Đồng bằng sông Cửu Long phải 'sống chung' với nước biển dâng

Tuyến đê biển Tây Cà Mau từ Kiên Giang đến Mũi Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng trong mùa mưa bão, gió tây- nam hoạt động mạnh
Tuyến đê biển Tây Cà Mau từ Kiên Giang đến Mũi Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng trong mùa mưa bão, gió tây- nam hoạt động mạnh
TPO - Đó là một trong những quan điểm phát triển của vùng được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nêu ra tại Hội nghị báo cáo và tham vấn về “Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra sáng 26/11 tại Cần Thơ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, ĐBSCL là vùng lãnh thổ có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước.

Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn đóng góp trên 12% cho GDP cả nước. Riêng nông nghiệp của vùng chiếm 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp, đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước…

Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của ĐBSCL vẫn thấp hơn 18% so với mức trung bình của cả nước. Đồng thời, vùng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đối khí hậu (BĐKH), các hoạt động phát triển ở thượng nguồn, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.
Đồng bằng sông Cửu Long phải 'sống chung' với nước biển dâng ảnh 1 Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CK

“Thách thức có nhiều, nhưng cơ hội cũng không ít để phát triển vùng ĐBSCL, quan trọng là nhận thức được thách thức để quản lý rủi ro hiệu quả, nắm bắt cơ hội để tận dụng triệt để” – ông Dũng nói và cho biết, ĐBSCL có vị trí địa lý chiến lược, nguồn nhân lực còn rất nhiều dư địa để phát triển và cải thiện chất lượng.

Nền nông nghiệp của vùng hiện vẫn đang nắm giữ rất nhiều sản phẩm ưa chuộng của thị trường thế giới với nhu cầu ngày càng tăng như nông sản hữu cơ, tôm, cá tra, trái cây, lúa gạo… Cạnh đó, vùng này có lợi thế đặc biệt về các nguồn năng lượng tái tạo…

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, đây là bản quy hoạch (QH) vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch. Phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội – môi trường phải là quan điểm chủ đạo của cả QH vùng và QH các địa phương trong vùng, là quan điểm xuyên suốt trong cả giai đoạn tầm nhìn của QH, lấy yếu tố “con người” làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển; lấy “thích ứng” với BĐKH làm cách thức phát triển phổ biến, muốn tiến lên phía trước, bắt buộc phải thích ứng.

“Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm biến thách thức thành cơ hội, không nhìn nhận vùng ĐBSCL là vùng khó khăn, toàn thách thức mà ngược lại, cần coi BĐKH, nước biển dâng là điều kiện không thể tránh khỏi, bắt nó phục vụ cho phát triển, điều quan trọng nhất là con người vận dụng, điều chỉnh và kiểm soát chúng thế nào để phát triển. Đã đến lúc phải thay đổi mô hình phát triển theo hướng tập trung hơn, phát triển các trung tâm kinh tế, các đô thị động lực, tập trung nguồn lực để tạo các “quả đấm thép” cho sự phát triển của vùng.” – ông Dũng nhấn mạnh.

Nguyên tắc “không hối tiếc”

Theo chuyên gia độc lập về sinh thái Nguyễn Hữu Thiện, cần xác định ĐBSCL không chỉ là nơi sản xuất mà trước hết đây là nơi sinh sống, là nét văn hóa sông nước. QH vùng ĐBSCL cần áp dụng nguyên tắc “không hối tiếc”, lý do vì bối cảnh là không chắc chắn. “Hành động thích ứng có thể đúng, có thể sai; lợi thì trước mắt nhưng hại thì bộc lộ dần về lâu dài, lợi dễ nhìn thấy nhưng hại khó nhận ra và lợi thì hẹp nhưng hại thì rộng” – ông Thiện nói.

BĐKH và nước biển dâng là bối cảnh không chắc chắn, là quá trình dần dần và sẽ còn cập nhật nhiều lần. Ảnh hưởng phía thượng nguồn sông Mekong mà cụ thể là thủy điện hay BĐKH ở phía thượng nguồn cũng chưa chắc chắn. Do vậy, không nên lấy cực đoan làm nền để QH.

Đồng bằng sông Cửu Long phải 'sống chung' với nước biển dâng ảnh 2 Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện trình bày tại hội nghị. Ảnh: CK

Nguyên tắc “không hối tiếc” là gì? Theo ông Thiện, đó là ít rủi ro sai lầm, ít tác dụng phụ; có thể sửa đổi được nếu nhận ra sai lầm; không loại bỏ các phương án thích ứng khác trong tương lai; hành động ở một nơi không gây ảnh hưởng nơi khác, hành động của một ngành không ảnh hưởng đến ngành khác.

Theo ông Thiện, có 3 loại hối tiếc gồm hối tiếc cao, hối tiếc trung bình và hối tiếc thấp. Những hành động hối tiếc cao như việc thâm canh lúa ba vụ, lợi lúc đầu, nhưng đất đai suy kiệt, ảnh hưởng an ninh lương thực về lâu dài, mất không gian hấp thu lũ, mất tài nguyên thủy sản.

Việc đưa Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới với chiến lược nông nghiệp chủ yếu là đầu vào cao, sản lượng cao, sản lượng cao được xem là thành tích nhưng đầu vào ít được nói đến. “Sản xuất 25 triệu tấn lúa nhưng cũng tốn 3 triệu tấn phân bón và 0,5 triệu tấn nông dược. Nhiều gạo không chắc là an ninh lương thực, Việt Nam xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới nhưng chỉ số an ninh lương thực xếp 54/113 quốc gia” – ông Thiện dẫn chứng.

Việc ưu tiên cho ĐBSCL là chuyển hóa nền nông nghiệp, giảm lượng, tăng chất, tăng chế biến, tăng chuỗi giá trị, logistics tốt hơn, giao thông kết nối, thị trường tốt hơn; ưu tiên giải quyết sụt lún, giảm sử dụng nước ngầm, phục hồi sông ngòi. Ưu tiên giải pháp phi công trình hơn giải pháp “thành trì kiên cố”; công trình chỉ nên cỡ nhỏ, chỉ nên kiểm soát, không nên ngăn mặn…

Theo ông Thiện, ĐBSCL đang ở ‘ngã ba đường’: những vấn đề hiện tại, Nghị quyết 120 và tương lai bền vững của ĐBSCL. QH lần này mang tính lịch sử, sẽ còn những lúng túng và còn những vấn đề QH này không giải quyết được.

“Bộ ba chính sách gồm Nghị quyết 120, Luật Quy hoạch 2017, Quyết định 593 về liên kết vùng là cơ hội vàng cho ĐBSCL. Trong đó, Nghị quyết 120, nếu thực hiện đúng, sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề ĐBSCL” – ông Thiện kết luận.

MỚI - NÓNG