Tin hot giáo dục: Vì sao 30 điểm vẫn trượt đại học?

Tin hot giáo dục: Vì sao 30 điểm vẫn trượt đại học?
TPO - 30 điểm vẫn trượt đại học; cộng điểm ưu tiên vào đại học có được điều chỉnh giảm; Việt Nam, quốc gia ASEAN duy nhất đoạt HCV Olympic Tin học quốc tế hay không mở rộng VNEN nếu chưa đủ điều kiện là những thông tin nổi bật nhất tuần qua.

Đạt 30,5 điểm mới trúng tuyển 

Điểm thi THPT quốc gia cao, nhiều trường lấy điểm chuẩn ở mức kỷ lục so với các năm trước. Thậm chí, thí sinh đạt 30,5 điểm mới trúng tuyển.

Ngày 29/7, khối trường thuộc ngành công an công bố điểm chuẩn đầu tiên. Năm nay, điểm chuẩn vào khối trường này "gây sốc" vì lấy quá cao. Đỉnh điểm, khoa tiếng Anh của Học viện An ninh Nhân dân lấy 30,5 điểm đối với nữ (3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ). Vậy, trong trường hợp này, 30 điểm thí sinh vẫn “trượt vỏ chuối”.

Tiếp đến, điểm chuẩn khối A, thí sinh nữ, phía Bắc, của Đại học Phòng cháy chữa cháy ở ngưỡng 30,25 điểm. Tuy nhiên, trong số bốn thí sinh cùng mức 30,25 điểm, trường chỉ lấy ba thí sinh có tổng điểm ba môn chưa làm tròn cao nhất, từ 28,35 điểm. Một thí sinh còn lại vẫn không đỗ.

Khối các trường y dược như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Hải Phòng, ĐH Y Thái Bình, ĐH Dược Hà Nội…cũng có mức điểm tăng cao so với các năm trước.

Cao nhất, Ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội có mức điểm trúng tuyển lên tới 29,25. Đây là mức điểm cao nhất trong nhiều năm qua của Trường ĐH Y Hà Nội. (Xem chi tiết tại đây)

Cộng điểm ưu tiên có được điều chỉnh giảm?

“Khi chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước thay đổi thì quy chế tuyển sinh cũng được điều chỉnh lại cho phù hợp”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định trước việc cộng điểm ưu tiên đang bị cho là nảy sinh những bất hợp lý.

Sau khi nhiều trường đại học công bố điểm chuẩn đại học 2017, trong đó, có những trường có điểm chuẩn cao hơn 2 - 3 điểm so với năm ngoái đã xuất hiện hiện tượng, các trường đại học khối Y Dược, điểm trúng tuyển cao chót vót, có ngành cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, điểm chuẩn trong ngành công an, quân đội lấy cao kỉ lục: 30- 30,5 điểm. 

Nhiều thí sinh đã phản ánh về việc đạt 29,25 điểm vẫn trượt nguyện vọng một trường Y vì thua tiêu chí phụ và điểm làm tròn, điểm cộng ưu tiên khu vực. (xem chi tiết tại đây)

Tin hot giáo dục: Vì sao 30 điểm vẫn trượt đại học? ảnh 1 Đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic Tin học quốc tế năm 2017 tại nước Cộng hòa Hồi giáo Iran

Việt Nam, quốc gia ASEAN duy nhất đoạt HCV Olympic Tin học quốc tế

Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Olympic Tin học quốc tế năm 2017 tại nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đã mang về 01 Huy chương Vàng, 02 Huy chương Đồng.

Kết quả cụ thể như sau:

1. Em Lê Quang Tuấn, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội: Huy chương Vàng;

2. Em Nguyễn Hy Hoài Lâm, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc học, tỉnh Thừa Thiên - Huế: Huy chương Đồng;

3. Em Phạm Cao Nguyên, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự  nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội: Huy chương Đồng. (xem chi tiết tại đây)

Bộ trưởng Giáo dục: “Không mở rộng VNEN nếu chưa đủ điều kiện"

Phát biểu tại hội nghị triển khai năm học mới 2017 – 2018 bậc tiểu học tại Phú Thọ ngày 4/8, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu rà soát lại, không được mở rộng nếu chưa đáp ứng yêu cầu cần thiết.

Tại hội nghị, đề cập tới chất lượng giáo viên, ông Nhạ nhận định thời gian qua, công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở bậc tiểu học đã được các địa phương tích cực triển khai, số giáo viên được đánh giá đạt chuẩn (theo chuẩn cũ) khá cao. Bản thân các giáo viên bậc học này cũng năng động để tự trau dồi những phương pháp dạy học mới theo hướng phát huy năng lực của người học.

Mặc dù vậy, nếu so với bộ chuẩn giáo viên mới Bộ đang xây dựng thì cũng còn nhiều giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Dẫn ví dụ từ mô hình trường học mới (VNEN), ông Nhạ cho rằng do chưa có sự chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất nên dẫn tới việc triển khai chưa đạt được yêu cầu như mong muốn, dù đây là một phương pháp học tập rất tiến bộ và ưu việt.

“VNEN thời gian qua tạo ra những luồng dư luận băn khoăn, phản đối là bởi khi áp dụng vào thực tiễn, một số trường đã không dành đủ thời gian để tập huấn giáo viên, giúp họ có sự chuẩn bị tốt cả về chuyên môn và phương pháp, chưa tính toán thấu đáo quy mô trường lớp, sỹ số học sinh cho phù hợp với phương pháp mới” – ông Nhạ nói.

“Rõ ràng khi đưa một mô hình, phương pháp giáo dục mới vào triển khai, việc đầu tiên phải tính đến là các điều kiện để thực hiện nó, trong đó có đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất cần thiết”.

Từ đó, đối với mô hình VNEN, ông Nhạ yêu cầu các Sở GD-ĐT phải rà soát lại, nếu trường nào chưa đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất thì dừng triển khai. Không được mở rộng nếu chưa đáp ứng được yêu cầu về giáo viên, cơ sở vật chất theo phương pháp dạy/học mới này.

6.300 trường tham gia VNEN trong năm 2017-2018

Mô hình VNEN được triển khai theo dự án tài trợ kéo dài trong 3 năm của Quỹ Hỗ trợ Giáo dục toàn cầu (GPE) từ tháng 7/2012. Trong năm học 2012 – 2013, mô hình này triển khai tại 1.447 trường tại 63 tỉnh/thành phố. Tới năm 2015 số trường thực hiện trên 4.000 trường trên cả nước.

Tới năm học 2016, sau khi dự án kết thúc, có nhiều ý kiến của phụ huynh học sinh tại nhiều tỉnh cho rằng mô hình VNEN đã không đáp ứng được kỳ vọng. Một số tỉnh đã có quyết định dừng triển khai mô hình VNEN.

Tuy vậy, theo thống kê, trong năm học 2016-2017, cả nước có 5.621 trường, bao gồm 4.441 trường tiểu học (chiếm 15% học sinh toàn quốc) và 1.180 trường THCS (chiếm 10% học sinh toàn quốc) tham gia nhân rộng mô hình VNEN.

Đến năm học 2017-2018, vẫn có 4.800 trường tiểu học của 58/63 tỉnh thành phố trên cả nước đăng ký triển khai VNEN, chiếm khoảng 18% học sinh toàn quốc (tăng 3% so với năm trước).

Số trường THCS đăng ký tham gia VNEN là 1.500 trường, thuộc 51/63 tỉnh/thành phố, chiếm khoảng 13% số học sinh toàn quốc, tăng 3% so với năm học trước.

MỚI - NÓNG