Tiếng Anh, Lịch sử 'đội sổ': Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói chưa thể chấp nhận

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sáng 17/7
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sáng 17/7
TPO - Không phải năm nay kết quả hai môn thi tiếng Anh, Lịch sử mới thấp mà những năm trước đây cũng vậy. Năm nay đã có sự tiến bộ nhưng kết quả thấp như vậy vẫn chưa thể chấp nhận được.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị trực tuyến công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật giáo dục ĐH (sửa đổi) được tổ chức sáng nay, 17/7 tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cả nước vừa kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, đây là kỳ thi quan trọng, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, trường đại học, toàn xã hội tổ chức.  

Trên cơ sở kết quả phân tích kỹ phổ điểm của từng môn, từng tỉnh, cuối tuần này, Bộ sẽ tổ chức hội nghị giám đốc sở GD&ĐT để bàn kỹ về phổ điểm này, lí giải nguyên nhân vì sao môn này, môn kia thấp, mổ xẻ, rút kinh nghiệm.

“Như vậy, kỳ thi không chỉ để xét tốt nghiệp, làm cơ sở tuyển sinh mà quan trọng hơn là giúp ngành Giáo dục phân tích, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, có giải pháp nâng cao chất lượng ở bậc phổ thông, nhất là những môn học có kết quả thấp trong kỳ thi THPT quốc gia như Lịch sử, tiếng Anh” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Nói riêng về hai môn đứng ở vị trí “đội sổ” này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định kết quả này không phải năm nay mới thế. Thực tế, từ trước đến nay, kết quả thi của hai môn này ở kỳ thi tốt nghiệp hay 3 chung cũng đều thấp. Năm nay, đã có sự tiến bộ nhưng kết quả thấp như vậy vẫn chưa chấp nhận được nên cần phải phân tích kỹ, rút kinh nghiệm cho kỳ thi sang năm.

Một nội dung nữa của hội nghị này đó là vấn đề tuyển sinh. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng kế hoạch tuyển sinh đã có hướng dẫn đầy đủ, các trường cũng đã xây dựng đề án tuyển sinh, phương thích xét tuyển, điều kiện kèm theo.

Năm nay chúng ta cải thiện chất lượng ngay từ khâu đầu là xét tuyển. Nhưng vấn đề không chỉ chọn được những học sinh tốt để đủ đầu vào mà trường đại học còn phải trách nhiệm với người học, cam kết với họ để khi ra trường có kết quả tốt.

Theo Bộ trưởng, giáo dục ĐH tới đây phải minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng, chú trọng kiểm định chất lượng, bao gồm kiểm định chương trình dào tạo, kiểm định trường, để trường nào chất lượng kém sau một thời gian không cải thiện được phải đóng cửa. Tránh trường hợp có những góc khuất, những điểm tối, tạo ra nghi ngờ trong xã hội, nghi ngờ đối với những người sử dụng lao động về chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Chất lượng tới đâu công bố tới đó.

“Chúng ta thống nhất nâng cao nhận thức vì một nền giáo dục đại học có chất lượng, không sợ bị chê yếu, yếu thật thì chúng ta nhìn thẳng, tôi rất có niềm tin chúng ta sẽ xây dựng được một nền giáo dục đại học có chất lượng, bởi chất lượng phổ thông của chúng ta không thấp, nhu cầu học đại học của thị trường hơn 96 triệu dân lớn, thị trường lao động cần rất nhiều nhân lực chất lượng, chất lượng cao, đó là yếu tố thuận lợi để giáo dục đại học phát triển” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

MỚI - NÓNG