Sứ mệnh lan toả tinh thần thể thao
Thưa ông, xin ông cho biết, tại sao giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong luôn thay đổi địa điểm mỗi năm? Địa điểm tổ chức cũng không phải là các đô thị sầm uất để thu hút thêm nhiều vận động viên tham gia?
Đây là câu hỏi nhiều người cũng đặt ra với chúng tôi. Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong (Tiền Phong Marathon) trước đây là giải Việt dã báo Tiền Phong, ra đời từ những năm 1950 và trong suốt lịch sử hình thành, phát triển luôn có sứ mệnh lan toả tinh thần thể thao, tinh thần điền kinh, xây dựng phong trào chạy bộ, nên từ xưa đã di chuyển khắp các địa phương trên cả nước.
Video: Trọng Quân |
Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn (thứ hai từ phải sang) trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng về công tác chuẩn bị giải Tiền Phong Marathon. (Ảnh: Trọng Tài). |
Trong những năm gần đây, chúng tôi đặt thêm một nhiệm vụ, ngoài việc là một giải đấu thể thao, Tiền Phong Marathon phải là sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, để đóng góp vào sự phát triển các địa phương. Tiền Phong Marathon trước hết phải là một giải thể thao đỉnh cao, giải vô địch quốc gia - phải làm tốt điều đó đầu tiên - sau đó, hơn thế nữa phải còn là một sự kiện chính trị, xã hội, văn hoá của các địa phương, với nhiệm vụ kép là vừa lan toả tinh thần thể thao, vừa giới thiệu tiềm năng phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch của địa phương, mở ra các cơ hội đầu tư, cơ hội phát triển văn hoá, du lịch.
Tiền Phong Marathon trước hết phải là một giải thể thao đỉnh cao, giải vô địch quốc gia - phải làm tốt điều đó đầu tiên - sau đó, hơn thế nữa phải còn là một sự kiện chính trị, xã hội, văn hoá của các địa phương
Bởi vậy, những năm gần đây, chúng tôi hướng tới các địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, đang cần những sự kiện để có điều kiện phát triển.
Nói rộng ra, Tiền Phong Marathon đang có những đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi hướng đến những đảo tiền tiêu như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), đến những vùng như Tây Nguyên (Pleiku - Gia Lai) và bây giờ là Lai Châu - phía Tây Bắc của Tổ quốc.
Truyền cảm hứng cho người trẻ
Như ông nhiều lần cho biết, Tiền Phong Marathon hướng tới nhiều mục đích, trong đó có việc vừa là giải đấu thể thao, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, vừa thực hiện giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ. Qua các địa điểm đã tổ chức giải trong thời gian qua, thông điệp đó là gì, hiệu quả ra sao, thưa ông?
Như bạn có thể thấy, qua sự tiếp nhận của xã hội, tiếp nhận của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các địa phương tổ chức giải, trong đó có tầng lớp thanh niên, mục tiêu chúng tôi đặt ra đều đạt được rất tốt.
Đoàn công tác UBND tỉnh Lai Châu, Ban tổ chức Tiền Phong Marathon, các hoa hậu, người đẹp, đoàn viên, thanh niên thăm và nghe giới thiệu về cột mốc biên giới trên địa bàn tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Như Ý) |
Trước hết, đây là sự kiện truyền cảm hứng rất mạnh mẽ đối với đoàn viên, thanh niên. Giải Tiền Phong Marathon có các chuỗi hoạt động như Lễ thượng cờ, Lễ tôn vinh cờ Tổ quốc ở các quảng trường với sự tham dự của hàng nghìn người. Ban Tổ chức giải cũng tiến hành các hoạt động chăm sóc những đối tượng chính sách, thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu biên giới, hải đảo. Thông qua các hoạt động đó, giới trẻ nói chung, các vận động viên nói riêng, những người quan tâm đến giải đấu được truyền cảm hứng, được giáo dục lý tưởng cách mạng và thái độ, trách nhiệm sống.
Bất cứ nơi nào Tiền Phong Marathon đến, nơi đó đều trở thành ngày hội lớn như ở Lý Sơn, Pleiku, Côn Đảo và hôm nay ở Lai Châu. Thực sự, thành phố Lai Châu những ngày này đã có một lễ hội lớn.
Một điều nữa, bất cứ nơi nào Tiền Phong Marathon đến, nơi đó đều trở thành ngày hội lớn như ở Lý Sơn, Pleiku, Côn Đảo và hôm nay ở Lai Châu. Thực sự, thành phố Lai Châu những ngày này đã có một lễ hội lớn. Tôi nghĩ rằng, trong ngày 26/3, Tiền Phong Marathon sẽ là một đại lễ hội tại Lai Châu.
Cú hích cho các địa phương
Ông kỳ vọng gì vào thành công của Tiền Phong Marathon 2023 trong việc phát triển kinh tế - xã hội – văn hoá – du lịch tỉnh Lai Châu?
Tôi thấy rằng, các đồng chí lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lai Châu đặt rất nhiều hy vọng vào giải Tiền Phong Marathon năm nay, mong muốn trở thành dịp giới thiệu tiềm năng phát triển kinh tế xã hội, giới thiệu danh thắng, cảnh quan du lịch tỉnh Lai Châu. Đây là cơ hội quảng bá lớn nhất của tỉnh Lai Châu theo đánh giá của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Chúng tôi đang làm khá tốt nhiệm vụ đó, với việc thu hút hàng nghìn vận động viên cùng với đông đảo khách du lịch đến với Lai Châu.
Hàng nghìn vận động viên tham gia giải Tiền Phong Marathon 2023 tại Lai Châu. (Ảnh: Như Ý) |
Tỉnh Lai Châu đã cố gắng hết sức mình, cùng với Ban tổ chức chuyên môn, đáp ứng nhu cầu, phục vụ cho một khối lượng vận động viên và du khách lớn như vậy. Đây thực sự là cơ hội rất lớn để tỉnh Lai Châu có thể tận dụng để giới thiệu vẻ đẹp của mình. Tỉnh Lai Châu cũng đã và đang có kế hoạch như vậy, bởi tiềm năng phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là du lịch của Lai Châu rất lớn.
Như ông đã nói, báo Tiền Phong, giải Tiền Phong Marathon luôn quan tâm các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trong thời gian tới, Tiền Phong Marathon sẽ tiếp tục duy trì truyền thống này?
Tiền Phong Marathon luôn hướng đến trước hết là các địa phương còn đang có khó khăn, các địa phương đang nằm ở vùng trọng điểm, chiến lược về phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước. Đương nhiên, giải đấu sẽ hướng sự quan tâm tới đồng bào các dân tộc, các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ khó khăn, vất vả nơi tuyến đầu ở các địa bàn này. Trong những năm tới, tôi nghĩ Tiền Phong Marathon vẫn sẽ tiếp tục định hướng như vậy, sẽ tiếp tục di chuyển đến nhiều địa phương trên đất nước, ưu tiên những nơi nào cần sự kiện để tạo cú hích cho sự phát triển.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trong những năm tới, Tiền Phong Marathon vẫn sẽ tiếp tục di chuyển đến nhiều địa phương trên đất nước, ưu tiên những nơi nào cần sự kiện để tạo cú hích cho sự phát triển.