PGS.TS Trần Hoàng Ngân |
Trong tuần làm việc thứ hai này, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay và những giải pháp cho thời gian tới. Ông đánh giá như thế nào về kết quả đã đạt được và những khó khăn, thách thức đang đặt ra?
Dù đã lường trước được những khó khăn, nhưng cũng không ai ngờ diễn biến tình hình thế giới lại diễn ra nhanh và phức tạp như vậy. Ảnh hưởng của đại dịch đến kinh tế Việt Nam rất lớn, tổn thất rất nặng nề. Năm 2022, sau đại dịch, khi nền kinh tế đang lấy lại đà tăng mới, bắt đầu có sự phục hồi thì lại đối diện xung đột Nga-Ukraine. Từ đó làm tổng cầu thương mại và tổng đầu tư thế giới sụt giảm, ảnh hưởng đến nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, khiến xuất khẩu trong nước giảm liên tục.
Công nhân Cty Cổ phần May xuất khẩu Hà Phong (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) sản xuất hàng xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thắng |
Tất cả những biến cố đó cùng với những khó khăn, yếu kém nội tại kéo dài làm cho Việt Nam đứng trước “thách thức kép”, vừa lo ứng phó với vấn đề trước mắt nhưng vẫn phải giải quyết những vấn đề mang tính lâu dài. Nhìn nhận trong toàn cục diện như vậy mới thấy, việc không đạt được một số chỉ tiêu đề ra là có lý do chính đáng. Tôi ví dụ, mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,75% trong kế hoạch, rất khó đạt được. Năm 2023 này, mức tăng trưởng tuy chỉ đạt 5% như dự kiến nhưng cũng là chấp nhận được trong bối cảnh nhiều biến động phức tạp, khó lường diễn ra.
“Thu ngân sách lúc nào cũng “vượt dự toán”. Như vậy, đã đến lúc cần phải hỗ trợ ngược lại cho người dân, “bồi dưỡng” lại sức dân”. PGS.TS Trần Hoàng Ngân
Có thể thấy, hiện tại tình hình doanh nghiệp vô cùng khó khăn, lao động bị cắt giảm giờ làm do thiếu đơn hàng, đời sống người dân bị ảnh hưởng. Số lượng doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động rất lớn. Những khó khăn, thách thức này cần phải được tập trung giải quyết ngay.
Theo ông, cần có những giải pháp căn cơ, hiệu quả nào để giải quyết được những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt?
Trước tiên, phải kéo dài gói chính sách tài khóa tiền tệ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, vì chủ trương này thực hiện chưa được nhiều, trong khi thời gian theo quy định đã hết. Như vậy cần phải tiếp tục kéo dài để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp qua miễn giảm, giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất… Còn hỗ trợ gián tiếp là hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn. Muốn vậy, phải khôi phục lại và bổ sung nguồn vốn vào quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cạnh đó còn có chính sách quan trọng khác là hỗ trợ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cơ hội cho vấn đề này đã xuất hiện khi tới đây sẽ tiến hành cải cách chính sách tiền lương vào năm 2024. Như vậy, cùng với việc nâng lương một cách tổng thể đó phải thể hiện được tính hiệu quả của nền công vụ.
Để làm tốt điều này, theo tôi, ở mỗi địa phương nên có tổ công tác đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, có nhiệm vụ đi thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp dự kiến đầu tư dự án, đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, thì tổ công tác này phải đi làm thủ tục thay cho doanh nghiệp. Khi dự án được triển khai sẽ giải quyết được công ăn việc làm, ngân sách cho địa phương, nguồn thu sẽ nuôi sống bộ máy đó. Các nước đang làm và làm rất tốt, tại sao mình không làm? Đó là sự hỗ trợ gián tiếp rất hiệu quả, nếu quy ra tiền thì rất lớn và rất cần cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết đó rất ý nghĩa, cần được thể chế, đưa nghị quyết vào cuộc sống, ví dụ như không hình sự hoá các quan hệ kinh tế và nhiều nội dung thiết thực khác. Đây là lúc chúng ta cần khơi dậy khát vọng làm giàu của đội ngũ doanh nhân, vốn đang bị tổn thương rất nặng nề do đại dịch COVID-19.
Với người dân cần có chính sách hỗ trợ ra sao, thưa ông?
Sức chống chịu của người dân đã bị bào mòn rất nhiều. Tuy nhiên, tổng thu ngân sách Nhà nước của chúng ta đạt trên 5 triệu tỷ đồng trong 3 năm qua, thu ngân sách lúc nào cũng “vượt dự toán”. Như vậy, đã đến lúc cần phải hỗ trợ ngược lại cho người dân, “bồi dưỡng” lại sức dân. Qua đó cần có các chính sách miễn giảm thuế, tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người dân. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ trực tiếp cho người mất việc, giảm việc làm và tăng ngân sách vào việc làm nhà ở cho thuê với người lao động.
Vấn đề đặt ra là tiền đâu để làm việc đó? Chúng ta buộc phải chấp nhận nợ công tăng lên, vì nợ công hiện đang dưới 40% trong khi trần nợ công có thể lên tới 60%, như vậy dư địa còn rất nhiều. Cùng đó, cần tiến hành kiểm kê, đánh giá lại tài sản công - hiện đang nằm bất động rất nhiều và lãng phí lớn. Vấn đề sử dụng vốn Nhà nước hiện nay cũng cần phải tính đến để làm sao để đạt hiệu quả cao nhất.
Cảm ơn ông!
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Cán bộ than khó, than khổ thì dân càng khó hơn
Tại phiên thảo luận ở tổ vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chỉ ra tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám quyết; việc gỡ vướng cho thị trường bất động sản, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều hạn chế. Cán bộ nắm quy định không rõ, cấp dưới hỏi cấp trên, mất nhiều thời gian, trong khi công việc vẫn nằm tại chỗ…
Theo tôi, phát biểu của Chủ tịch nước rất đúng, rất trúng, người dân rất đồng tình. Cán bộ than khó, than khổ thì dân càng khó hơn. Do vậy, địa phương phải làm thật, mang lại hiệu quả thật, để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật. Còn những văn bản, quy định nào lỗi thời, không còn phù hợp, cần phải sửa ngay để cán bộ yên tâm làm và làm hiệu quả.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Cơ hội lớn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, những kết quả chúng ta đạt được như vừa qua, đặc biệt mức tăng trưởng 5% là rất đáng khích lệ. Có thể nói những hành động, quyết sách trong thời gian qua rất phù hợp, mạnh mẽ, táo bạo, cương quyết, và kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức vẫn còn đang ở phía trước, không thể chủ quan được.
Mặc dù vậy, bên cạnh những yếu tố khách quan khó lường, chúng ta vẫn có những lợi thế rất lớn về mặt kinh tế vĩ mô, về tiềm lực, hay vấn đề nợ công duy trì ở mức ổn định. Đó là cơ sở để chúng ta tạo ra được những bước tiến vượt bậc trong thời gian tới. Cơ hội đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang mở ra. Đó là những cơ hội rất lớn của chúng ta.
LUÂN DŨNG (ghi)