Đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin thần tốc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đến chiều 6/2, cả nước đã tiêm gần 182,2 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Bộ Y tế tiếp tục đề nghị tập trung đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vắc xin thần tốc mùa Xuân năm 2022. Cùng ngày Bộ Y tế công bố chi tiết cấp độ dịch tại 63 tỉnh, thành phố.
Đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin thần tốc ảnh 1

Thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến chiều 6/2 cho thấy cả nước đã tiêm 182.180.300 liều vắc xin phòng COVID-19, 52/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 11/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ mũi 2 từ 82% - dưới 90%.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục nâng mức cảnh giác cao nhất đối với dịch COVID-19, đặc biệt đối với biến chủng mới Omicron, tiếp tục huy động toàn thể hệ thống chính trị tham gia công tác phòng chống dịch ngay từ những ngày đầu năm 2022, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, coi công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó chú trọng tập trung đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022; rà soát, tiêm vét các đối tượng nguy cơ cao, không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc xin; bảo đảm an toàn tiêm chủng.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cảnh báo nếu không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ngoài ý muốn.

Về tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, Bộ Y tế cho biết, đang tích cực chuẩn bị tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả, thận trọng từng bước và đặt an toàn lên hàng đầu... Đồng thời Bộ cũng theo sát thông tin vắc xin nào được tiêm cho trẻ trong độ tuổi này, những phản ứng nào có thể xảy ra. Bộ Y tế đang đàm phán với các hãng để có thể cung ứng vắc xin này.

Chính phủ cũng đã vừa quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vắc xin Pfrizer cho trẻ em từ 5-dưới 12 tuổi với các điều kiện như Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 của Chính phủ về mua vắc xin phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer. Đồng thời Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Nguy cơ dịch lây nhiễm cộng đồng

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; công tác phòng, chống dịch từng bước đạt những kết quả khả quan. Số ca mắc mới, số chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm. Các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi. Đây là dấu hiệu tích cực với công tác kiểm soát, phòng, chống dịch trong thời gian tới, tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc cả nước đang dần mở cửa lại các hoạt động, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến chủng Omicron. “Chúng ta hình dung Delta đã lây nhanh như vậy mà Omicron còn gấp 7 lần, với người đã tiêm là cao gấp 3 lần. Đây chính là nghi ngại chúng ta đang hết sức quan tâm lưu ý. Đó cũng là lí do vì sao tất cả những trường hợp nhập cảnh chúng ta đều phải quản lí chặt chẽ để tránh lây nhiễm trong cộng đồng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, người nhiễm Omicron có vẻ mắc bệnh nhẹ hơn đối với Delta nhưng nếu như rất nhiều người bị trong cùng một thời điểm thì chắc chắn số lượng tuyệt đối của bệnh nhân nặng tăng lên. “Chúng tôi vẫn lo ngại và cảnh báo rằng chúng ta không nên quá chủ quan. Chúng ta càng phải cố gắng nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.

Do đó Tư lệnh ngành Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục giám sát, quản lí chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Cập nhật, tổ chức triển khai các hướng dẫn phòng, chống dịch, chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 của Bộ Y tế.

Không còn địa phương thuộc cấp độ dịch 3 và 4

Ngày 6/2, số tỉnh, thành vùng xanh (cấp độ 1) về dịch COVID-19 đã tăng lên 41 địa phương; 22 tỉnh, thành còn lại là vùng vàng. Hiện cả nước không còn tỉnh, thành nào là vùng cam (cấp độ 3), đỏ (cấp độ 4). Về tỷ lệ đánh giá cấp độ dịch, cả nước hiện cơ bản là vùng xanh với 7.784 xã, phường là vùng xanh, chiếm 73,4%; Có 2.234 xã, phường thuộc vùng vàng, chiếm 22%; Có 460 xã, phường là vùng cam, chiếm 4,3%. Đến nay, cả nước chỉ còn 26 xã, phường thuộc vùng đỏ, chiếm 0,2%.

MỚI - NÓNG