Tiểu thương chợ gia cầm Hà Vỹ: Bỗng dưng bị truy thu phí

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau 12 năm kinh doanh buôn bán gia cầm tại chợ gia cầm Hà Vỹ, bất ngờ 162 tiểu thương bị truy thu phí “diện tích bán hàng” của 10 năm qua với số tiền hơn 38 triệu đồng/kiot.

Mới đây, ngày 15/4/2023, UBND xã Lê Lợi (huyện Thường Tín, Hà Nội) ra thông báo truy thu “phí diện tích bán hàng kinh doanh cố định” trong 10 năm qua khiến 162 tiểu thương đang kinh doanh tại chợ gia cầm Hà Vỹ (xã Lê Lợi) “choáng váng”.

Theo thông báo, mức truy thu phí diện tích bán hàng kinh doanh cố định được đưa ra là 15.100 đồng/m2; thời điểm truy thu tính từ tháng 9/2011 đến tháng 9/2021. Như vậy, với mỗi kiot tại chợ có diện tích 21m2, tiểu thương sẽ phải nộp số tiền hơn 38 triệu đồng.

Tiểu thương chợ gia cầm Hà Vỹ: Bỗng dưng bị truy thu phí ảnh 1

Tiểu thương buôn bán tại chợ gia cầm Hà Vỹ

Bà N.T.T. (một tiểu thương tại chợ Hà Vỹ) cho biết, từ năm 2011, sau khi chợ đi vào hoạt động, gia đình bà đã thuê được 1 kiot với thời hạn 10 năm. Theo hợp đồng ký kết, mỗi kiot như của gia đình bà phải đóng tiền thuê 1 lần, với tổng số tiền là 110 triệu đồng. Trong quá trình kinh doanh tại chợ, bà cũng như các tiểu thương khác vẫn đóng các khoản điện, nước, phí vệ sinh đầy đủ cho Ban quản lý chợ.

“Chúng tôi đã đóng đầy đủ tiền thuê kiot, các khoản phí, giờ địa phương lại truy thu hơn 38 triệu đồng nữa là vô lý”, bà T. bức xúc.

“Chúng tôi cũng thừa hành chỉ đạo của UBND huyện trong việc truy thu phí diện tích kinh doanh tại chợ Hà Vỹ chứ không dám làm sai. Hiện tại, việc kinh doanh của tiểu thương tại chợ vẫn diễn ra bình thường. Chúng tôi cũng chờ cấp trên đưa ra phương án xử lý phù hợp”.

Ông Lương Duy Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi

Cũng như bà T., tất cả 162 tiểu thương tại chợ Hà Vỹ đều bức xúc khi nhận được thông báo truy thu phí từ UBND xã Lê Lợi. Vì thế, tiểu thương đã nộp đơn khiếu nại tập thể đến UBND xã Lê Lợi và UBND huyện Thường Tín để được yêu cầu làm rõ, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tuy nhiên, đến thời điểm này các tiểu thương chưa nhận được hồi đáp của UBND huyện Thường Tín.

Chính quyền xã nói gì?

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ban đầu chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ là chợ tự phát. Khi đó, một vài hộ dân trong xã đi thu mua gia cầm về buôn bán, kinh doanh. Dần dần, hoạt động buôn bán gia cầm ngày càng phát triển, số lượng người tham gia buôn bán ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn.

Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cũng như bảo vệ môi trường, năm 2011, UBND huyện Thường Tín đã đầu tư xây dựng Chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ với kinh phí trên 30 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành, chợ được chia làm 162 kiot, mỗi kiot rộng 21m2. Các tiểu thương có nhu cầu sẽ được bốc thăm lựa chọn vị trí kiot. Đến năm 2011, chợ bắt đầu đưa vào khai thác, sử dụng. Chợ được chia làm hai khu riêng biệt, là khu bán gia cầm và khu bán thủy cầm.

Về những khiếu nại của tiểu thương, ông Lương Duy Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi kiêm Trưởng Ban quản lý Chợ gia cầm Hà Vỹ cho biết, địa phương đã nhận được đơn phản ánh, kiến nghị của các tiểu thương liên quan đến việc truy thu phí. UBND xã cũng đã báo cáo lên UBND huyện để có phương án giải quyết theo đúng quy định.

Cũng theo ông Bình, khoản tiền 110 triệu đồng người dân đóng khi ký hợp đồng là tiền xây dựng cơ sở vật chất. Có nghĩa, sau khi bốc thăm vị trí các kiot tại chợ, tiểu thương đóng 110 triệu đồng/kiot với thời hạn thuê 10 năm. Trong quá trình buôn bán, kinh doanh, tiểu thương phải đóng thêm phí môi trường, an ninh, vệ sinh nhưng không đáng kể.

Theo một lãnh đạo UBND xã Lê Lợi, từ tháng 12/2011, UBND huyện Thường Tín đã có thông báo thu phí đối với diện tích kinh doanh tại chợ gia cầm Hà Vỹ là 15.100 đồng/m2 và thu theo năm.

Tuy nhiên, người dân cho rằng đã ký hợp đồng theo năm và trả đủ tiền thuê 10 năm nên không đồng ý nộp. Sau đó, UBND huyện cũng không nhắc tới việc này. Hằng năm, Ban quản lý chợ đầu mối Hà Vỹ đều có văn bản báo cáo với UBND xã Lê Lợi về việc không thu được khoản phí này. Đến tháng 4/2023, thì UBND xã có quyết định truy thu.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.