PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ giới thiệu tập đầu tiên của bộ ba tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” về Hồ Chủ tịch. Ảnh: KỲ SƠN |
Nợ nước non là món quà đặc biệt hướng về 132 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đồng thời ra mắt Nợ nước non - tập 1 trong bộ sử thi nghệ thuật Nước non vạn dặm - và chuyển thể tác phẩm văn học sang vở kịch hát cùng tên do NSND, đạo diễn Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng.
Tự nhủ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh là thách thức lớn, tác giả Nguyễn Thế Kỷ lựa chọn góc tiếp cận mang tính sử thi nhưng cũng đòi hỏi sự chân thực, thuyết phục và cảm động về người anh hùng dân tộc. Tập đầu tiên Nợ nước non tập trung tái hiện thời niên thiếu của cậu bé Nguyễn Sinh Cung và chàng trai Nguyễn Tất Thành. Tên gọi bắt nguồn cảm hứng từ câu hát của bà Hoàng Thị Loan thường ru các con “Công danh là nợ nước non phải đền”, thêm ấn tượng với câu nói của cụ Nguyễn Sinh Sắc: “Nước mất thì đi tìm nước chứ công chi mà phải tìm cha”. Tập thứ 2 dự kiến viết về thời kỳ Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài tìm đường cứu nước và tập cuối tập trung về quá trình lãnh đạo, dẫn dắt cách mạng từ khi Người về nước cho tới chiến thắng Điện Biên Phủ.
“Những dòng cuối của tiểu thuyết đã đẩy cảm xúc tới đỉnh điểm. Những trang văn đẹp, xúc động, lớn lao dâng lên như từng đợt sóng. Hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành bước lên con tàu làm người đọc chìm vào cảm xúc thiêng liêng, ngập tràn niềm kiêu hãnh và nỗi đợi chờ lớn lao của những người đứng trên bờ đợi chờ ngày trở lại của con người đó”.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Nguyễn Quang Thiều
“Chúng ta ai cũng có thời thơ ấu, cũng từng là những đứa trẻ có lúc ngoan ngoãn nhưng cũng có những lúc bướng bỉnh. Tôi không mặc định rằng Bác Hồ phải là vĩ nhân từ tấm bé, cho nên những trang viết về thời niên thiếu của Bác có sự chân thực nhất dựa trên những tư liệu lịch sử về Người”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cho hay. Không mặc định Nguyễn Tất Thành là vĩ nhân từ tấm bé, nhưng tác giả cũng gợi ra những tư chất của một con người có tầm vóc, sự tác động của gia đình, của thời đại lịch sử để từng bước thay đổi và dần dần hình thành một Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vĩ nhân sau này.
Nhà văn Bùi Việt Thắng - một trong những độc giả đầu tiên của Nước non vạn dặm - đánh giá tác phẩm được viết bằng bút pháp hiện thực - tâm lý - trữ tình hòa quyện. “Bám sát lịch sử đã đành, nhưng tác giả không ‘dìm’ người đọc vào sự kiện có thể như thác lũ khi viết về một nhân vật lịch sử”, ông Bùi Việt Thắng nêu. Ông cho rằng tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã vận dụng một lối văn duy tình khiến câu chuyện được kể thấm đẫm nghĩa cử. “Vận dụng lối viết từ cái nhìn bên trong nội tâm con người nên tiểu thuyết Nợ nước non của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ sẽ để lại ấn tượng rõ nét và sâu đậm về nhân vật Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Văn Ba”, nhà văn Bùi Việt Thắng nói.
“Nợ nước non” được đánh giá là tác phẩm bình dị, chân thực và xúc động về thời niên thiếu của Bác. Ảnh: KỲ SƠN |
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá, tác giả Nguyễn Thế Kỷ có tình yêu đặc biệt và thiêng liêng dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Với tình yêu như thế, ông tự tin sáng tạo những chi tiết trong đời sống, những lời nói, suy nghĩ, hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi là cậu bé Cung cho đến khi là người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành mà ông không hề sợ ‘phạm lỗi’. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đóng góp một cách quan trọng để mở rộng chiều kích tâm hồn con người Hồ Chí Minh, mở rộng chiều kích tư tưởng Hồ Chí Minh trong cách nhìn của một nhà văn đang sống trong một thế kỷ quá nhiều biến cố lịch sử và quá nhiều thay đổi những hệ giá trị”, ông Nguyễn Quang Thiều nhận định.
Điều quan trọng mà Nguyễn Quang Thiều nhận thấy ở tác phẩm của Nguyễn Thế Kỷ chính là sự không “kỳ bí hóa” hay “thần thánh hóa” một vĩ nhân lịch sử khi viết về thời niên thiếu của vĩ nhân đó. “Tôi theo dõi một cách kỹ lưỡng những câu thoại của cậu bé Cung rồi đến chàng trai Nguyễn Tất Thành. Đây là phần khó nhất trong một tác phẩm văn học, đặc biệt một tác phẩm văn học viết về vĩ nhân lịch sử như Hồ Chí Minh. Diễn biến và sự phát triển cũng như lí do để sinh ra những câu thoại từ nhỏ cho đến khi lớn lên của nhân vật chính cho thấy nhận thức và tư duy của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành mỗi ngày một sâu sắc và rộng lớn, chứa đựng một cách nhìn, một tầm nhìn và đặc biệt trái tim chàng trai ấy mỗi lúc một lớn lên mang những nhịp đập của tình yêu thương con người, yêu thương Tổ quốc và hé mở những khát vọng lớn lao”, Nguyễn Quang Thiều nhận xét.
Vở kịch hát Nợ nước non công diễn tối 19-20/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, là sự kết hợp của cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca ví, giặm xứ Nghệ, ca Huế, bài Chòi và dân ca Nam Bộ. Tác giả Hoàng Song Việt chịu trách nhiệm chuyển thể từ tác phẩm văn học sang kịch hát. NSND Triệu Trung Kiên từng được nhà văn Nguyễn Thế Kỷ tin tưởng trao tác phẩm chuyển thể, anh coi đó vừa là niềm vui vừa là thách thức. Anh mạnh dạn giao cho kép Minh Hải thể hiện hình tượng Nguyễn Tất Thành. Thật tình cờ, con trai của nghệ sĩ Minh Hải thể hiện cậu bé Nguyễn Sinh Cung trong vở diễn. Ê-kíp sáng tạo hy vọng với sự nỗ lực của 70 nghệ sĩ, diễn viên Nợ nước non sẽ khắc họa xúc động, sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành gắn với câu chuyện của gia đình thông qua hình tượng bà Hoàng Thị Loan, cụ Nguyễn Sinh Sắc.
GS. Hà Minh Đức - người thầy của tác giả và nhiều nhà văn, nhà thơ khác - đánh giá, Nguyễn Thế Kỷ có phẩm chất rất đáng quý đó là sự say mê viết về đề tài cách mạng, đề tài lịch sử như Hừng Đông, Mai Hắc Đế, Hoa lửa Truông Bồn... Ông kể, từ năm 1982 khi dự hội thảo ở trường ĐH Havard (Mỹ) có ít nhất 4-5 người nước ngoài có tác phẩm sắc sảo về Hồ Chí Minh. Số lượng tác phẩm viết về Bác từ đó đến nay rất nhiều, cho nên ông kỳ vọng giai đoạn này và về sau sẽ có thêm những tác phẩm xúc động về Người.