Hội nghị là sự kiện khoa học thường niên quan trọng trong lĩnh vực xét nghiệm, hướng đến mục tiêu giúp các đơn vị y tế tiếp cận những kiến thức mới về công nghệ, kỹ thuật và quy trình thực hành xét nghiệm tiên tiến trên thế giới, góp phần cải thiện và chuẩn hóa quy trình xét nghiệm tại Việt Nam. Đây cũng là dịp để các chuyên gia xét nghiệm và lâm sàng gặp gỡ, trao đổi, cập nhật các tiến bộ mới nhất trong chẩn đoán và điều trị.
GS.TS.BS Trương Quang Bình phát biểu khai mạc Hội nghị |
Hội nghị dành cho các Bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm, các Bác sĩ chuyên ngành Tiêu hóa, Gan mật, Tim mạch, Nhiễm, Ngoại Gan mật tụy và nhân viên y tế có quan tâm. Hội nghị năm nay bao gồm 16 phiên đào tạo, thu hút gần 2.000 lượt tham dự (tại chỗ và trực tuyến).
Điểm mới của Hội nghị năm nay là các phiên đào tạo về các xét nghiệm mới trên người bệnh viêm gan, xơ gan ung thư gan như: Đồng nhiễm và bội nhiễm viêm gan D trên người bệnh viêm gan B - Giá trị của xét nghiệm anti HDV; Xét nghiệm M2BPG1, dấu ấn sinh học mới cho bệnh gan ở người bệnh viêm gan siêu vi; Các chỉ dấu sinh học trong tầm soát phát hiện sớm ung thư biểu mô tế bào gan…
Một phiên đào tạo tại Hội nghị với sự chủ trì của các chuyên gia đầu ngành |
Các phiên đào tạo về xét nghiệm sàng lọc sơ sinh, chẩn đoán bệnh hiếm như: Ứng dụng khối phổ đôi trong sàng lọc sơ sinh Việt Nam: Tình hình hiện tại và tương lai; Đặc điểm nấm Cryptococcus trên người bệnh viêm màng não nấm tại Việt Nam… Đặc biệt, Hội nghị lần này sẽ dành một thời lượng quan trọng để trao đổi về các vấn đề liên quan đến COVID-19 và theo dõi đáp ứng đáp ứng miễn dịch hậu COVID-19 với các phiên đào tạo như: Báo cáo ca lâm sàng xét nghiệm người bệnh COVID-19 và hậu COVID-19; Khảo sát động học của đáp ứng kháng thể Anti-SARS-CoV-2 S và kháng thể trung hòa sau tiêm 2 liều vaccine ChAdOx1 nCoV-19…
GS.TS.BS Trương Quang Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD TPHCM chia sẻ, với sự phát triển của y học hiện đại, việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ngày càng hiệu quả và chính xác hơn. Trong lĩnh vực chẩn đoán, xét nghiệm cận lâm sàng ngày càng trở nên quan trọng và có thể đóng vai trò then chốt trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý. Hiện nay, nhiều dạng bệnh mới xuất hiện đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế phải cập nhật các xét nghiệm mới và áp dụng trong thực hành lâm sàng để mang đến hiệu quả và sự chính xác trong chẩn đoán, điều trị cho người bệnh.
Hội nghị thu hút rất đông chuyên gia xét nghiệm và lâm sàng đến tham dự |
Điểm nhấn của Hội nghị năm nay liên quan đến những xét nghiệm mới trong chẩn đoán các bệnh lý về gan, bệnh hiếm ở trẻ sơ sinh. Việc chẩn đoán sớm các bệnh lý này góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị cũng như phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh đó là các chuyên đề về chuẩn hóa các quy trình về xét nghiệm, chẩn hóa phòng xét nghiệm để có được kết quả chính xác nhất phục vụ cho lâm sàng. Đồng thời, các vấn đề liên quan đến đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh. Các phiên đào tạo liên quan đến COVID-19 trong Hội nghị năm nay cũng có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hành lâm sàng cũng như chăm sóc và điều trị cho người bệnh COVID-19 trên quy mô toàn quốc.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Băng Sương - Trưởng khoa Xét nghiệm BV ĐHYD TPHCM trình bày tại Hội nghị |
Về mặt hình thức, việc kết hợp đào tạo tại chỗ và trực tuyến trong cùng một Hội nghị giúp các đại biểu dễ dàng lựa chọn hình thức phù hợp với nhu cầu và điều kiện tham dự của mình, góp phần cập nhật các khuyến cáo, kiến thức mới đến các đại biểu một cách đa dạng, liên tục, nhanh chóng và thuận tiện nhất.