Về tỷ lệ đánh giá cấp độ dịch, cả nước hiện cơ bản là vùng xanh với 7.784 xã, phường là vùng xanh, chiếm 73,4%; Có 2.234 xã, phường thuộc vùng vàng, chiếm 22%; Có 460 xã, phường là vùng cam, chiếm 4,3%. Đến nay, cả nước chỉ còn 26 xã, phường thuộc vùng đỏ, chiếm 0,2%.
41 tỉnh, thành phố đạt cấp độ 1 về dịch COVID-19 (vùng xanh), gồm:
An Giang, Bình Dương, Bình Thuận, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Cà Mau, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, TP HCM, Kiên Giang, Kon Tum, Lai Châu, Long An, Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Bình, Thái Nguyên, Tiền Giang, Điện Biên, Yên Bái, Đồng Nai, Đồng Tháp, TP Hà Nội, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Định, Bến Tre, TP Cần Thơ, Khánh Hoà, Ninh Bình và Ninh Thuận;
TPHCM đã trải qua 5 tuần liên tiếp ở cấp độ 1. Theo đánh giá mới nhất ngày 5/2 của Sở Y tế TPHCM tuần lễ từ ngày 28/1 đến ngày 3/2 cho thấy dựa trên 3 tiêu chí về số ca mắc mới tại cộng đồng, độ bao phủ vắc xin và tiêu chí đảm bảo khả năng chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng, cấp độ dịch của thành phố hiện đang ở cấp độ 1.
Đánh giá cấp độ dịch ở cấp phường, xã, thị trấn có 310/312 địa phương đạt cấp độ 1, chỉ có 2 địa phương đạt cấp độ 2; so với tuần trước, đã có 2 phường, xã giảm cấp độ dịch.
22 tỉnh, thành phố cấp độ 2 dịch COVID-19 gồm:
Bình Phước, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Gia Lai, Hoà Bình, Hà Tĩnh, Hưng Yên, TP Hải Phòng, Hậu Giang, Lâm Đồng, Nam Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hoá, Thừa Thiên- Huế, Tây Ninh, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, TP Đà Nẵng, Đắk Lắk và Đắk Nông.
Theo hướng dẫn tạm thời mới nhất của Bộ Y tế về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128, cấp độ đáp ứng dịch COVID-19 tại tuyến xã được xác định bằng cách tổng hợp từ kết quả về mức độ lây nhiễm và mức độ đáp ứng của địa bàn cấp xã, thực hiện theo 3 tiêu chí.
Tiêu chí 1: Tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian. Tiêu chí 2: Độ bao phủ vắc xin. Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Về cách xác định các tiêu chí, Bộ Y tế cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 2 nhóm để xác định cấp độ dịch gồm có: Nhóm chỉ số về mức độ lây nhiễm và Nhóm chỉ số về khả năng đáp ứng.
Trên cơ sở tham khảo các phương pháp đánh giá của các nước trên thế giới và đánh giá thực tiễn của Việt Nam, Bộ Y tế hướng dẫn cách xác định các tiêu chí cụ thể như sau:
Với tiêu chí 1: Tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian.
Tỷ lệ ca mắc mới trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân. Tỷ lệ ca mắc mới được phân theo 04 mức độ từ thấp đến cao (mức 1: <90; mức 2: 90 đến dưới 450; mức 3: 450 đến 600; mức 4: >600).
Tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy trung bình trong 7 ngày qua ghi nhận trên địa bàn xã/100.000 người. Tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy được phân theo 04 mức độ (mức 1: < 1; mức 2: 1 đến dưới 32, mức 3: 32 đến 40, mức 4: >40).
Tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy do Trung tâm Y tế cấp huyện tính toán và phân bố đến từng địa bàn cấp xã.
Tỷ lệ ca tử vong trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân. Yêu cầu chỉ số này không được vượt quá 6/100.000 dân trên địa bàn cấp xã. Chỉ số này là hệ quả của tổng hợp mức độ lây nhiễm và khả năng đáp ứng, đồng thời đây là mục tiêu cần phải khống chế bằng được; do đó chỉ số này được sử dụng để đánh giá điều chỉnh cấp độ dịch trên địa bàn cấp xã.
Tiêu chí 2: Độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19
Chỉ số tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm theo khuyến cáo tại thời điểm đánh giá của Bộ Y tế của địa bàn cấp xã tính trên toàn bộ dân số trên điạ bàn. Yêu cầu tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi phải đạt tối thiểu 75% tổng dân số tại thời điểm đánh giá. Chỉ số này được sử dụng để điều chỉnh mức độ lây nhiễm trên địa bàn cấp xã.
Chỉ số tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi trở lên ở người thuộc nhóm nguy cơ cao (không chống chỉ định tiêm chủng) trong số đối tượng ở nhóm nguy cơ cao của địa bàn cấp xã. Yêu cầu tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi ở người thuộc nhóm nguy cơ cao phải đạt tối thiểu 90% số đối tượng phải tiêm chủng tại thời điểm đánh giá.
Chỉ số này được sử dụng để điều chỉnh mức độ lây nhiễm trên địa bàn cấp xã.
Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Chỉ số tỷ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc/10.000 dân: khả năng có thể quản lý, chăm sóc tại địa bàn cấp xã. Chỉ số này được chia làm 3 khả năng (cao: > 500; trung bình: 200-500; thấp: <200).
Chỉ số tỷ lệ giường bệnh dành cho người bệnh COVID-19 còn trống tại các cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn cấp huyện /100.000 dân tại thời điểm đánh giá. Chỉ số này được chia làm 3 khả năng (cao: > 30; trung bình: 10- 30, thấp: < 10). Chỉ số này do Trung tâm Y tế cấp huyện xác định sau đó được dùng chung cho tất cả các xã trên địa bàn thuộc huyện
Chỉ số tỷ lệ giường điều trị tích cực (ICU) có đủ nhân viên y tế phục vụ/100.000 dân. Yêu cầu tỷ lệ giường ICU có đủ nhân viên y tế phục vụ trên địa bàn cấp tỉnh phải đạt tối thiểu 4/100.000 dân.
Chỉ số giường ICU tại tiêu chí 3 được sử dụng để hiệu chỉnh mức độ đáp ứng trên địa bàn cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh. Nếu chỉ số này không đạt mức tối thiểu (4/100.000) thì phải giảm mức độ đáp ứng của tuyến xã trên địa bàn của tỉnh này xuống một mức độ (trừ trường hợp đang ở khả năng thấp).
Nguyên tắc của việc đánh giá cấp độ dịch và đáp ứng theo Bộ Y tế nhằm kiểm soát dịch tại nơi xuất phát là biện pháp mang tính chủ động và hiệu quả hơn, hạn chế áp dụng các biện pháp mang tính bao vây trên phạm vi rộng; mang tính kế thừa, tiếp thu các kinh nghiệm phòng chống dịch trong nước, thế giới và đảm bảo tính ổn định tương đối trong quá trình điều chỉnh các chỉ số trong các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, phù hợp với thực tế tình hình dịch; biện pháp phòng chống dịch mang tính tổng thể bao gồm cả y tế, biện pháp hành chính, kinh tế - xã hội; cả điều trị và dự phòng theo các cấp độ dịch được quy định tại Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ; kiểm soát nguy cơ sớm nhất, gọn nhất ở quy mô cấp xã nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả; phát hiện sớm sự bất thường để xử lý đúng, trúng, hiệu quả. Phát huy tính chủ động của chính quyền địa phương, tránh tư tưởng buông tay, giao phó cho y tế.