Tiền đâu?

Tiền đâu?
TP - Theo phương án được Bộ GTVT trình Quốc hội, tổng vốn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của dự án cao tốc Bắc - Nam khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 55 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, nguồn vốn huy động từ bên ngoài vào dự án này là rất lớn. Đây cũng là một trong những khó khăn nhất hiện nay, đặc biệt là việc kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Nói về việc này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh khẳng định, chúng ta không loại trừ việc kêu gọi nguồn vốn nước ngoài vào dự án cao tốc Bắc – Nam. Tuy nhiên, theo ông Sinh, việc huy động đầu tư và nguồn vốn trong nước khả thi hơn, nếu các ngân hàng đồng hành cùng nhà nước. Bằng chứng cho thấy, thời gian qua, khi triển khai một số đoạn cao tốc, chúng ta đã huy động vốn xã hội khoảng 169 nghìn tỷ đồng. Song vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 10-15%, phần còn lại là vốn từ ngân hàng.

Câu hỏi đặt ra là, bây giờ ngân hàng có đi vay ngắn hạn để cho vay dài hạn xây cao tốc không? Đây quả thực là một bài toán nan giải. Đó là chỉ tính đến giai đoạn từ nay đến 2020, còn sau năm 2025 sẽ còn phải triển khai tiếp với chiều dài 666 km để hình thành cao tốc Bắc- Nam. Nghĩa là Chính phủ không chỉ phải huy động vốn trong 3 năm tới, mà còn cả trong giai đoạn tiếp theo, với tổng số vốn phải huy động khoảng 320 nghìn tỷ đồng. Từ khó khăn về nguồn vốn như vậy, Chính phủ phải lựa chọn những đoạn cần đầu tư trước dựa trên tính toán lưu lượng xe đông, giúp tránh ùn tắc.

Liên quan đến nguồn vốn nhà nước bố trí cho dự án, Nghị quyết của Quốc hội đã bố trí 80 nghìn tỷ đồng cho dự án quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đề nghị bố trí 55 nghìn tỷ đồng cho dự án này và 15 nghìn tỷ đồng còn lại sẽ trình Quốc hội phân bổ cho một số dự án quan trọng, cấp bách khác. Khi thẩm tra dự án này, Ủy ban Kinh tế đã đề nghị phải làm rõ tiêu chí lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Phương án huy động nguồn vốn ngoài ngân sách cho cao tốc Bắc – Nam, giai đoạn đầu dự kiến khoảng 63 nghìn tỷ đồng sẽ thực hiện ra sao? Theo tờ trình của Chính phủ, việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài trong điều kiện hiện nay sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do chưa có cơ chế cung cấp các bảo lãnh và việc huy động vốn vay vẫn chủ yếu từ các tổ chức tín dụng trong nước.

Về việc này, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu sửa đổi thông tư theo hướng quy định tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn từ ngày 1/1/2018 là 45% (quy định cũ là 40%).

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, điều này có thể tiềm ẩn rủi ro nên cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Ủy ban này đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ nội dung trên, đồng thời nghiên cứu các giải pháp, cơ chế chia sẻ rủi ro để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhằm giảm áp lực đầu tư công, hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại đầu tư, huy động nguồn lực đột phá để đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông.

MỚI - NÓNG