Ðầu vào cao, cạnh tranh thấp
“Luồng khí” hội nhập đang len đến tận nông trại, gia trại, các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước, các doanh nghiệp chăn nuôi FDI tại Việt Nam cũng không thể tránh khỏi vòng xoáy đó. Hội nhập sẽ giúp chúng ta tiếp cận với các mô hình sản xuất tiên tiến, nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN), thuốc thú y, con giống, trang thiết bị chăn nuôi…giá rẻ từ các nước đối tác, góp phần giảm chi phí đầu vào. Người quản lý, doanh nghiệp, lẫn người chăn nuôi đều phải đổi tư duy, hướng đến thị trường. Về lâu dài, chúng ta có thể xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi có lợi thế như thịt lợn và sản phẩm thịt lợn sang vùng Ðông Bắc Á, Ðông Âu; trứng vịt muối sang một số nước ASEAN và Nam Á, mật ong sang Mỹ, EU…
Tuy nhiên, thách thức mới thật sự là những “hòn đá tảng”! Thực tế, ngay cả khi hàng rào thuế quan chưa hạ, với cách tổ chức sản xuất, năng suất vật nuôi đang đẩy giá thành cao hơn tới 30-35% so với các nước phát triển như hiện nay, sản phẩm chăn nuôi của ta cũng rất khó cạnh tranh. Câu chuyện về giá đùi gà Mỹ, thịt bò Úc là một minh chứng rất “nóng”.
Năm 2015, Thái Dương được Bộ NN&PTNT trao giải thưởng “Bông lúa vàng lần thứ II” và danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông lần thứ I”. Trong ảnh: Bộ trưởng NN&PTNT Cao Ðức Phát trao giải Bông lúa vàng cho ông Lê Quang Thành, TGÐ Công ty CP TACN Thái Dương.
Hiện các nhà máy TACN ở ta không gắn liền với nơi cung cấp nguyên liệu, nguyên liệu phải qua nhiều cầu trung gian, vận chuyển xa, nên giá đầu vào cao hơn 10 -15%. Trong khi đó, các trại chăn nuôi nhỏ, manh mún, xa các nhà máy TACN, nên chi phí cũng bị đẩy lên 10 -15% do qua khâu đại lý trung gian vận chuyển. Chưa kể, chi phí lãi suất chiếm khoảng 10% giá thành sản phẩm, chi phí bao bì cũng chiếm 1-2%.
Mặt khác, chúng ta đang phụ thuộc vào nguyên liệu TACN nhập khẩu, làm giá thành TACN luôn cao hơn 10-15% so với các nước trong khu vực. Chất lượng con giống chưa tốt, giá thành sản phẩm cao hơn 20-30%. Chưa kể, vấn đề dùng chất cấm tăng trọng, kháng sinh trong thức ăn, giết mổ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…đã ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người tiêu dùng.
"Cứu mình" bằng công nghệ
Hội nhập - cạnh tranh là không thể tránh khỏi, nên các doanh nghiệp phải “tự cứu mình”. Với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh lợn giống và sản xuất TACN, nhưng Thái Dương cũng không phải là ngoại lệ trước thách thức và sự cạnh tranh gắt gao đó. Tuy nhiên, với mục tiêu, chiến lược rõ ràng cho từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Thái Dương ngày một tạo được vị thế trên thị trường, với những bước đi vững chắc, hướng tới sự phát triển bền vững và toàn diện.
Về TACN, Thái Dương đã hợp tác nghiên cứu với trường Ðại học Công nghệ Cộng hòa Séc để sản xuất sinh khối protein và một số phụ gia TACN theo con đường vi sinh. Ðây là thế mạnh của Việt Nam. Với nguồn cơ chất dồi dào như tinh bột sắn, mật rỉ đường… chúng ta có thể tạo nguồn sinh khối protein, đủ để giảm nhẹ lệ thuộc vào nhập khẩu.
Mặt khác, tài nguyên vi sinh bản địa quý giá như vi khuẩn probiotics, vi tảo… cũng là nguồn cung cấp phụ gia (các Enzyme, Vitamin và các hoạt chất sinh học…), cạnh tranh với phụ gia của nước ngoài. Thái Dương cũng không ngừng cải tiến, đầu tư công nghệ cao để cải tiến, nâng cấp chất lượng đàn giống, với mục tiêu đến năm 2020 sẽ chiếm 10% thị phần lợn giống tại Việt Nam. Ngoài ra, hệ thống chuồng trại và các trang thiết bị của Thái Dương cũng được tư vấn, thiết kế và nhập khẩu đồng bộ từ Ðan Mạch, Úc nhằm tối ưu nhất môi trường sống cho đàn lợn, cũng như quản lí tốt an toàn dịch bệnh.
Chúng tôi cũng áp dụng chặt chẽ các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, như hệ thống “cùng vào, cùng ra”; xây dựng các chuyên biệt: Khu nái đẻ, khu úm lợn cai sữa, khu chăn nuôi lợn hậu bị... cũng như xây dựng một chương trình phòng bệnh bằng vaccine hiệu quả.
Tầm nhìn của Thái Dương là sử dụng công nghệ gene và trình độ quản lý giống để trở thành doanh nghiệp cung cấp lợn giống uy tín nhất Việt Nam. Sử dụng công nghệ vi sinh để trở thành Cty cung cấp sản phẩm TACN lên men lớn nhất tại Việt Nam, hướng đến xuất khẩu trên toàn cầu, có doanh thu đạt 10 tỷ USD/năm trong 20 năm tới.