quyền” và cung cấp cho ông Carter “hầu như toàn bộ thông tin tình báo mà ông ấy có”.

Trong trường hợp cả 2 ứng viên đều không phải là Tổng thống đương nhiệm, họ sẽ nhận được 2 bản báo cáo giống hệt nhau. Bất kỳ câu hỏi nào mà một trong 2 ứng viên đưa ra sẽ được cung cấp thông tin phản hồi cho cả hai ứng viên.

Ông Priess cho biết, điều này là để đảm bảo “cộng đồng tình báo có thể thực thi chính xác đạo đức nghề nghiệp của mình khi không can thiệp vào các vấn đề chính trị ngay cả khi họ phục vụ cho các chính trị gia”.

Theo Theo VOV
MỚI - NÓNG