Tiền lại ào ạt vào chứng khoán

Tiền lại đổ vào chứng khoán. Ảnh: Như Ý.
Tiền lại đổ vào chứng khoán. Ảnh: Như Ý.
TP - Thanh khoản trên thị trường chứng khoán tăng mạnh với sự áp đảo của dòng tiền nội, bất chấp tháng 5 thường “bán và đi chơi”. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt, thậm chí nhà đầu tư đang kỳ vọng nhóm này sẽ điều chỉnh để kịp mua vào.

Tăng dòng tiền nội

Số liệu từ Sở GDCK Hà Nội (HNX), trong tháng vừa qua sàn này có 189 mã cổ phiếu, tương đương 52,07% tổng số mã cổ phiếu niêm yết giảm giá. Bất ngờ là thanh khoản thị trường tăng đáng kể so với tháng trước, tổng khối lượng giao dịch đạt 942,59 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng đạt 10,41 nghìn tỷ đồng. Tương tự, thanh khoản trên sàn HOSE đạt mức tăng 50%, từ mức bình quân 80 triệu cổ phiếu/phiên trong nửa đầu tháng 5/2015 lên 120 triệu cổ phiếu/phiên trong hai tuần cuối. Riêng phiên giao dịch cuối tháng, giá trị giao dịch tăng đột biến lên 2.315 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015.

Câu ngạn ngữ “Bán tháng 5 và đi chơi” (Sell in May and Go Away) thường được nhà đầu tư nhắc nhiều trong thời gian giao dịch này. Tức là giảm tỷ trọng trong danh mục đầu tư nhằm tìm kiếm các nguồn đầu tư khác do lợi nhuận từ thị trường chứng khoán tháng 5 mang lại sẽ không khả quan. Tuy nhiên, kịch bản này có vẻ không đúng với kinh nghiệm đúc kết trên tại TTCK năm nay. 

Thống kê của Rong Viet Research, tháng 5 vừa qua là một tháng tăng điểm của hầu hết các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới như Nasdaq, S&P 500, Nikkei..trừ chỉ số Hangseng của chứng khoán Trung Quốc (giảm 13,36%). Hiện tượng “Sell in May” tưởng chừng như đã đúng đối với TTCK Việt Nam trong nửa đầu tháng 5 thì nhà đầu tư lại chứng kiến đà phục hồi mạnh mẽ trong những phiên về cuối tháng. Cuối cùng VN-Index và HN-Index tăng lần lượt 4,5% và 4% so với tháng trước. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng 1.393 tỷ đồng, trở thành “liều thuốc” tốt thúc đẩy tinh thần nhà đầu tư trong nước.

Tuy nhiên điều đáng chú ý khác chính là dòng tiền của nhà đầu tư nội. Cty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhận định dòng tiền vào thị trường đang dần cho thấy sự hứng khởi trở lại, thể hiện phần nào tâm lý sốt ruột của những người đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt lớn. Còn Công ty chứng khoán Maybank KimEng thì cho rằng dù đối diện với lực chốt lời mạnh, thị trường vẫn đang cho thấy mức hoạt động tốt của dòng tiền và khả năng hấp thụ tốt lượng hàng bán ra. Xem ra thị trường chứng khoán đã có một diễn biến trái ngược với dự báo ban đầu và có thể nhà đầu tư đã có lời thay vì bán và đi chơi.

Cổ phiếu nào hút khách?

Trong thời gian qua cục diện thị trường đã có sự thay đổi đáng kể. Cổ phiếu VCB (Vietcombank) đang có thị giá trên 45.000 đồng/cổ phiếu, đạt vốn hóa thị trường hơn 220.000 tỷ đồng, tương đương với 5,6 tỷ USD và chiếm 10,3% tổng giá trị thị trường. Với mức này, VCB trở thành cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất trên thị trường, vượt qua cả GAS (ngành dầu khí), VNM (ngành tiêu dùng). Cùng với VCB, cổ phiếu ngân hàng như BID, CTG, ACB liên tục giúp thị trường tăng điểm và lực mua chủ yếu đến từ nhà đầu tư trong nước. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số ngành ngân hàng đã tăng 38% so với đầu năm. Thậm chí nhà đầu tư đang kỳ vọng thị trường sẽ điều chỉnh từ ảnh hưởng của nhóm này để họ có cơ hội mua vào.

Một nghiên cứu của RongViet Research cho thấy, tăng trưởng giá cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt đối với các cổ phiếu trong ngành, trong đó nhóm dẫn dắt và đã tăng giá mạnh bao gồm BID (BIDV), VCB, CTG (Vietinbank) và ACB, trong khi các cổ phiếu như MBB, EIB (Eximbank), SHB, STB (Sacombank) lại giao dịch lình xình. Điều này cho thấy các ngân hàng lớn thuộc top đầu là lựa chọn ưa thích của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài khi họ liên tục mua ròng CTG, BID và VCB trong khi các mã còn lại (trừ những cổ phiếu đã hết room như MBB, ACB). Sự hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng đến từ những kỳ vọng về cải thiện lợi nhuận, kết quả tái cấu trúc ngành như bán nợ xấu, sáp nhập, hoàn nhập dự phòng…

Ở góc độ khác, Giám đốc môi giới của Công ty chứng khoán tại TPHCM nhấn mạnh, quan tâm đến từng cổ phiếu riêng lẻ của từng nhóm ngành sẽ tốt hơn là quan tâm đến cả nhóm bởi ngành nào cũng có doanh nghiệp khỏe và yếu. CTCK BSC cũng đánh giá khả quan đối với các ngành vận tải biển, bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng (xi măng), dệt may, điện, săm lốp, thực phẩm tiêu dùng và ngân hàng. BSC lưu ý ngành bất động sản và ngân hàng có khả năng sẽ trở thành ngành dẫn dắt VN-Index thay cho ngành dầu khí trong thời gian tới. Trong khi đó những doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm ngành mía đường, cao su tự nhiên được cho là kém khả quan.

Theo tư vấn của nhân viên môi giới một công ty chứng khoán lớn tại TPHCM, nếu nhà đầu tư muốn mua vào cổ phiếu ngân hàng thì đợi thị trường điều chỉnh trong vùng 560-570, hiện tại nhóm cổ phiếu này đang rất được sự quan tâm của nhà đầu tư bên cạnh nhóm thủy sản, nông sản và chứng khoán.

Giao dịch trong thời gian tới chịu ảnh hưởng từ thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý II-2015 và sẽ là tiêu chí để nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu. Trong đó nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán đang trở nên hấp dẫn hơn khi thị trường được kỳ vọng sẽ tích cực trở lại. Bên cạnh đó, thông tin về Hiệp định Đối tác kinh tế châu Á xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ sớm được thông qua giúp cho ngành may mặc, thủy sản, nông sản hút sự quan tâm của giới đầu tư. 

MỚI - NÓNG