Tiếng chim trong thành phố lặng im

0:00 / 0:00
0:00
Bầy chim câu bên biển Đà Nẵng 7 ngày phong tỏa. Ảnh: Tr.T
Bầy chim câu bên biển Đà Nẵng 7 ngày phong tỏa. Ảnh: Tr.T
TP - Đà Nẵng. Phố im ắng tuyệt đối, một âm thanh một tiếng nói cũng khiến giật mình, cũng trở nên lạ lẫm…

Hồi Đà Nẵng phong tỏa lần đầu tiên cuối tháng 7 năm ngoái, ngày dài dịch dã lẩn mẩn đọc lại những Dịch hạch, Tình yêu thời thổ tả, Thần khúc với cả Mười ngày. Giữa tháng 8 năm nay thành phố đóng cửa tuyệt đối 7 ngày trong bão dịch, xách balo lên báo ở lại “3 tại chỗ” để tác nghiệp theo thẻ công vụ thành phố cấp, tiện tay bới theo cuốn Suối nguồn.

Công nhận có lúc kéo lê thê hàng thế kỷ, nhưng cũng nhiều khi thật chớp nhoáng thôi cũng đủ khiến nhận thức, tư tưởng con người thay đổi hoàn toàn. Như là tôi, hồi mới đọc cuốn này cứ bồi hồi về sự trác tuyệt và cô đơn của con người sáng tạo. Nhưng lúc này đây, bàng hoàng nhận ra nhiều thứ mình đã nghĩ ngợi đã viết lách từ bao lâu giờ hiển hiện.

Như lời chàng kiến trúc sư “độc cô cầu bại” Howard Roark hùng biện trước phiên tòa kết tội mình, cũng chính là phát ngôn tư tưởng của nữ văn sĩ Ayn Rand. Rằng “Mối quan tâm của người sáng tạo là chinh phục tự nhiên. Còn mối quan tâm của kẻ ăn bám là chinh phục con người”. “Chinh phục tự nhiên”, đó là thời điểm Roark còn chưa biết ít năm nữa con người rồi sẽ đặt chân lên mặt trăng. Còn lúc này đây tự nhiên khắp nơi tan hoang báo động, chinh phục gì nữa, đáng sợ không?

Tiếng chim trong thành phố lặng im ảnh 1

Đường phố Đà Nẵng chim đi bộ. Ảnh: Tr.T

Phê phán những người theo thuyết vị nhân sinh, tức người “sống vì người khác và đặt người khác lên trên bản thân mình”, Roark coi họ là loại người “thứ cấp”, “thứ sinh”! Và hùng hồn khẳng định: “Không ai có thể sống vì người khác. Những kẻ sống thứ sinh đã sử dụng chủ nghĩa vị nhân sinh như một thứ vũ khí để lợi dụng và đảo ngược lại những nguyên tắc đạo đức cơ bản của loài người... Một người cố gắng sống vì người khác là một người luôn lệ thuộc. Anh ta là một kẻ ăn bám…”. Ayn Rand đã đúng khi tôn vinh con người sáng tạo, những nghệ sĩ cần độc lập và cái tôi riêng biệt. Nhưng liệu con người sống vì người khác có đáng bị xem là “thứ cấp”, “thứ sinh”, là “lệ thuộc”, là lỗi lầm không?!

Suối Nguồn in ra năm 1943. Ngót 80 năm phát triển vũ bão của khoa học, công nghệ mà ma sát của nó đã cháy khét trên mọi nẻo đường hành tinh này. Đại dịch kinh hoàng những ngày này, con người còn háo thắng, tự xem là “thước đo vạn vật”? Hay phải phụ thuộc, nương dựa nhau, phải dung hòa và chậm lại vì nhau?

*

Đà Nẵng 7 ngày "ai ở đâu, ở đó". Phố im ắng tuyệt đối, một âm thanh một tiếng nói cũng khiến giật mình, cũng trở nên lạ lẫm.

Nơi tôi “3 tại chỗ” là văn phòng của báo góc Ngô Gia Tự - Lê Duẩn, sáng sớm bất chợt vang lên tiếng gà gáy. Nhà nào đó nuôi mấy chú phía bên trong, giờ cứ như đang ở làng. Bầy chim sẻ ríu rít thanh âm trên khắp những vòm cây. Lang thang Đà Nẵng gặp rất nhiều bầy chim câu, chim sẻ lững thững đi bộ sưởi nắng giữa lòng phố. Ở Trần Quốc Toản, chợ Hàn, Bạch Đằng, Như Nguyệt, ở Công viên Biển Đông,... Nhận ra chim chóc động vật là loài dễ trở lại với bản tính nguyên thủy nhất. Đường phố không người, đèn giao thông xanh đỏ chợt như quá vãng xa xôi rất nhanh, giờ đây được tự động điều chỉnh đèn vàng nhấp nháy báo hiệu giảm tốc độ. Những cột đèn đường như kí hiệu thời gian lặng lẽ.

Tối qua tôi lại điện cho người bạn cũ là giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến. Nhớ năm ngoái khi Đà Nẵng “bùng” dịch, trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước phong tỏa 15 ngày từ 0 giờ ngày 28/7 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Chỉ thị này ra đời hơn 3 tháng trước đó mà chưa nơi nào cần phải áp dụng. Lúc ấy sau khoảng một tuần cao điểm Đà Nẵng có 121 ca mắc mới, 6 người tử vong. Bạn tôi đã không giấu được nghẹn ngào trong phút giây tạm biệt đồng nghiệp qua song sắt những bệnh viện lớn nhất thành phố buộc phải khép lại để phong tỏa. Còn giờ trò chuyện, tôi nhận ra có lẽ sự khốc liệt dịch dã gần hai năm qua tại thành phố cũng như khắp nơi đã khiến bạn mình cứng cỏi, trải nghiệm hơn nhiều. Dù bây giờ mỗi ngày Đà Nẵng có thêm hơn trăm ca mắc mới, hơn con số cộng lại cả tuần năm trước.

Tiếng chim trong thành phố lặng im ảnh 2

Chăm sóc cây xanh 7 ngày Đà Nẵng đứng yên

Chuyện trò lan man. Để nhớ năm ngoái, năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng từ 700 ca/ngày trong vòng một tháng lên tới 7.000 ca/ngày. Chiến thuật xét nghiệm mẫu gộp nhóm 5, nhóm 10 trở thành sáng kiến được Bộ Y tế công nhận và nhiều địa phương thực hiện. Còn giờ đây trong vòng 2 tháng qua thành phố đã xét nghiệm trên 1,6 triệu lượt người, sử dụng nhuần nhuyễn giữa test nhanh với xét nghiệm PCR. Hy vọng trong 7 ngày đóng cửa “tát ao bắt virus” này với việc tiếp tục xét nghiệm cho hàng triệu dân cư toàn thành phố để tách F0 ra khỏi cộng đồng, tình hình dịch ở Đà Nẵng sẽ lắng lại.

Đường phố không người, đèn giao thông xanh đỏ chợt như quá vãng xa xôi rất nhanh, giờ đây được tự động điều chỉnh đèn vàng nhấp nháy báo hiệu giảm tốc độ. Những cột đèn đường như kí hiệu thời gian lặng lẽ.

Lại hỏi nói về chuyện Đà Nẵng là nơi đầu tiên công khai ngưỡng chịu đựng của hệ thống y tế, bạn bảo mình nghe nhiều nơi nói chẳng thà nói thẳng ra như giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng để dân biết sức chịu đựng chỉ có chừng đó, để biết giữ mình hơn. Và điều mừng nhất là qua hai năm chống dịch, lãnh đạo thành phố luôn rất ủng hộ và “nghe” tư vấn của y tế.

Ngay như tiêm vắc-xin Đà Nẵng cũng rất phân minh, rành mạch. Hàng ngàn công nhân vệ sinh môi trường cũng thuộc danh sách được tiêm đầu tiên. Có được lô vắc-xin của Mỹ ít phản ứng phụ là dành tiêm hết cho những bệnh nhân ung thư, người già nhiều bệnh nền nguy cấp. Rồi lần lượt phân loại ưu tiên cho những người trên, dưới 70 tuổi. Đợt tới có lô Pfizer về sẽ ưu tiên tiêm cho những người béo phì, vì ít gây phản ứng phụ hơn các loại vắc- xin khác. Bởi thống kê số ca tử vong do biến chủng Delta chủ yếu rơi vào những người béo phì, còn hơn cả người có bệnh nền. Ngành y tế thành phố sẽ đưa ra hướng dẫn cách tính chỉ số cơ thể BMI, ai “quá tải” trọng lượng sẽ đăng kí trực tuyến, ưu tiên tiêm trước cho những ai nặng cân hơn.

*

Bảy ngày “bất di bất dịch” kể từ 16/8/2021, vậy là lần thứ hai Đà Nẵng tiên phong cả nước áp dụng biện pháp “rắn” nhất qua hai năm chống dịch. Một tuần sau, đến lượt TPHCM cũng áp dụng chiến lược “sắt” này kể từ 23/8 trong vòng 14 ngày, khi dịch bệnh càn quét ngày càng khốc liệt nơi thành phố này. Cứ nghĩ về tư duy của người miền Trung, luôn mở ra cái mới và đeo bám một cách quyết liệt.

22h30’ đêm 15/8 cánh phóng viên (mỗi báo được 1-2 suất) tụ lại bên hè đường Trung tâm hành chính thành phố để nhận thẻ công vụ Giám đốc Công an thành phố vừa tức thời ký xong cho phép ra đường tác nghiệp. Đồng nghĩa với phải “3 tại chỗ” ở cơ quan. Sau 8h sáng, phố bắt đầu vắng đến ngơ ngác. Người người trong nhà hé cửa nhìn ra, vừa để thở. Lác đác vỉa hè những nhóm y tế di động kê bàn xét nghiệm toàn dân, theo từng tổ dân phố. Sáng sớm, Công an thành phố tung 200 tổ cơ động, mỗi tốp gọn nhẹ 3 người gồm các lực lượng hỗn hợp trên 2 xe máy tuần phố. Thấp thoáng trên đường phố, công nhân vệ sinh, cây xanh vẫn không rời nhiệm vụ, cần mẫn tỉ mỉ với từng cọng rác và thảm cỏ, chiếc mầm xanh.

Đêm đầu tiên, chạy qua sông sang đường Ngô Quyền. Vẫn tấp nập những chiếc xe đầu kéo container chở nặng hàng vào ra từ cảng Tiên Sa. Đèn đỏ giao thông bên này vẫn hoạt động. Anh công an gác âm thầm trong bóng tối bên kia cầu Rồng nhô ra kiểm tra khi thấy người không sắc phục chạy trên đường. Anh bảo bên Liên Chiểu, và quốc lộ Trường Chinh đèn giao thông vẫn nháy đều xanh đỏ cho những chuyến xe luồng xanh.

Con người và sự im lặng có thể chịu đựng nhau bao lâu?

Một buổi sáng, tôi túm theo túi gạo chạy qua Công viên Biển Đông để thăm hỏi bầy chim câu hơn ngàn con bên ấy. Cha đẻ đầu tiên của chúng là nghệ nhân Phạm Tài Thu. Nhớ hồi ra Hà Nội huấn luyện đàn chim câu 1.000 con tung bay trong đại lễ Ngàn năm Thăng Long hồi năm 2010, về lại Đà Nẵng ông tìm tôi để tặng cuốn kỷ yếu toàn tập Ngàn năm Thăng Long to lớn dày cộp. Giờ thì người nghệ nhân chim đã đột ngột chia xa đời sống này mấy năm rồi. Những đàn chim câu trên cả nước này nhớ ông.

5 giờ sáng. Bầy chim ban đầu ngơ ngác nhìn những nắm gạo từ một gã lạ mặt ném ra, nhưng rồi mau chóng nhao ra khỏi tổ gù gù nhặt lấy nhặt để. Chừng một tiếng sau, bất ngờ một người đàn ông vóc dáng thấp đậm xuất hiện, tay xách xô thóc miệng thổi còi toe toe. Thì ra đó là người chăm sóc cho bầy chim trong những ngày cả thành phố “ai ở đâu, ở đó” này. Vãi thóc, thổi còi xong, người đàn ông ngơ ngác khi thấy bầy chim cứ đứng ngó ra vẻ “lơ mồi”. Sau phát hiện ra “thủ phạm” khiến bầy chim cứ tưởng đã xong bữa là tôi, anh bật cười, rồi đến tận tổ tìm cách dụ chúng ra ăn.

Trần Hoài Thanh, người đàn ông 48 tuổi quê Quảng Nam coi sóc bầy chim câu hơn 1.200 con này bảo, ngày cho chúng ăn hai lần vào 6 giờ sáng và 4 giờ chiều. Anh kể, việc chăm chim mấy bữa trước do anh Hải, cùng là nhân viên Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Du lịch Đà Nẵng quản lý. Nhưng khi thành phố đóng cửa, anh được Ban giao việc này. Ngày hai lần, cho ăn xong là anh lại đổ nước đầy mấy cái lu, và mấy cái bể cho chúng uống và tắm táp. Những loại thuốc kháng sinh hay phòng dịch định kỳ cho chim thường được quấy loãng trong những cái lu.

Giữa thành phố im bặt. Chỉ bầy chim vẫn ríu rít, xôn xao như chẳng cần biết đến nỗi lo sợ của loài người…

MỚI - NÓNG