Tiếng Nghệ

Tiếng Nghệ
TP - Trên chuyến xe đưa chúng tôi từ Hà Nội vào Vinh có hai cô dâu xứ Nghệ xinh đẹp người Bắc cùng về với chồng. Tôi nảy ra ý thử sức hai cô đã “ngấm tiếng Nghệ” được chừng nào.

Đầu tiên tôi đố các cô tìm một câu Kiều phù hợp với câu “Ngong ngái có chộ mô mồ”. Tưởng là quá khó, ai ngờ hai cô cùng đồng thanh: “Trông xa nào thấy đâu nào”.

Hứng thú quá, tôi lại yêu cầu giải mã câu thành ngữ: “Chị em du như tru một bịn/Chị em gấy như trấy cau non”. Một cô nói với giọng buồn: “Câu thành ngữ gợi em nhớ những ngày em ốm, mẹ mất sớm, tất tật mọi chuyện đều dựa em gái.

Rồi chiến tranh ác liệt lan đến quê nhà, em gái hy sinh, em như chết nửa con người”. Cô kia tần ngần kể: “Hôm qua em đi ăn sáng, qua hai quầy phở cạnh nhau, gặp hai chị đon đả chào mời, em chọn quầy đông người. Thế là chị quầy ít người nhìn sang văng tục.

Mấy khách đang ăn kháo nhau: “Đến nay mà vẫn còn cảnh em dâu ghen ăn tức ở”. Từ hứng thú tôi chuyển sang thán phục, bởi hai cô dâu xứ Nghệ này hiểu các từ “du” (dâu), “tru” (trâu), “bịn” (dây), “gấy” (gái), “trấy” (quả) quá rành rọt.

Trên quãng đường còn lại, tôi chỉ kể chuyện vui. Có chuyện nói về một sự việc mà miền Bắc và miền Trung dùng từ khác nhau nên hiểu lầm nhau. Kể xong cả hai cô vỗ vai chồng đắc ý, cười ngả cười nghiêng, cười lăn cười lóc…

Đến đây thì tôi không còn phải bàn luận gì nữa về chất Nghệ đậm đặc ở hai cô dâu, song lại nghĩ tới những cảnh trớ trêu khác. Một số cô gái Nghệ ra Hà Nội mới được dăm ba tháng, khi về thăm nhà đã pha tiếng “ró”. Được hỏi: “Sao đổi thay nhanh đến thế?”.

Có cô trả lời cộc lốc: “Uốn lưỡi cho đỡ quê mùa”. Tệ hơn, một cô gái người Nghệ có chồng Bắc, sinh con đầu lòng, tính chuyện thuê “Ôsin”. Chồng muốn tìm người Nghệ. Công không ngần ngại ngăn lại: “Ôsin người Nghệ làm hỏng giọng nói của con mình”.

Lại chuyện đáng nhớ nữa, một bạn đồng hương của tôi, thời bao cấp gặp nhiều khó khăn phải gửi ba con nhỏ về cho ông bà nội trong Nghệ nuôi hộ. Các cháu lên sáu, anh lần lượt đưa ra Hà Nội đi học.

Buồn thay, khi dẫn cháu tới lớp, cô giáo không muốn nhận đã nói: “Giọng Nghệ, ảnh hưởng tới thành tích chung”. Song sự việc diễn ra lại khác. Cả ba cháu đều học rất giỏi, chơi rất ngoan, cuốn hút bạn bè phấn đấu, đưa những lớp của cô đảm nhận vào vị trí điển hình xuất sắc.

Cô đã thốt lên trong niềm kiêu hãnh và tự hào: “Tôi được lên lương nhanh và được cấp trên khen nhiều lần phần lớn nhờ các lớp học tôi phụ trách có những học trò gốc Nghệ”.

Nói đến kiêu hãnh và tự hào, tôi lại nghĩ đến Bác Hồ. Bác ra đi tìm đường cứu nước từ 1911. 30 năm sau trở về, Bác vấn cứ tiếng Nghệ. Dân ta kính yêu Bác bởi trăm ngàn lẽ, hẳn trong đó có lẽ này.

Tôi nghĩ đến cụ Nguyễn Khắc Viện, người nhận giải thưởng văn hóa Pháp, được nhiều học giả Pháp coi là bậc thầy về sử dụng tiếng Pháp. ấy vậy mà, khi về nước tham gia chống Mỹ, tiếng Nghệ trong cụ vẫn y nguyên.

Điều đặc biệt nữa, nhiều học giả trong nước và nước ngoài khẳng định: “Không sành tiếng Nghệ thì chưa hiểu hết cái hay của Truyện Kiều. Ví như đọc câu thơ “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” rồi giải thích “nét ngài nở nang” là tả lông mày nàng Thúy Vân – thì rõ là buồn cười.

“Nét ngài” ở đây, phương ngữ xứ Nghệ chỉ “vóc người”. Các cụ xứ Nghệ thường coi những cô gái có vóc người nở nang mới ích chồng lợi con (chứ không phải là cô gái chân dài).

Giải thích “ngài” là lông mày thì chỉ đúng với câu thơ “Râu hùm, hàm én, mày ngài” tả những nét oai trên khuôn mặt Từ Hải. Từ góc độ này, tôi càng hiểu sự khát khao của các nhà nghiên cứu Nguyễn Du có được bản Kiều cổ nhất, ở đấy hẳn chứa nhiều điều thú vị về phương ngôn xứ Nghệ.

Ôi! Tiếng Nghệ thú vị biết ngần nào!

MỚI - NÓNG