Theo BI, Berlin đang tụt hậu đáng kể so với yêu cầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc duy trì kho dự trữ đủ dùng cho ít nhất 30 ngày chiến đấu. Các nguồn tin cho biết vấn đề này “đã được nhắc đến trong nhiều năm”, khi các cuộc tập trận quân sự gặp phải tình trạng không đủ đạn dược.
Kho dự trữ tiếp tục cạn kiệt sau khi Đức cùng nhiều nước phương Tây khác bắt đầu gửi vũ khí và đạn dược tới Ukraine.
Trong số những vũ khí mà Ukraine nhận được, có 53.000 viên đạn cho pháo phòng không tự hành, 21,8 triệu viên đạn cho súng cầm tay và 50 tên lửa phá boongke.
Cùng lúc đó, các nguồn tin của BI cho biết hiện “không có đơn đặt hàng đáng kể nào” để các công ty quốc phòng sản xuất thêm vũ khí.
Tình trạng thiếu thốn “sẽ không thể cải thiện nếu đạn dược tiếp tục được chuyển ra khỏi kho của quân đội Đức, trong khi không có các đơn đặt hàng mới cho ngành công nghiệp quốc phòng”, Hans Christoph Atzpodien - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng và An ninh Đức (BDSV) nói với BI.
Theo nghị sĩ Eva Hoegl, cần phải có thêm 20 tỷ euro để bổ sung các kho dự trữ. Hồi tháng 2, Đức đã tuyên bố thành lập một quỹ trị giá 100 tỷ euro để củng cố quân đội trong bối cảnh xung đột Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht đã đến thành phố cảng phía Nam Odessa của Ukraine vào đầu tháng này. Sau chuyến đi, bà tuyên bố Berlin sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev chừng nào còn cần thiết.