Thời gian qua, nhiều kẻ gian đã tung ra các chiêu lừa đảo như tuyển người mẫu nhí, bình chọn trực tuyến hoặc gọi báo con đang cấp cứu để chiếm đoạt tiền của nhiều người dân.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài những hình thức trên còn có không ít người bị mắc lừa khi nhận việc làm online hay những cuộc gọi bất chợt. Kẻ gian dẫn dụ, lôi kéo một cách tinh vi khiến nạn nhân mất không ít tiền của. Thậm chí, khi nạn nhân chấp nhận mất trắng rút lui, chúng còn tìm cách dọa nạt, uy hiếp.
Kiếm 500 nghìn đồng chỉ trong 2 phút!
Mạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều tin đăng "tuyển dụng nhân sự" hấp dẫn. Đặc biệt trong các nhóm làm thêm, người đăng tin thường giới thiệu về các công việc nhẹ nhàng, lương cao, không vốn, không cọc (không cần đặt cọc), không yêu cầu bằng cấp, có thể làm online, tranh thủ thời gian mọi lúc mọi nơi.
Mức thu nhập đưa ra vô cùng hấp dẫn từ 150.000 - 300.000 đồng/ngày; thậm chí có nơi còn chịu "chi" mức lương từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng hay cao hơn là cả "chục triệu trong vòng vài phút".... Phương thức làm việc đơn giản, thù lao cao, công việc dễ dàng nên thu hút được nhiều người cần việc.
N.K.T (21 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) từng mất gần 20 triệu đồng vì tin vào chiếc bẫy việc nhẹ lương cao như vậy.
T. kể, đầu tháng 1/2023, cô "lang thang" trên các hội nhóm Facebook tìm việc để kiếm tiền tiêu Tết. T. vô tình thấy bài đăng tìm người dịch thuật trong một hội nhóm về tiếng Trung của tài khoản H.M. Vì đang học ngoại ngữ này, N.K.T nhanh chóng nhắn tin liên hệ.
N.K.T (21 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị lừa gần 20 triệu đồng (Ảnh: T. L). |
Mới đầu, H. M hỏi độ tuổi và thẻ ngân hàng của N.K.T. Khi cô gái thắc mắc thì người kia nói, điều kiện làm việc là phải có thẻ ngân hàng để giao dịch.
Công việc T. "ứng tuyển" là dịch thuật nhưng M. cho biết, vì T. "chậm chân" nên 5 suất dịch thuật đã có chủ. Nếu cô vẫn muốn làm việc thì có thể chuyển sang nhập liệu đơn hàng.
Khi T. đồng ý, M. và đồng bọn yêu cầu T. tải Telegram (một ứng dụng nhắn tin và chia sẻ dữ liệu) để vào nhóm học hỏi, xem những lợi ích mà người khác nhận được khi làm việc này.
Không chỉ có thế, cô gái trẻ còn nhận được một đường link giới thiệu công ty, một đường link đăng ký tài khoản làm việc. Khi đăng ký, cô phải khai báo các thông tin cá nhân như ngày sinh, căn cước công dân…
"Qua các thông tin giới thiệu, tôi thấy công ty khá chuyên nghiệp nên đã lập tài khoản làm việc. Trong tài khoản này có ví điện tử, đã có sẵn 100.000 đồng. Tôi làm theo hướng dẫn, nạp thêm tiền, làm các nhiệm vụ để nhận hoa hồng", T. kể lại.
Lần đầu tiên, T. nạp vào tài khoản 200 nghìn đồng. "Nhiệm vụ" cô phải làm là xác nhận/duyệt các sản phẩm giày, túi xách của thương hiệu Nike, Adidas… Cô được cung cấp mã số, ấn vào đường link hệ thống và làm theo một số yêu cầu.
Chỉ với vài thao tác nhấp chuột, nhập mã số đơn giản, trong vòng 2 phút cô đã hoàn thành nhiệm vụ và nhận số tiền hoa hồng 500 nghìn đồng. Lần thứ 2, T. nạp 500 nghìn đồng duyệt đơn thì nhận được 1 triệu đồng.
Các đối tượng lừa đảo thường cung cấp đường link, mạo danh các công ty lớn và hướng dẫn để nạn nhân chuyển tiền làm theo (Ảnh chụp màn hình). |
Cô gái trẻ vô cùng sung sướng vì trong tíc tắc có thể kiếm được tiền triệu. Đối tượng hướng dẫn nói T. có thể rút ngay khoản này về tiêu, nhưng nếu muốn kiếm nhiều tiền hơn thì nên giữ lại để làm tiếp, chỉ cần bỏ chút tiền chốt đơn cô có thể kiếm "9-10 củ" (triệu đồng) đơn giản.
Trong lúc đang phân vân, T. bất ngờ nhận được tin nhắn hỏi thăm trong nhóm chát Telegram. Một người hỏi cô có phải là người mới không? Người này còn không ngừng khoe số tiền mình đã nhận được nhờ công việc nhàn hạ này.
Vì được trả tiền thật, tiền ngày càng nhiều lên, lại thấy người trong nhóm xác nhận đó là việc thật, tiền thật nên T. càng ham và có lòng tin vào công việc mình đang làm. Cô quyết định không rút tiền ra.
Tuy nhiên, đến nhiệm vụ lần 3, T. không được suôn sẻ như hai lần trước. T. bị mất một số tiền trong tài khoản với lý do "đang làm nhiệm vụ thì thoát ra". Đơn hàng đó không hoàn thành nên T. phải đền bù.
Thấy "nạn nhân" than khó khăn, đại diện công ty nói sẽ giúp đỡ T. một số tiền (5-7 triệu đồng) để cô tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. Số tiền hỗ trợ này thực chất được tạo ra trong ví trên tài khoản của công ty nên sau này cô mới biết, các đối tượng muốn vẽ ra bao nhiêu tùy ý.
Cứ như vậy, số tiền T. nạp vào ngày một tăng lên. Theo đại diện "công ty", tiền nạp vào càng cao thì giá trị đơn hàng và hoa hồng càng lớn. Vì muốn gỡ lại những gì đã mất, T. liên tục bơm tiền để nhận nhiệm vụ. Lần thứ 3 cô nạp thêm gần 3 triệu đồng, lần thứ 4 nạp thêm 9 triệu đồng, lần thứ 5 nạp 12 triệu đồng.
"Lần làm nhiệm vụ thứ 5, tôi đang thao tác thì tài khoản công ty tự thoát. Người bên kia bảo tôi mắc sai sót nên bị trừ hết tiền. Lúc này tôi đã biết mình bị lừa", T. nói.
Nếu muốn nhận đơn hàng thứ 6 để gỡ, T. phải nạp thêm 20 triệu đồng. Số tiền này nằm ngoài khả năng tài chính nên T. không nạp tiền. Lúc này, cô gái trẻ muốn rút tiền ra nhưng không rút được vì đại diện công ty trên nói cô nhập lỗi một số đơn giá trị tới 100 triệu đồng, phải đền bù.
"Tôi càng làm, càng gỡ lại càng mất, muốn rút tiền ra không được. Tôi thực sự hoang mang, không dám nói với ai vì giấu gia đình làm thêm. Tôi phải vay mượn bạn bè để nạp tiền vào gỡ lại nhưng đến đơn thứ 6 thì dừng lại.
Nhìn lại toàn bộ quá trình, tôi mới thấy mình đã bị một nhóm phối hợp đưa vào bẫy. Chúng dẫn dụ tôi tham gia, người hỏi thăm tôi, nhân sự tôi liên hệ hướng dẫn đều liên kết với nhau. Thông tin công ty chúng cung cấp cũng là giả mạo, nhái một sàn thương mại điện tử thật", N.K.T nói.
Thủ đoạn lừa đảo "chồng chất"
Cùng hoàn cảnh với N.K.T, P.M.H (sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng đã bị lừa tới 22 triệu đồng khi nhận việc làm online.
Cái bẫy mà cô sinh viên này gặp phải cũng tương tự như T. Thậm chí, đối tượng lừa đảo còn tinh vi hơn khi mạo danh sàn thương mại điện tử nổi tiếng và tạo công văn chấp nhận sử dụng lao động giả mạo có dấu đỏ gửi cho cô. Nhẹ dạ cả tin, P.M.H đã làm tới đơn thứ 8, tổng số tiền nạp vào tới 22 triệu đồng.
Công văn giả mạo các đối tượng dùng để tạo lòng tin với "con mồi" (Ảnh chụp màn hình). |
"Các đối tượng nói nếu nạp 37 triệu đồng để hoàn thành đơn thứ 9 thì chúng sẽ cho hoàn tiền về. Nhưng tôi nói mình là sinh viên, không có đủ tiền nên muốn nghỉ việc và rút tiền. Tôi gọi cho "quản lý" của mình nhưng bị chặn, không liên lạc được. Tôi biết mình quá cả tin nhưng vì muốn lấy lại tiền nên cứ cố chấp, nhận hết đơn này đến đơn khác", P.M.H chia sẻ.
Theo H. và T., không chỉ lừa đảo trong quá trình "làm việc", sau khi người bị hại chấp nhận mất tiền để không lún sâu hơn, các đối tượng lại quay ra đòi nợ số tiền chúng "giúp" nạn nhân trước đó, kèm theo dọa nạt.
Thực chất số tiền đó chỉ là những con số ảo mà các đối tượng "vẽ lên" trong đường link chúng gửi. Các nạn nhân chưa hề được nhận một đồng nào.
Những tin nhắn đối tượng lừa đảo đòi tiền và dọa nạt nạn nhân (Ảnh nạn nhân cung cấp). |
N. K. T kể: "Khi đó tôi rất sợ vì chúng có hết thông tin cá nhân của tôi. Chúng liên tục đòi tiền nhưng tôi cũng chỉ biết xin lùi hạn trả. Gia đình tôi khó khăn, tôi đã không giúp được gì, lại còn thêm nợ vào người. Nếu chúng tới tận nhà đòi tiền tôi không biết ăn nói ra sao với bố mẹ".
N.K.T cũng từng nghĩ đến phương án báo công an. Tuy nhiên, vì xấu hổ nên cô quyết định giữ kín câu chuyện của mình.
Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/tin-viec-nhe-chot-1-don-linh-9-cu-nu-sinh-mat-trang-hang-chuc-trieu-dong-20230316154458020.htm