Còn nhớ đợt dịch bùng lên tại Đà Nẵng vào tháng 8 năm ngoái, nhiều y bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện lớn trên cả nước đã lên đường đến dải đất miền Trung chi viện. Thời điểm đó, ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn xung phong ra tuyến đầu và trực tiếp làm Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch cho địa phương này.
Ở TPHCM, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy ra lời hiệu triệu và ngay lập tức các bác sĩ “mang ba lô lên và đi” ngay trong đêm. Bỏ lại vợ con, các cuộc hẹn, gác lại công việc và hạnh phúc riêng …các bác sĩ lên đường vào tâm dịch và không hẹn ngày về. Họ luôn luôn sẵn sàng 2 ba lô, một để đồ đi làm hằng ngày và một để tư trang cho những chuyến “lên đường” đột ngột ra tuyến đầu chống dịch.
Tháng 2 vừa qua, hình ảnh bác sĩ Đỗ Thị Băng Ngân, công tác tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh nhận lời chúc từ người chồng sắp cưới qua video call khiến nhiều người xúc động. Cũng như nữ bác sĩ Thanh Xuân ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM gác lại 3 lần cưới xin để ở lại bệnh viện chăm sóc bệnh nhân người Anh, bác sĩ trẻ Băng Ngân cũng ba lần gác lại chuyện cưới để xung phong vào khu cách ly điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Và gần đây là hình ảnh các bác sĩ chi viện sang nước bạn Lào và trước mắt là Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, khi nơi đây có số ca nhiễm lớn trong khi bệnh viện đang phong toả.
Sở Y tế Bắc Ninh cách đây hai hôm đã có thư kêu gọi toàn thể người lao động trong hệ thống ngành y, kể cả đội ngũ y bác sĩ đã nghỉ hưu, sinh viên ngành y cùng tình nguyện tham gia phòng chống dịch COVID-19. Địa phương này đang là một trong những “điểm nóng” nhất cả nước trong đợt dịch này. Với diện tích nhỏ, nguồn lực y tế vì thế cũng không lớn, thế nhưng, chỉ trong vòng 1 tuần, Bắc Ninh đã vượt con số 100 ca nhiễm với ổ dịch tại xã Mao Điền, huyện Thuận Thành.
Đại diện xã thông tin rằng, gần như tất cả cán bộ xã và nhiều nhân viên y tế tại đây đều là F1 phải cách ly tập trung. Vì thế, với đội ngũ y bác sĩ Bắc Ninh, những đêm gần đây đều là đêm trắng. Họ phải làm việc với công suất gấp 3 ngày thường.
Hình ảnh nhân viên y tế ngủ gục ngay tại ghế làm việc, nền nhà...vẫn còn nguyên khẩu trang và đồ bảo hộ… không còn xa lạ với chúng ta trong gần hai năm qua. Họ không được về nhà, không thể đón Tết, không có thời gian nghỉ ngơi cụ thể, đâu cũng có thể là giường, chỉ cần có thể chợp mắt… với nỗi lo hiện hữu là nguy cơ “phơi nhiễm” bất cứ lúc nào. Dẫu vậy, họ vẫn lạc quan, vẫn xông pha với niềm tin chiến thắng.
Khi chúng ta quây quần bên gia đình, ngoài kia hàng trăm chiến sĩ vẫn đang canh gác biên cương để ngăn “mầm bệnh” xâm nhập trái phép; hàng nghìn “chiến sĩ áo trắng” vẫn phải gồng mình để truy vết, lấy mẫu, cách ly và điều trị. Họ, có lẽ không dám hẹn với gia đình, với chồng con, với người yêu thương… sẽ có ngày về cụ thể để quây quần, bởi khi dịch chưa yên, họ sẽ còn chưa ngủ.