Tìm đường đưa đặc sản ĐBSCL vào châu Âu

Tìm đường đưa đặc sản ĐBSCL vào châu Âu
TPO - Sáng 21/12, tại Đồng Tháp, diễn ra Diễn đàn Mekong Connect với chủ đề "Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu" do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp 4 tỉnh ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) tổ chức.

Khát khao thay đổi

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, hiện nay, "Liên kết" được xem là một trong những chìa khoá quan trọng để đi đến thành công, nhưng đồng thời đó cũng đang được cho là điểm nghẽn của nền kinh tế, đặc biệt là trong liên kết vùng. Tuy mối liên kết của ABCD Mekong còn khá non trẻ, nhưng cũng đã có được những bước đi đầu tiên, và "Có đi rồi sẽ đến", việc duy trì Mekong connect, chứng minh cho sự khát khao thay đổi để phát triển, cùng tiến tới những mối liên kết bền chặt, hiệu quả trong tương lai.

Tìm đường đưa đặc sản ĐBSCL vào châu Âu ảnh 1 Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp phát biểu. - Ảnh: Hòa Hội

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, thực tế cũng đã chứng minh, Mekong connect qua mỗi lần tổ chức đều mang đến những giá trị hết sức thiết thực cho mỗi địa phương và mở ra nhiều cơ hội mới trong hợp tác, kêu gọi đầu tư và phát triển. "Không chỉ dừng lại ở thời điểm tổ chức Diễn đàn, các giá trị đúc kết từ diễn đàn tiếp tục là nguồn dữ liệu quý để các tỉnh khai thác, tìm kiếm cơ hội mới cho sự phát triển của địa phương mình và Đồng Tháp chúng tôi cũng đã tìm được nhiều bài học, kinh nghiệm từ các diễn đàn trước để chuyển mình, đổi mới, từng ngày phát triển", ông Phong nói.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để tồn tại thì "Liên kết" vừa là xu thế tất yếu nhưng cũng là đòn bẫy cho phát triển. Đồng thời, diễn đàn Kinh tế Mekong Connect lần này, ngoài nhiệm vụ kết nối kinh tế 04 tỉnh, mà còn là một điểm sáng trong thực hiện liên kết để phát triển nhanh và bền vững trước ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19.

Tìm đường đưa đặc sản ĐBSCL vào châu Âu ảnh 2 Đại biểu trao đổi với thanh niên khởi nghiệp

Cơ hội cho hàng hóa ĐBSCL vào EU

Một trong những chủ đề chính của phiên thảo luận sáng nay xoay quanh các lợi ích và cơ hội mà hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) mang lại đối với các sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL. Các diễn giả cũng chỉ ra rằng một khi hàng rào thuế quan được giảm bớt thì các hàng rào kỹ thuật khác lại được dựng lên. Và đây là những thách thức mới đối với hàng hóa và dịch vụ của đồng bằng muốn vào thị trường EU.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Eurocham cho biết, hiện có 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo vệ ở châu Âu. Trong số này có các sản phẩm của ĐBSCL như vú sữa Vĩnh Kim hay muối biển của Bạc Liêu. Đồng thời ông nói rằng, thị trường EU đòi hỏi các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và các sản phẩm lưu thông trên thị trường 450 triệu dân này phải đáp ứng tiêu chuẩn của khối EU về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, vệ sinh và phát triển bền vững. “Nhưng đáp ứng được các tiêu chuẩn này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiến xa hơn và củng cố vị trí, gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng thực phẩm”, ông Minh nói.

Phó Chủ tịch Eurocham cho biết thêm, hiệp định EVFTA sẽ giúp tăng dòng chảy hàng hóa bởi các doanh nghiệp cả hai bên sẽ tìm cách tận dụng và xâm nhập thị trường ưu đãi và thuế suất đang giảm dần. Điều này đòi hỏi các mạng lưới vận chuyển và hạ tầng logistics hiện đại. Vì thế, các cảng ở các tỉnh ở khu vực láng giềng như TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm dòng lưu thông hàng hóa thông suốt và tận dụng hết các ưu đãi của EVFTA. “Vì vậy, nâng cấp mạng giao thương vùng giữa các trung tâm logistics này và khu vực ĐBSCL có thể giúp tăng xuất khẩu và giảm chi phí cho doanh nghiệp”, ông Minh nhận định.

Tìm đường đưa đặc sản ĐBSCL vào châu Âu ảnh 3 Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thăm mô hình khởi nghiệp

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, EVFTA cùng những hiệp định thương mại khác tạo những cơ hội mới cho Việt Nam trong bối cảnh mới. Đồng thời, bà cho rằng, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới đang chao đảo, mọi người đang xem xét và sắp xếp lại các chuỗi cung ứng. Cùng với đó là việc thay đổi và củng cố các mối quan hệ và đối tác. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ có các cơ hội để lấp vào những chỗ trống của các sự thay đổi. Đối với nông nghiệp, sự thiếu hụt của lương thực trên toàn cầu sẽ tạo ra những cơ hội nhất định cho Việt Nam, tuy nhiên thì những thách thức vẫn còn ở đó.

“Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không cố gắng thì các thị trường EVFTA và CPTPP cũng sẽ quên Việt Nam. Đây sẽ là một điều mất mát vì sự thay đổi từ Việt Nam và các thị trường đã gặp nhau, tạo ra những cơ hội và sự phát triển rất lớn để vươn lên. Việt Nam đi vào những thị trường dễ tính sẽ tự kiềm hãm mình ở mức thu nhập trung bình, nếu cứ tiếp tục làm gia công và các sản phẩm giá trị gia tăng thấp. Đây là những lo lắng lớn nhất của tôi”, bà Lan nhấn mạnh.                                                                                                 

MỚI - NÓNG
Lùi thời gian tắt sóng di động 2G
Lùi thời gian tắt sóng di động 2G
TPO - Do ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3, các đơn vị chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu cho lãnh đạo Bộ lùi thời gian tắt sóng 2G, thay vì lịch trình từ 15/9/2024 như trước.
Kỳ lạ hàng trăm cây quý hiếm phải canh giữ ngày đêm ở Việt Nam
Kỳ lạ hàng trăm cây quý hiếm phải canh giữ ngày đêm ở Việt Nam
TPO - Cây Thông nước (Thủy tùng) thuộc loài đặc hữu rất hiếm mà cả sách đỏ thế giới và Việt Nam đặt vào tình trạng nguy cấp, được bảo vệ nghiêm ngặt ngày đêm. Tại Việt nam, Thủy tùng chỉ có duy nhất ở tỉnh Đắk Lắk. Hơn nửa thế kỷ qua, để bảo tồn loại cây này là một thách thức với những người có trách nhiệm.