Tiết kiệm nghìn tỷ
Báo cáo mới nhất vừa gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề cập đến nhiều vấn đề được dư luận và nhân dân quan tâm.
Qua số liệu từ 43 tỉnh, thành phố đã có 18 đơn vị hành chính cấp huyện được sắp xếp, giảm được 6 đơn vị; với cấp xã đã sắp xếp 1.025 đơn vị hành chính, giảm 545 đơn vị. Sau sắp xếp, dự kiến dôi dư 428 cán bộ, công chức cấp huyện và 9.534 người cấp xã và 6.913 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Về giải quyết cán bộ dôi dư, theo Bộ trưởng, trong giai đoạn 2019 - 2021, chỉ giải quyết chính sách được cho 146 công chức cấp huyện, công chức cấp xã dôi dư là 7.006 người, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 6.705 người. Số người dôi dư còn lại đến nay các địa phương vẫn còn lúng túng, chưa có phương án giải quyết.
Đáng chú ý, sau sắp xếp dự kiến giảm chi ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2020 - 2024 khoảng 1.431 tỷ đồng. Mặc dù đây là chủ trương lớn, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước, song tư lệnh ngành Nội vụ cũng cho rằng, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp.
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã thảo luận tại nhiều cuộc họp, lấy ý kiến cử tri trên địa bàn, nhưng một số địa phương khi lấy ý kiến lần 1 còn chưa đạt quá bán. Bên cạnh đó, địa phương cũng gặp nhiều lúng túng vì thời gian gấp, gần sát với thời điểm chuẩn bị đại hội đảng các cấp. Một số tỉnh, thành thực hiện chậm so với lộ trình, trong đó TPHCM xin lùi thời hạn sắp xếp.
Đặc biệt, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa thực sự ủng hộ, có tư tưởng trì hoãn do lo lắng sẽ ảnh hưởng đến vị trí công tác sau khi sắp xếp.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để giải quyết, tháo gỡ; đồng thời rà soát các quy định, báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yếu tố đặc thù với từng địa phương.
Không ai mất “ghế”
Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, sáp nhập huyện, xã là cơ hội để đánh giá lại đội ngũ cán bộ công chức. Ai làm được việc thì bố trí vào bộ máy mới; ai làm việc được mà không bố trí được vào bộ máy mới thì có cơ hội vào cơ quan cấp huyện, sở ngành. Còn ai không làm được việc thì đây cũng là dịp để phân loại đánh giá để thực hiện các chính sách đã ban hành như tinh giản biên chế, thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi, không đủ điều kiện tái cử thì chờ đến tuổi nghỉ hưu.
Theo Thứ trưởng, việc lựa chọn cán bộ được thực hiện trên cơ sở đánh giá phân loại đội ngũ cán bộ công chức. Còn lo ngại mất vị trí, mất ghế, người đang làm lãnh đạo, quản lý lại xuống chuyên viên là không có.
“Khi sáp nhập, mỗi đề án đều có phương án bố trí số lượng cấp trưởng, cấp phó trong từng đơn vị hành chính theo đúng quy định, số dôi dư (kể cả lãnh đạo) đều được tính toán để bố trí, giải quyết phù hợp. Cho nên không ai bị mất “ghế” cả. Ai cũng đều có chỗ đứng của mình dưới ánh nắng mặt trời. Tư duy “mất ghế” bây giờ đã cũ và cổ quá rồi, vì không làm ở chỗ này thì sẽ làm ở chỗ khác”, Thứ trưởng Tuấn nêu.