Tiếp sức đồng bào

0:00 / 0:00
0:00
Tiếp sức đồng bào
TP - Phiên đấu giá tranh trực tuyến trên fanpage báo Tiền Phong khởi đầu từ trưa qua, dự kiến kết thúc vào trưa nay Chủ nhật 29/8/2021. Nhưng chưa đầy 24 tiếng, hầu hết 12 bức tranh đã có người mua. Có những tác phẩm được trả cao hơn giá bán ngay mà ban tổ chức đưa ra.

Đó là tác phẩm của 12 họa sĩ danh tiếng Lê Công Thành, Phạm Luận, Đặng Xuân Hòa, Đào Hải Phong, Phạm An Hải, Đoàn Văn Nguyên, Tào Linh, Đặng Tiến, Trịnh Tú, Nguyễn Văn Đức, Kim Thái, Đỗ Thúy Hằng. Những tác phẩm được các họa sĩ, gia đình và người sưu tập đem tặng cho chương trình "Cùng Tiền Phong tiếp sức tuyến đầu chống dịch" đang diễn ra.

Những mái phố, người đàn bà khỏa thân, cây đàn, bình hoa, con mèo, tranh tre rơm rạ,… trong tranh sẽ được biến thành khẩu trang, bình oxy, liều thuốc, máy thở cho bệnh nhân COVID-19 đang chiến đấu với tử thần tại TPHCM. Trở thành những lạng thịt, cân gạo, quả trứng, bó rau,… giúp đồng bào nghèo nơi phong tỏa cầm cự qua ngày.

Sau mấy ngày, nhịp cầu "Cùng Tiền Phong tiếp sức tuyến đầu chống dịch" đã nhận được sự hỗ trợ gần 2 tỷ đồng cùng hiện vật của bạn đọc và doanh nghiệp gần xa. Đã có những chiếc máy thở, vật tư y tế,… được hỏa tốc đưa vào TPHCM tiếp sức đồng bào.

Những ngày dịch giã, đọc lại Suối nguồn của Ayn Rand. Đọc đã lâu giờ xem lại, sự ngạc nhiên với tác phẩm lớn ấy lại càng lớn. Khi tác giả chỉ ca ngợi những người tiên phong sáng tạo, còn cộng đồng thừa hưởng/chia sẻ những thành quả ấy lại được xếp vào hạng "thứ cấp"(?). Tác giả sáng chế ra cái máy thở hay những liều vaccine chống COVID-19 quả thật là những thiên tài. Nhưng họ có thể tận tay mang những thứ đó đến từng ca bệnh đang thập tử nhất sinh kia hay không? Hay cần cộng đồng chung tay quyên góp và chia sẻ, mà những sản phẩm, thiết bị sáng tạo ấy được mua bằng chính đồng tiền mồ hôi nước mắt lao động của bao người khác làm ra?

Và không chỉ được đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt. Hôm qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư chia buồn và thăm hỏi động viên vợ con anh Vũ Quốc Cường, chủ quán cơm chay thiện nguyện Cường Béo ở quận 1 TPHCM. Người đàn ông 46 tuổi ấy từ khi dịch bùng phát đã luôn ở tuyến đầu làm thiện nguyện giúp bà con nghèo, để rồi bị nhiễm COVID-19 và không qua khỏi. Cũng đã có những bác sĩ, nữ hộ sinh, những chiến sĩ công an và rất nhiều những người thiện nguyện vô danh đã ngã xuống nơi tuyến đầu chống dịch.

Hôm nay, 8 nữ sinh viên trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm (Quảng Ngãi) đã có mặt tại "điểm nóng" TPHCM. Mới sáng qua, các bạn được trường tổ chức lễ tốt nghiệp đặc biệt, sớm hơn các bạn cùng khóa, để ngay buổi tối hành quân xuyên đêm vào vùng dịch. Trước đó, những nữ sinh này cũng đã lăn lộn suốt cả tháng trời ở tâm dịch Đức Phổ quê mình. Tên của ngôi trường - nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm như nguồn cảm hứng về lẽ sống cao đẹp của tuổi trẻ.

Những tấm gương sẵn sàng xả thân, quên mình vì cộng đồng, những trái tim thiện nguyện đang lặng lẽ sống chết vì đồng bào mình. Làm sao kể hết.

MỚI - NÓNG