Cuộc thi năm nay nhận được tổng cộng 476 hồ sơ của hơn 1.100 thí sinh từ 12/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL (tăng 44% về số lượng so với năm 2019). Các lĩnh vực tham gia cuộc thi gồm: nông nghiệp, chế biến thực phẩm, công nghệ ứng dụng, giải pháp kinh doanh – thương mại – dịch vụ, môi trường, du lịch, sản xuất công nghiệp, y tế - chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất với 196 hồ sơ (chiếm 41%); giải pháp kinh doanh - thương mại - dịch vụ có 116 hồ sơ (chiếm 24%) và chế biến thực phẩm có 102 hồ sơ (chiếm 21%), các lĩnh vực còn lại chiếm 14%. Tính theo địa bàn, số lượng hồ sơ chủ yếu đến từ hai tỉnh Đồng Tháp (136 hồ sơ, chiếm 29%) và Long An (125 hồ sơ, chiếm 26%).
Trải qua hành trình 3 vòng thi gồm vòng 1 (sơ khảo), vòng 2 (đào tạo), vòng 3 (thuyết trình), từ 476 hồ sơ, Ban tổ chức đã chọn ra được 10 dự án xuất sắc tham gia thuyết trình và phản biện trước Hội đồng Giám khảo tại vòng chung kết.
Kết quả chung cuộc, dự án dự án “Ba khía Đầm Dơi – Sản phẩm xây dựng thương hiệu quê hương” đến từ huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau đã đạt giải nhất. Giải nhì thuộc về dự án “Nông trại nghỉ dưỡng Thuận Thiên Việt Mekong Farmstay”. Giải ba là dự án “Mật thốt nốt Palmania” và 2 giải khuyến khích thuộc về dự án “Gora- máy thu mua chai nhựa đặt tại nơi công cộng” và “Tropca - Từ trái cây nhiệt đới Việt Nam”.
Bà Trần Thị Xa, Trưởng nhóm dự án “Ba khía Đầm Dơi – Sản phẩm xây dựng thương hiệu quê hương” chia sẻ, bắt nguồn từ trăn trở về sản phẩm ba khía không gõ nguồn gốc được bày bán đại trà trên thị trường, gây mất niềm tin ở người tiêu dùng, trong khi đó, ba khía lại là sản phẩm có nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có ở địa phương, nhưng ‘tiếng vang’ về món ăn này ít được nhắc đến.
Chính sự trăn trở đó đã thôi thúc bà chọn "ba khía Đầm Dơi" để khởi nghiệp nhằm nâng cao giá trị con ba khía của quê hương nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung. Khi chọn con ba khía khởi nghiệp, tác giả luôn đặt mục tiêu làm sao để sản xuất ba khía ngon, ba khía muối đảm bảo sạch, kinh doanh ra sao để xây dựng được điểm bán hàng tin cây cho người tiêu dùng…
Theo tác giả dự án, ba khía Đầm Dơi được sản xuất trên một quy trình với phương châm “trao chất lượng - nhận niềm tin”, chú trọng từng khâu nhỏ nhất, từ bước chọn nguyên liệu đến thành phẩm và tiêu thụ trên thị trường.
Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL được thực hiện thường niên từ năm 2016 đến nay, với mục tiêu khuyến khích tinh thần doanh chủ, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp và quyết tâm thành lập doanh nghiệp của thanh niên, giới trẻ ĐBSCL. Đặc biệt, những dự án khả thi, qua các vòng tuyển chọn của cuộc thi trong các năm đều được tư vấn, đầu tư và kết nối đầu ra cho sản phẩm hiệu quả.
Giải nhất cuộc thi có trị giá 30 triệu đồng, trong đó, 20 triệu đồng tiền mặt và một khóa đào tạo giám đốc điều hành trị giá 10 triệu đồng. Giải nhì trị giá 25 triệu đồng (15 triệu đồng tiền mặt và một khóa đào tạo giám đốc điều hành trị giá 10 triệu đồng). Giải ba trị giá 20 triệu đồng (10 triệu đồng tiền mặt và một khóa đào tạo giám đốc điều hành trị giá 10 triệu đồng).
Giải khuyến khích trị giá 15 triệu đồng (5 triệu đồng tiền mặt và một khóa đào tạo giám đốc điều hành trị giá 10 triệu đồng).