Năm 13 tuổi, lần đầu Hương Thảo trúng “tiếng sét” nhạc kịch khi nghe đĩa nhạc vở “Bóng ma trong nhà hát” do chị gái du học gửi về. Cô vào mạng tìm những ca khúc hay trong vở để tập hát. Từ đó, cô thường xuyên lên mạng, tìm bài mới, vở mới để học hát. Tập bài của cả vai nữ lẫn vai nam miễn là giai điệu hay.
Thảo thích hát từ nhỏ, tới giờ chỉ dồn say mê vào nhạc kịch. Hát lúc rảnh, lúc một mình, lúc làm việc nào đó không cần tập trung suy nghĩ. Từ lúc vỡ bài đến lúc hát được, Thảo không nghĩ đến mục đích biểu diễn, chỉ là thích hát, thích cảm giác ngân nga bay bổng .
Năm 2013 từ Mỹ về nước thăm nhà, được biết đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh đang dựng vở nhạc kịch trinh thám “Đêm hè sau cuối”, Thảo hỏi “có vai nào cho chị tham gia không, chị về có 2 tuần thôi”. Vai cô Đào sát thủ theo kịch bản ban đầu có lý lịch và chút tính cách khá giống Hương Thảo, sau đó Phi Anh thay đổi hoàn toàn.
Đối với khán giả, cô Đào sát thủ là vai diễn thú vị, hát hay nhưng Thảo tự thấy tác phẩm chưa thực sự ngấm vào mình, nhất là đêm diễn đầu tiên. “Nghệ thuật là phải cảm thấy được như chính cơ thể mình”. Với chất giọng cổ điển, cô gái tiến sĩ muốn được thuần túy hát, thể hiện nghệ thuật thanh nhạc hơn là kết hợp nhảy múa diễn xuất.
“Thảo và những bài hát lạ”
“Hiện giờ làm nghiên cứu tôi vẫn thu xếp để đôi khi có một đêm diễn, còn nếu lựa chọn hẳn nghệ thuật tôi không thể vì vẫn muốn thỉnh thoảng liên quan đến khoa học nữa”.
Nguyễn Hương Thảo
“Không có gì ngoài Thảo”, một người bạn đã viết lên trang cá nhân giới thiệu về đêm diễn của Thảo sau 3 năm biến mất với công việc nghiên cứu sinh (NCS) tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Masachuset (Mỹ).
Kịch bản khéo léo của Phi Anh và cách kể chuyện tự nhiên duyên dáng của Hương Thảo đã cho khán giả một đêm “nhập môn nhạc kịch” nhẹ nhàng, ấm cúng. MC chỉ giữ vai trò phụ họa, xen giữa các bài hát là câu chuyện âm nhạc của Thảo và lời kể xoay quanh bài hát, tóm tắt nội dung các vở nhạc kịch liên quan như “Bóng ma trong nhà hát, “Nàng tiên cá”, “Hamilton”….. Không có màn hình led, dàn múa phụ họa hay kịch tính mà bằng cuộc trò chuyện tự nhiên, thỉnh thoảng bật tiếng cười giòn tan của tiến sĩ ngành “tế bào học”, 10 ca khúc lạ đã giữ chân khán phòng L’Espace kín người cho đến phút chót.
Trước khi hát khúc “Satisfied” (tạm dịch “Thỏa mãn”) từ vở nhạc kịch “Hamilton” đang gây sốt toàn cầu Thảo nói “tôi sẽ thử liều”. Bài hát nói về tâm trạng của người phụ nữ từng thầm yêu em rể (Alexander Hamilton, là một sĩ quan quân đội sau trở thành nhà khai quốc, luật sư, chính trị gia, chuyên gia tài chính người My), nhưng rút lui để nhường cho em gái. “Satisfied” được hát trong đám cưới của cô em gái và Hamilton. Lời ca hàm ý chúc phúc nhưng cuối bài có câu “tôi không thấy thỏa lòng”. Ca từ trúc trắc, giai điệu lôi cuốn, pha trộn chất Jazz, Rap, Hip-hop beats đã khiến hầu hết các nghệ sĩ nhạc kịch thế giới muốn thử sức. Có lẽ Hương Thảo là ca sĩ Việt đầu tiên làm điều này.
Khán phòng bất ngờ khi một “ca sĩ” khách mời xuất hiện trên sân khấu. Đó là mẹ Thảo. Nghe hai người song ca khán giả lập tức nhận ra năng khiếu ca hát của Thảo thừa kế từ ai.
Nảy ý định làm đêm diễn từ hồi hè, có sự đồng ý giúp đỡ của Phi Anh, Thảo đã đặt thuê rạp từ 2 tháng trước. Ba tuần trước ngày diễn, ca sĩ và đạo diễn mới liên lạc thống nhất kịch bản. Cô không tiết lộ chi phí cho lần ra mắt giản dị này, chỉ nói “Ngoài thuê rạp, tôi phải trả cả tiền bản quyền ca khúc nữa. Ekip của dự án Hope (Phi Anh) giúp tôi tiết kiệm nhất có thể. Nếu vé bán hết thì hòa vốn”. Hôm đó nghe nói cháy vé, còn phải bán thêm một số ghế phụ.
Hồi mới đoạt Á quân “Vietnam’s Got Talent”, Thảo từng có chút mơ mộng theo hát chuyên nghiệp, sau thấy khởi đầu lại trên một con đường mới mà nhất là nghệ thuật khá mông lung, không biết sẽ phải mất bao lâu và sẽ đến được đâu. “Việc học khoa học của tôi đã diễn ra rất nhiều năm rồi, không thể tự dưng bỏ phí”.
Giọng ca soprano tự nhận không có tố chất nghệ sĩ, nên tốt nhất là giữ đam mê công việc khoa học nhưng vẫn nuôi ngọn lửa đam mê nhạc kịch.
“Sự viển vông kéo ta đi xa”
Thảo cho rằng mình thuộc tuýp khó tìm bạn đồng hành ước mơ “từ nhỏ sở thích của tôi thường khó chia sẻ với bạn bè”. Thích nghe và hát opera, thích học nhiều ngoại ngữ, không thích đám đông “Mỗi khi đi chơi, tụ tập về tôi cảm thấy bị mất năng lượng, phải tìm cách thu nạp bù lại ngay”.
Thảo là con (cháu) của dòng họ tiến sĩ, các bác đằng nội, bố mẹ của cô đều là tiến sĩ có tên tuổi trong ngành khoa học tự nhiên. Học giỏi từ nhỏ, hai chị em cô đều nhận được học bổng du học Mỹ. Nhận bằng cử nhân, Thảo về nước đi làm một năm, trong thời gian đó thử đi thi tài năng cho vui, không ngờ đoạt ngôi Á quân, giành nhiều cảm tình khán giả vì nhạc kịch đang là loại hình lạ lẫm và ca sĩ là nhà khoa học xinh đẹp trẻ trung.
Hỏi Thảo “hình như cuộc sống của bạn toàn suôn sẻ, êm ái, cả đường học hành và nghệ thuật?”. Cô chia sẻ, nhìn ngoài tưởng thế nhưng không hẳn đâu. Thất bại lên thất bại xuống trong khoa học, nhiều khi tâm trạng bực bội, ức chế mà chả biết chia sẻ cùng ai. Làm NCS mất 5 năm cần xác định thiệt thòi về thời gian và thu nhập. Trong khi sinh viên khác học xong đi làm ngay họ đã kịp có cuộc sống ổn định.
Hương Thảo trong đêm diễn “Thảo và những bài hát lạ”. Ảnh: Đỗ Tăng
Dù bận thế nào cô gái tiến sĩ cũng tìm cách trau dồi thêm những môn yêu thích. Tại trường MIT thời sinh viên Thảo đoạt học bổng học tiếng Nhật, nay làm NCS đoạt tiếp học bổng thanh nhạc. “Nhờ được học cơ bản thôi thấy kỹ thuật hát của mình tốt lên nhiều”. Mỗi tuần, cô có một buổi học hát riêng một thày một trò. Cô giáo nhận xét giọng Thảo lên cao xuống thấp chạy được một quãng rộng, tuy nhiên những bài cần dài hơi không phải sở trường của cô.
Làm NCS tiến sĩ, công việc của cô đa số gắn với phòng thí nghiệm. Thảo dành mọi lúc rảnh rỗi để hát. Tại phòng thí nghiệm, khi mọi người về hết là lúc thoải mái nhất để véo von. Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh có thời gian lên nhà Thảo tại Boston ở nhờ, từng ngưỡng mộ khi chứng kiến chị bạn đi làm ở phòng thí nghiệm cả ngày, tối về lại ôm piano hát “đó là một đời sống tri thức rất êm đềm, rất đẹp mà quá ít, quá hiếm trong xã hội ngày nay”.
Việt hóa hoạt hình Walt Disney thành nhạc kịch, Thảo từng nghĩ biết đâu lúc nào đó mình sẽ làm. Nghĩ trong đầu thế thôi chứ trước mắt còn bao nhiêu việc phải hoàn thành.
“Lập gia đình khó phết!”
"Tôi ở một mình đã quá lâu rồi. Cần có người để chia sẻ, nương tựa. Mọi người không hiểu tôi phải cố gắng nhiều thế nào để duy trì mọi việc đâu”. Bảo Thảo “ở VN phụ nữ học giỏi, thành đạt ngoài 30 tuổi độc thân cũng là bình thường”. Thảo nói: “Nhưng 27 tuổi mà chưa từng có ai thì có vấn đề chứ!?”. Sở thích chẳng giống ai khiến tôi trở nên khó gần. Con gái học tiến sĩ, lại hát nhạc kịch, nếu là nhạc pop có khi đỡ hơn, Thảo cười cực xinh khi lý giải. Hơi lắng xuống lúc nói về nỗi cô đơn, rồi lại bật cười giòn tan cho rằng duyên chưa đến “lập gia đình cũng khó phết!”. Với Thảo, thấy vui khi làm khoa học và khi hát là hạnh phúc rồi.
Từ đề tài khoa học mà cô đang thực hiện “Chức năng của tiểu cầu khi làm đông máu trong lúc cơ thể có vết thương” đến “Việt hóa nhạc kịch Walt Disney” là những khung trời khác biệt của người mơ mộng viển vông. Thực tế giúp tồn tại nhưng chính sự viển vông mới kéo ta đi xa, bay cao. Khoa học và nghệ thuật cùng cần sự viển vông như nhau, Thảo tin vậy.