Tiết xuân nên cẩn trọng bệnh hen ở trẻ em

Phế quản bình thường (1) và phế quản bị co thắt trong bệnh hen (2)
Phế quản bình thường (1) và phế quản bị co thắt trong bệnh hen (2)
Mùa xuân, thời tiết miền Bắc nước ta mưa nắng thất thường, đang ấm chuyển lạnh đột ngột, sau đợt gió mùa đông bắc thường có những đợt gió nồm, mưa phùn ẩm ướt, không khí bão hoà hơi nước tạo điều kiện thuận lợi cho cơn hen xuất hiện.

Hen trẻ em là một bệnh thường gặp do các phế quản bị bít tắc bởi niêm mạc bị phù nề và các đờm rãi, chiếm hơn 20% các bệnh về phổi ở trẻ nhỏ, đứng hàng thứ ba sau bệnh viêm phế quản và viêm phổi.

Nguyên nhân sinh bệnh rất phức tạp, tuy đã được nghiên cứu từ lâu nhưng đến nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Nói chung bệnh thường xảy ra ở những trẻ có cơ địa dị ứng như dị ứng theo mùa, dị ứng với cây cỏ, phấn hoa lông thú, bụi xác các sinh vật nhỏ bé, rêu mốc..., thần kinh dễ mất cân bằng, bộ phận hô hấp dễ bị kích thích...

Mùa xuân, thời tiết miền Bắc nước ta mưa nắng thất thường, đang ấm chuyển lạnh đột ngột, sau đợt gió mùa đông bắc thường có những đợt gió nồm, mưa phùn ẩm ướt, không khí bão hoà hơi nước tạo điều kiện thuận lợi cho cơn hen xuất hiện. Các viêm nhiễm đường hô hấp trên, nhất là VA và amidan bị nhiễm khuẩn cũng là những gai kích thích gây cơn hen ở trẻ em.

Trẻ bị hen ở thể điển hình rất dễ nhận biết, nhất là đối với những trẻ lớn. Cơn hen thường xảy ra vào lúc nửa đêm, gần sáng. Cơn thường xảy ra đột ngột nhưng đôi khi có triệu chứng báo trước như hắt hơi sổ mũi, ho hoặc mẩn ngứa. Trong cơn hen trẻ rất khó thở, thở rít khi hít vào, nhịp thở chậm phải ngồi dậy để thở, co kéo xương ức, nét mặt lo âu, môi tím tái, vã mồ hôi, thở cò cử... Mỗi cơn hen kéo dài khoảng 1 giờ, sau đó trẻ ho, khạc ra nhiều đờm trắng dính. Sau cơn hen trẻ trở lại bình thường.

Ngoài thể điển hình nói trên còn thường gặp những thể không điển hình, có những trường hợp nguy kịch nhưng cũng có những trường hợp rất nhẹ, chỉ biểu hiện như viêm đường hô hấp trên, có tiếng cò cử, thường xuất hiện vào những lúc thay đổi thời tiết, không có ảnh hưởng gì lớn đến sức khỏe.

Trẻ càng nhỏ (từ 1-3 tuổi) hen càng nặng, các trẻ lớn thường bệnh nhẹ hơn và rất ít tử vong. Trẻ có thể bị hen ngay từ khi còn bú (nhân dân ta vẫn gọi là hen sữa), nhưng cũng có các cháu đến 8, 9 tuổi mới mắc bệnh.

Về điều trị, các thuốc chữa hen hiện nay có rất nhiều, nhưng phải tùy tình hình bệnh cụ thể và lứa tuổi mà dùng loại thuốc thích hợp. Đa số các trẻ bị hen sẽ khỏi trước tuổi dậy thì. Tuy nhiên tiên lượng bệnh còn phụ thuộc vào những biến đổi thực thể ở phổi, số lần lên cơn hen và mức độ nặng nhẹ của cơn hen... Nếu có kèm theo những biến đổi ở phổi như giãn phế quản, viêm phổi kẽ, tràn khí màng phổi... tiên lượng sẽ xấu hơn. Thường những trẻ lớn mới bắt đầu bị hen sẽ có thể mang bệnh suốt đời.

Dù trẻ bị hen do bất cứ nguyên nhân nào cũng không thể để bệnh hen trở nên nặng: “Hen là một chứng bệnh có thể vãn hồi được và người bệnh có thể đề phòng cơn hen ngay tại nhà mình”. Chính vì vậy, trong công tác chăm sóc trẻ bị hen, ngoài các thuốc do thầy thuốc chỉ định, về phía gia đình cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Để trẻ đỡ lên cơn hen, cần tránh cho trẻ ở những nơi ẩm thấp, có nhiều bụi. Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, nhất là những hôm thời tiết thay đổi thất thường, đang ấm trở lạnh đột ngột.

- Cho trẻ ăn uống đầy đủ, thức ăn có nhiều chất dinh dưỡng và vitamin, ăn nhiều quả chín, rau tươi, tránh những thức ăn khó tiêu như đồ hộp, trứng, thức ăn nhiều lipid... Tránh những thực phẩm dễ gây dị ứng như  tôm, cua, nhộng...

Tiết xuân nên cẩn trọng bệnh hen ở trẻ em ảnh 1

Dị ứng phấn hoa là một yếu tố khởi phát cơn hen ở trẻ.

- Khuyến khích trẻ tập thể dục đều, nhất là tập thở. Trẻ bị hen cần tập thở, nhưng các em lại dễ chán. Theo một số tác giả có kinh nghiệm, có thể thay thế động tác thể dục tập thở bằng cách cho các em chơi một nhạc cụ hơi, sau một thời gian dung tích sống và tình trạng phổi của các em được cải thiện rõ rệt.

- Về mùa hè, nên cho các em đi nghỉ ở bờ biển, không nên cho các em đi nghỉ mát ở các vùng núi cao. Vì theo một thống kê y học thì 50% trẻ bị hen lên vùng núi cao đã có những biểu hiện bệnh nặng lên.

- Chú ý đề phòng và chữa sớm những nhiễm khuẩn ở bộ máy hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, viêm mũi họng... Những bệnh nhiễm khuẩn này thường làm cơn hen tái phát.

- Cần cho trẻ tránh xa khói thuốc lá, một nghiên cứu về tác hại của việc hút thuốc đối với bệnh hen đã khuyên: “Không được hút thuốc, nhất là vào dịp đông về khi nhà cửa đóng kín mít”. Đây là điều tối quan trọng, bởi nếu người lớn hút thuốc trong nhà sẽ dẫn đến tình trạng hen của trẻ em nghiêm trọng hơn.

- Không đốt lửa sưởi trong nhà, củi cháy trong nhà hoặc khói than tổ ong có thể gây nên cơn hen.

- Nằm giường kê đầu cao hoặc gối cao khi ngủ để tránh hiện tượng trào ngược dịch vị có tính axít và thức ăn, vì hiện tượng này có thể gây nên cơn hen.

- Cẩn thận với thức ăn hằng ngày, qua nghiên cứu thực tế cho thấy: sữa, trứng và đồ ăn liền là những món ăn thường gây nên cơn hen. Nếu có thể hãy để trẻ tránh xa bếp ăn bởi có khi không cần phải ăn kiêng mà chỉ ngửi mùi cũng đủ để lên cơn hen rồi.

- Môn bơi lội làm tăng độ ẩm ướt cho cổ họng. Về mùa hè trẻ bị hen cần cho tham gia bơi thường xuyên. Đây là phương pháp tập luyện lý tưởng nhất đối với trẻ bị hen, vì nhờ nó có độ ẩm ướt cao, cổ họng sẽ không khô ráo nên ngừa được cơn hen.

Bệnh hen không thể xem thường, bởi thực tế vẫn có trường hợp hen nặng     (hen ác tính) dẫn tới tử vong. Vì thế cách tốt nhất để chống bệnh hen là đừng để phát bệnh. Và khi thấy trẻ thở khó khăn, cơn hen ngày càng gia tăng thì phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để khám và xử trí kịp thời.

Theo Theo Sức khỏe đời sống
MỚI - NÓNG