Tại buổi họp Ban chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản sáng 18/4, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay tính đến hết ngày 15/4, tổng số tiền ngân hàng đã cam kết cho vay gần 3.366 tỷ đồng với tổng dư nợ khoảng 1.700 tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng đã giải ngân 975,7 tỷ đồng cho gần 4.000 hộ và giải ngân 723,8 tỷ đồng cho cho 17 dự án của các doanh nghiệp. Hà Nôi có 4 dự án được vay với dự nợ là 179,9 tỷ đồng, TP HCM có 2 dự án với dư nợ 226 tỷ đồng.
Thứ trưởng cho hay, Bộ Xây dựng đã thẩm tra sơ bộ và chuyển danh mục gồm 81 dự án sang Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để xem xét, thẩm định cho vay. Tuy nhiên đến nay mới có 21 dự án được ký hợp đồng vay vốn, trong đó có 17 dự án đã được giải ngân.
“Số này còn ít, quy trình thủ tục điều kiện đối với ngân hàng còn rụt rè so nợ xấu ngân hàng vần còn cao”, ông Nam nhận định.
Như vậy, từ tháng 6/2013 đến 15/4, gói 30.000 tỷ đồng đã tiêu được 5,6%, tăng gấp 3 lần thời điểm cuối năm 2013. Tốc độ giải ngân tính tới giữa tháng 4 tăng khoảng 500 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 2.
Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, đại diện Bộ Xây dựng cho biết đã kiến nghị Thủ tướng mở rộng đối tượng vay vốn đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân mua nhà ở thương mại riêng lẻ có giá rẻ. "Những hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng thay vì khống chế về đơn giá và diện tích như hiện nay", ông Nam kiến nghị.
Theo quy định hiện hành, những nhà thương mại có diện tích dưới 70 m2 và có giá dưới 15 triệu đồng mỗi m2 mới được vay gói 30.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề xuất kéo dài thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình từ 10 năm lên 15 năm để tăng thời gian trả nợ, bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần tham gia cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02.
Gói cho vay hỗ trợ nhà ở của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu được tung ra từ 1/6/2013. Gói hỗ trợ này dành cho người mua nhà có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng là nhà ở xã hội. Trong đó dành tối đa 30% để cho vay đối với doanh nghiệp, 70% cho người mua nhà vay. Đầu năm nay, lãi suất trong gói 30.000 tỷ đồng giảm xuống 5% năm nhưng mức này vẫn còn cao so với thu nhập của người dân. Do đó, chỉ những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tiếp cận gói tín dụng này.
Trong khi gói tín dụng ưu đãi này chậm chạp giải ngân, thì các ngân hàng đang triển khai chương trình cho vay riêng với quy mô lên đến hơn 50.000 tỷ đồng, kết nối 4 nhà tham gia dự án. Các bên tham gia chương trình 50.000 tỷ đồng được vay theo cơ chế thương mại, lãi suất thông thường nhưng được kỳ vọng giảm thiểu các thủ tục, hạn chế rủi ro trong thanh toán giữa các bên, qua đó gỡ khó cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng, nhà thầu thi công, các chủ dự án và khơi thông vốn ngân hàng.
Theo Hoàng Lan