Tiêm vắc xin cho trẻ em. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Trao đổi với báo chí dịp Tết Nhâm Dần, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế thường xuyên tham khảo ý kiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới về vấn đề này. WHO đã chính thức cấp phép cho vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
“Chúng tôi cũng tham khảo kinh nghiệm của tất cả các quốc gia trên thế giới. Hiện nay có hơn 37 quốc gia đã có kế hoạch và đã triển khai, có quốc gia tiêm cho toàn bộ trẻ, có quốc gia tiêm cho những trẻ nguy cơ cao”, ông Long nói.
Bộ Y tế cũng theo sát thông tin vắc xin nào được tiêm cho trẻ trong độ tuổi này, những phản ứng nào có thể xảy ra... Cùng với đó, Bộ Y tế đã báo cáo với các cấp có thẩm quyền, với Chính phủ để mua vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Bộ Y tế đang đàm phán với các hãng để có thể cung ứng vắc xin này.
“Khi có vắc xin này, chúng ta sẽ triển khai tiêm từng bước thận trọng, chắc chắn, đảm bảo vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu, trước hết và trên hết”, Ông Long nói.
Theo ông, việc tiêm vắc xin không phải là bắt buộc nhưng ngành y tế khuyến khích với tất cả người dân. Khoảng 80% các trường hợp tử vong thời gian qua, là do không tiêm vắc xin, không tiêm đủ mũi. Đây là điều rất đáng tiếc, phần lớn ca tử vong ở lứa tuổi cao, có bệnh nền.
Vì thế, để bảo vệ nhóm đối tượng này, các địa phương đang thực hiện chiến lược “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tiêm vắc xin cho người dân, nhất là người cao tuổi, có bệnh nền.
Trước đó, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ cho phép mua 21,9 triệu liều vắc xin của Pfizer/BioTech để có thể triển khai tiêm và chấp nhận có thể dư thừa vắc xin.
Ngày 8/2, Bộ Y tế ghi nhận 21.909 ca mắc COVID-19 với 8 ca nhập cảnh và 21.901 ca ghi nhận trong nước (tăng 5.092 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố, có 14.982 ca trong cộng đồng. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong nhiều tháng qua. Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc mới (2.903 ca) và tử vong (19 ca) trong ngày cao nhất cả nước.
Ít phản ứng phụ
TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, cho biết, trẻ em mắc COVID-19 không diễn biến nặng như người lớn, song có thể gặp các di chứng vĩnh viễn gây suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Nhiều cuộc thử nghiệm vắc xin đã chỉ ra trẻ em được đảm bảo an toàn khi tiêm, do mức liều tiêm chỉ bằng 1/3 so với người lớn. Trẻ em 5-11 tuổi phần lớn chưa bước vào giai đoạn dậy thì, chưa trải qua quá trình cơ thể thay đổi hormone, do đó ít xảy ra các phản ứng phụ sau tiêm.
Ông Thái lưu ý, về phía các bậc cha mẹ, người giám hộ, cần luôn có người hỗ trợ, bên cạnh trẻ sau khi tiêm vắc xin 24 giờ trong ngày. Không để trẻ uống rượu, bia, các chất kích thích và không để trẻ vận động mạnh, chơi thể thao ít nhất trong ba ngày đầu sau tiêm vắc xin. Trước khi đi tiêm, động viên trẻ tại nhà, giải thích cho trẻ lợi ích của tiêm chủng và hướng dẫn trẻ tự theo dõi sức khỏe bản thân.
Sau tiêm, phụ huynh cần chủ động theo dõi và chia sẻ với trẻ về cảm nhận; thường xuyên đo thân nhiệt, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ. Mục đích là theo dõi sát sức khỏe của trẻ để tránh nguy cơ xảy ra các phản ứng bất lợi, nếu thấy tại chỗ tiêm của trẻ có những dấu hiệu như sưng, đỏ, đau, nổi cục…, cần đi khám ngay; không được bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
Thông báo ngay cho y tế nếu có bất cứ vấn đề gì băn khoăn về sức khỏe của trẻ, nhất là khi phát hiện thấy trẻ có những biểu hiện bất thường: cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; ở da thấy phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da; có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật; có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất; có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái…
Trước thực tế nhóm trẻ mầm non, cấp 1 chính thức trở lại trường học, Sở Y tế TPHCM đang lên phương án chích vắc xin ngừa COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến 11 tuổi. PGS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết: “Việc chích ngừa cho trẻ sẽ được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và của chính con trẻ. Thành phố đã lập danh sách trẻ trong nhóm tuổi sẽ chích ngừa, khi nào Bộ Y tế “bật đèn xanh”, Sở Y tế sẽ triển khai ngay”.