Tiên cá Fiji là màn trưng bày thu hút nhiều sự chú ý vào thế kỷ 19. Tiên cá Fiji đầu tiên được trưng bày bởi nhà tổ chức chương trình kiêm doanh nhân người Mỹ, Phineas Taylor Barnum ở Bảo tàng Mỹ Barnum tại New York, theo Ancient Origins.
Câu chuyện về tiên cá Fiji tại Mỹ bắt đầu từ giữa tháng 7/1842. Một người Anh lấy tên Dr. J. Griffin (tên thực Levi Lyman), được cho là thành viên trường Trung học Lịch sử Tự nhiên Anh tại New York, khẳng định bắt được tiên cá gần quần đảo Fiji ở nam Thái Bình Dương.
Barnum thuyết phục Griffin tổ chức một cuộc triển lãm về tiên cá tại Broadway, Mỹ, trong vòng một tuần. Sau đó, Barnum tiếp tục tổ chức một cuộc triển lãm khác kéo dài một tháng tại Bảo tàng Mỹ Barnum.
Tuy nhiên, trước mắt đám đông đổ xô đến xem tiên cá không phải là sinh vật xinh đẹp với bầu ngực trần như trong truyền thuyết. Khác với với mô tả của Barnum, tiên cá Fiji có nửa thân trên của một con khỉ vị thành niên khâu cùng mình cá ở phía dưới. Giới nghiên cứu cho rằng Barnum không phải là tác giả của tiên cá Fiji mà sinh vật ra đời ở châu Á (Nhật Bản và Đông Ấn) và vị thương gia đã mua lại nó từ những ngư dân.
Phineas Taylor Barnum, người đưa ra ý tưởng trưng bày tiên cá Fiji. Ảnh: Wikipedia.
Tiên cá Fiji nổi tiếng được tạo ra tại Nhật Bản vào khoảng năm 1810, nơi nó là loại hình nghệ thuật truyền thống của ngư dân. Tiên cá Fiji đã trải qua nhiều cuộc trao đổi, mua bán trước khi đến tay Barnum.
Sau cuộc triển lãm, tiên cá Fiji được lưu giữ tại Bảo tàng Barnum và Bảo tàng Kimball tại Boston, Mỹ, trong 20 năm tiếp theo. Năm 1859, tiên cá Fiji được trưng bày tại London và sau đó trở về Bảo tàng Kimball.
Theo tin đồn, tiên cá Fiji bị tiêu hủy trong đám cháy tại Bảo tàng Barnum. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự bị tiêu hủy khi Bảo tàng Kimball sụp đổ vào đầu những năm 1880. Một giả thuyết khác cho rằng tiên cá Fiji vẫn tồn tại và được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học và Dân tộc học Harvard. Dù bảo tàng này đang trưng bày một phiên bản tiên, không ai chắc chắn đây có phải là tiên cá Fiji gốc hay không.