Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985, cung cấp miễn phí các loại vacxin cơ bản cho trẻ dưới 1 tuổi để phòng 6 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi). Đến năm 2014, chương trình tiêm chủng mở rộng đưa vacxin thứ 12 vào tiêm chủng trên toàn quốc.
Theo TS Nguyễn Văn Cường, Dự án tiêm chủng mở rộng, Việt Nam thuộc nhóm có tỉ lệ tiêm chủng cao trên thế giới. Theo báo cáo đánh giá công tác tiêm chủng mở rộng năm 2015 của các tổ chức quốc tế như WHO, UNICEF, PATH..., ở nước ta, tỉ lệ tiêm chủng của 10/12 loại vacxin đạt trên 90%, riêng tỉ lệ tiêm vacxin Viêm gan B tiêm trong vòng 24h sau sinh cũng đạt 56,3% (nằm trong nhóm nước có tỉ lệ tiêm chủng cao hiện nay).
Năm 2014, sau khi dịch sởi bùng nổ, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm vacxin sởi-rubella cho nhóm tuổi từ 1-14 tuổi trên toàn quốc. Từ tháng 9/2014 đến tháng 6/2015, gần 20 triệu trẻ được tiêm chủng vacxin sởi-rubella, (đạt tỉ lệ 98,2%), trong đó, 99% số xã, phường đạt tỉ lệ trên 95%. Đến tháng 6/2016, dự kiến, Bộ Y tế sẽ hoàn tất tiêm chủng viêm gan B cho trẻ em từ 16-17 tuổi trên toàn quốc.
Việt Nam tuyên bố thanh toán bệnh bại liệt polio từ năm 2000 (bắt đầu từ năm 1997 đã không có trường hợp nào mắc bệnh. Đến năm 2005, Việt Nam tuyên bố loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, và liên tục trong 10 năm, tỉ lệ số ca mắc bệnh uốn ván sơ sinh hằng năm ở các huyện thấp hơn 0,1%. So với năm 1984, tỉ lệ mắc bệnh bạch hầu giảm 410 lần, ho gà giảm 281 lần, sởi giảm 502 lần (số liệu thống kê năm 2015).
“Trong vòng 20 năm (1990 – 2010), chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần giảm 15% số tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Đây là một thành tựu đáng được ghi nhận của ngành y tế. Chúng tôi cũng đang nỗ lực hết sức mình để nâng cao hơn nữa tỉ lệ tiêm chủng mở rộng trong toàn dân”, ông Cường cho biết.