Tìm cách hút vốn Nhật Bản cho công nghiệp hỗ trợ

TPO - Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại Hà Nội – Nhật Bản 2024 diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) mới đây, đại diện nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã kiến nghị TP Hà Nội có thêm các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp cũng như giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) tại Tokyo, ông Phạm Văn Khanh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Katao Sogo cho biết, Hansinba và công ty đã triển khai nhiều chương trình hợp tác và thúc đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó đang trọng tâm hợp tác đầu tư, sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ, các sản phẩm công nghiệp cho lĩnh vực tàu cao tốc, đòi hỏi trình độ công nghệ cao nhưng có giá trị gia tăng lớn và lan toả ra các ngành công nghiệp khác tại Việt Nam.

Ông Khanh kiến nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp 2 nước để thúc đẩy tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất Nhật Bản và toàn cầu, tạo điều kiện tốt hơn nữa về các cơ chế chính sách thu hút đầu tư. Đặc biệt là về hạ tầng khu công nghiệp chuyên sâu đồng bộ hiện đại cho ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao.

Tìm cách hút vốn Nhật Bản cho công nghiệp hỗ trợ ảnh 1

Phó Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Katsunori Nakazawa phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN)

Ông cũng đề nghị thành phố Hà Nội có chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, lưu học sinh - kỹ sư - kỹ thuật viên đã học tập làm việc tại Nhật Bản tham gia về Hà Nội khởi nghiệp hình thành doanh nghiệp 100% Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

“Hiệp hội HANSIBA đã cùng chủ đầu tư khu công nghiệp HANSSIP tại Hà Nội hình thành và đưa vào hoạt động Học viện đào tạo lao động - kỹ thuật cao và tiếp đón đội ngũ sinh viên, kỹ sư tại Nhật Bản về tham gia sản xuất. Việc này cần được thành phố quan tâm hơn nữa, đưa thành chính sách chuyên sâu về vấn đề khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Thủ đô Hà Nội đang được chính quyền Hà Nội chú trọng phát triển trong lĩnh vực này”, ông Khanh đề xuất.

Ông Takayuki Ishida, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (VI-JA CID) cho biết, công ty được thành lập với mục đích giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam và Thủ đô Hà Nội, hỗ trợ các công ty Việt Nam cùng tham gia chuỗi sản xuất Nhật Bản và toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao.

Theo ông Ishida, công ty đã kết hợp với HANSIBA và tập đoàn N&G - Việt Nam tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, hướng dẫn đào tạo qui trình sản xuất, đào tạo công nhân kỹ thuật cao, kết nối đặt hàng sản xuất, nguồn vốn vay ưu đãi với chi phí thấp từ Nhật Bản, tiếp nhận máy móc và công nghệ Nhật Bản …

Trong quá trình tư vấn và hợp tác với các doanh nghiệp vùng Kobe Nhật Bản và các doanh nghiệp FDI tại khu công nghiệp Hanssip Hà Nội, công ty nhận thấy các doanh nghiệp FDI nói chung đều đang có nhu cầu lớn về nhà ở công nhân và chuyên gia tại đây.

“Chúng tôi mong muốn chủ đầu tư khu công nghiệp Hanssip cũng như chính quyền thành phố Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi, môi trường pháp lý thông thoáng nhằm đáp ứng kịp thời về tiến độ đầu tư xây dựng cũng như nhu cầu nhà ở công nhân, nhà ở cho cán bộ, chuyên gia cho các công ty Nhật Bản và các doanh nghiệp FDI đang đầu tư sản xuất tại đây trong thời gian tới, bắt kịp tiến độ cùng với việc các nhà máy đi vào hoạt động sản xuất ngay đầu năm 2025”, ông Ishida cho hay.

Tìm cách hút vốn Nhật Bản cho công nghiệp hỗ trợ ảnh 2
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ tại hội nghị

Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Nhật Bản

Tại hội nghị, ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban Khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc cho biết khu công nghệ cao là một trong những dự án đặc biệt quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Thành phố Hà Nội đã và đang quan tâm đặc biệt đến việc phát triển Khu Công nghệ caovới kỳ vọng sẽ là một khu vực trung tâm của đô thị phía Tây Hà Nội, là một cực phát triển mới lấy khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực làm động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Theo ông Trung, hiện đã có một số tổ chức, doanh nghiệp lớn ở Nhật Bản đang đầu tư tại địa điểm này như Tập đoàn Nissan, Tập đoàn Nidec, Trường Đại học Việt - Nhật... Với tiềm năng và lợi thế của mình, Khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc mong muốn có nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản đến đầu tư và cam kết luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để nơi này là một điểm đến của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nói chung và thành phố Hà Nội với Nhật Bản nói riêng tiếp tục được củng cố, phát triển, thành phố đánh giá đây là cơ hội tốt để tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư của Nhật Bản.

Theo ông Thanh, Hà Nội có vị trí, vai trò là "Trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia,” trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và hội nhập quốc tế; một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Nhật Bản nói chung và thành phố Hà Nội với Nhật Bản nói riêng tiếp tục được củng cố, phát triển, thành phố Hà Nội đánh giá đây là cơ hội tốt để tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư của Nhật Bản.

MỚI - NÓNG