Tịch thu phương tiện vi phạm: Mất xe hay để mất mạng?

Mới đây Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã đề xuất Chính phủ cho phép nâng mức xử phạt vi phạm giao thông, trong đó nặng nhất là tịch thu phương tiện. Đề xuất này đang gây những tranh luận trái chiều trong cả người dân và giới chuyên môn.

Những năm gần đây, con số tai nạn giao thông khiến cho bao người cảm thấy kinh hoàng, day dứt. Có lẽ vì vậy mà mới đây Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã đề xuất Chính phủ cho phép nâng mức xử phạt vi phạm giao thông, trong đó nặng nhất là tịch thu phương tiện.

Trong khi nhiều ý kiến ủng hộ phương án này thì cũng không ít người cho rằng, bản đề xuất này thiếu căn cứ và không hợp lòng dân. Những phân tích, mổ xẻ của các chuyên gia giao thông, pháp lý cho thấy, có lẽ, bản đề xuất cũng nên cân nhắc kỹ trước khi được thực thi...

Tịch thu phương tiện vi phạm: Bài toán mất xe hay... mất mạng - Ảnh 1

Theo đề xuất xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị tịch thu.

 Uống rượu bia, đi vào đường cấm, chở quá tải sẽ bị tịch thu phương tiện

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (ATGTQG) vừa kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm tịch thu mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc hoặc người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn cao và chở quá tải.

Cụ thể, đối với người điều khiển ô tô, mức phạt nặng nhất là tước quyền sử dụng Giấy phép 24 tháng và tịch thu phương tiện, nếu trong máu có nồng độ cồn trên 80 mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở, đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe (GPLX).

Tương tự, với người điều khiển xe máy, nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức trên, người điều khiển sẽ bị tước giấy phép lái xe 2 năm và tịch thu phương tiện. Ủy ban ATGTQG cũng kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện nếu lưu thông vào đường cao tốc.

Bên cạnh đó, với hành vi chở hàng vượt tải trên 150%, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt 25 triệu đồng và tước GPLX 12 tháng, phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại GPLX.

Nếu chủ phương tiện có hành vi giao hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe vi phạm thì có hai khả năng tương ứng với chủ phương tiện là cá nhân hoặc tổ chức: Phạt 40 hoặc 80 triệu đồng; tịch thu phương tiện nếu không nộp phạt.

Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện tịch thu xe vi phạm

Ở Scotland, quy định tịch thu xe khi tài xế có nồng độ cồn trong máu được áp dụng từ năm 2009. Việc thu giữ phương tiện tại nước này được áp dụng khi lái xe vi phạm nhiều lần; hoặc vi phạm lần đầu nhưng có nồng độ cồn vượt mức cho phép gấp 3 lần trở lên và các lái xe không chịu kiểm tra nồng độ cồn.

Tại Mỹ, việc tịch thu xe trong trường hợp tài xế say xỉn được thực hiện tại một số bang như California, Wisconsin.

Italya cũng là nước có quy định tịch thu xe trong trường hợp lái xe có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

Ở New Zealand, nếu người điều khiển phương tiện phạm những lỗi nghiêm trọng chẳng hạn như không tuân thủ lệnh dừng xe của cảnh sát, phương tiện có thể bị tịch thu.

Tại đất nước mặt trời mọc Nhật Bản, nếu lái xe uống rượu, lực lượng chức năng có thể phạt lái xe tới 5 năm tù, người cho mượn xe cũng bị phạt tương đương, thậm chí người cung cấp rượu cho lái xe say xỉn kia bị phạt tới 3 năm tù.

Uống 1/4 chai bia nguy cơ mất cả gia tài

Trao đổi với PV, TS. BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam): "Tôi tính toán, theo đề xuất của Ủy ban ATGTQG, người lái xe có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu sẽ bị tịch thu phương tiện thì chỉ cần uống 74,67 ml bia 7,5 độ là đã vi phạm rồi.

Cũng theo đó, một người trưởng thành tham gia giao thông, chỉ uống 14,36 ml rượu trắng (39 độ) sẽ bị tịch thu phương tiện. Chính vì vậy, tôi cho rằng, đề xuất này sẽ vấp phải những phản ứng mạnh từ phía dư luận. Bởi xe máy, ô tô không chỉ là phương tiện đi lại mà đối với nhiều người còn là phương tiện mưu sinh kiếm sống. Để hạn chế được tai nạn giao thông, các nhà quản lý cần phải nghiên cứu, xem xét trên nhiều góc độ, phương diện chứ không chỉ đưa ra những đề xuất “trên trời”..".

Ông Ngô Văn Tuân, chủ gara ô tô Thuận Hòa Sài Gòn ở phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Đề xuất tịch thu phương tiện giao thông đối với người tham gia giao thông có nồng độ cồn thấp rất bất hợp lý và gây khó khăn cho người dân. Theo đề xuất, người uống chưa đến một chai bia tham gia giao thông sẽ bị tịch thu xe thì nặng quá. Bởi xe máy, ô tô vừa là phương tiện, vừa là tài sản của người dân. Họ phải tiết kiệm nhiều năm mới dành dụm mua được, uống có một ít mà bị tịch thu thì vô lý quá, cả đống tài sản chứ có ít đâu.

Bên cạnh đó, văn hóa của người Việt rất nặng tình cảm, chẳng lẽ người thân, bạn bè mượn lại không cho, đến khi bị tịch thu xe sẽ giải quyết thế nào? Nhà chị gái tôi ở quê, có mỗi cái xe Wave chở rau quả bán ở chợ xa nhà, nếu con cái, anh em mượn lại không cho, mà cho mượn có trót vui, uống một cốc bia mà bị tịch thu xe thì lấy đâu xe làm phương tiện mưu sinh nuôi cả gia đình. Cần phải xem xét cẩn thận đề xuất trên, nếu không cẩn thận tai nạn chưa thấy giảm mà người dân đã bị thiệt hại”.

Theo Theo doisongphapluat.com
MỚI - NÓNG