Ra rạp Việt Nam cuối tuần qua, The Theory of everything với tựa Việt Thuyết vạn vật có phần thiên về cảm xúc hơn là kiến thức thuần túy khoa học khô cứng. Đạo diễn James Marsh chuyển thể phim từ cuốn sách của Jane Wilde-vợ đầu tiên của Stephen Hawking - Hành trình vô hạn: Cuộc đời tôi với Stephen. Với thế mạnh tài liệu, từng đoạt Oscar, đạo diễn mang đến cho bộ phim chất tài liệu ấn tượng. Nhiều trường đoạn được quay bằng phim super8, màu sắc đẹp, thơ đậm chất Anh.
Phim tiểu sử nhìn chung, Thuyết vạn vật nói riêng không thể lấy yếu tố bất ngờ để dụ người xem. Ở đây, đạo diễn kể câu chuyện cuộc đời của Stephen Hawking dưới hai câu chuyện nhỏ hơn, đan xen tình yêu và sự say mê khoa học.
Phim bắt đầu với bối cảnh Cambridge năm 1960 khi Stephen Hawking bắt đầu học tiến sỹ vũ trụ học, yêu Jane Wilde từ cái nhìn đầu tiên. Ít lâu sau, chàng trai này phát bệnh teo cơ bên liên quan thần kinh vận động, nhưng tình yêu mãnh liệt của cô sinh viên nghệ thuật Jane Wilde đồng hành, vực dậy một chàng trai tuyệt vọng bệnh tật.
Stephen chỉ tin vào khoa học cho rằng thượng đế không tạo nên vũ trụ. Jane là cô gái có đức tin mãnh liệt vào Chúa. Hai cá tính trái ngược bị hút với nhau. Tình yêu lãng mạn của đôi trẻ chỉ lướt qua màn hình trong vài phút, với cảnh hẹn hò và những cuộc đối đáp thú vị. Jane có ý hỏi Stephen, hẳn lâu rồi không đi nhà thờ. “Ngày xửa ngày xưa”, người đàn ông tôn thờ khoa học này trả lời. Phần lớn thời lượng phim còn lại, thứ tình yêu thuở ban đầu chuyển hóa thành nội lực không tưởng nâng đỡ cả Jane lẫn Stephen vượt qua thách thức, đôi lúc gây cảm giác nặng nề khi cảm xúc bị kìm nén.
Thuyết vạn vật được Stephen Hawking công bố khi học tiến sỹ, ngày càng được mở rộng và củng cố trong suốt mấy chục năm sau sự nghiệp. Năm ngoái, Interstellar (Hố đen vũ trụ) nhắc đến khá nhiều lý thuyết lỗ đen và hố sâu đục của Stephen Hawking. Nay những điều này nhẹ nhàng đi vào tâm trí người xem hơn, trong đó vài đoạn nhắc lại cuốn sách nổi tiếng của ông Lược sử thời gian bán hết hơn 25 triệu bản. Giữa những kiến thức vật lý lượng tử khó nhằn, khán giả được đắm chìm vào thế giới đầy ắp tình yêu thương không mệt mỏi của Jane dành cho chồng con, mặt khác là tình yêu vô hạn của người đàn ông phi thường đối với sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
Thuyết vạn vật nhận 5 đề cử Oscar, thắng một giải cho Eddie Redmayne (Hawking). Một trong những lí do bạn nên xem phim là diễn xuất của cặp diễn viên nam-nữ chính. Trong một mùa quá nhiều vai ấn tượng như Michael Keaton (Người chim), Benedict Cumberbatch (Trò chơi giải mã), thì Eddie Redmayne vẫn hoàn toàn thuyết phục cả nghìn thành viên Viện Hàn lâm lẫn khán giả.
Bỏ ra nhiều tháng nghiên cứu về Hawking, đọc tài liệu về ông, những công trình nghiên cứu và giảm cân rất nhiều, Eddie thành công khi có được thân hình tiều tụy. Chụp ảnh cùng Hawking, trông Eddie cứ như Hawking hồi trẻ. Từ một diễn viên kịch, Eddie lột xác trong vai nhà vật lý khuyết tật thể xác nhưng trí tuệ phi thường, khá bướng bỉnh nhưng đôi khi rất hài hước. Sự hóa thân này được đền đáp xứng đáng, không chỉ với giải Oscar Nam chính, mà chính Stephen Hawking xem xong phim đã khóc, thừa nhận “đôi chỗ thấy như chính tôi trên màn ảnh”.
Bạn diễn của anh, Felicity Jones không kém cạnh. Một cô gái tưởng mong manh lại tiềm tàng nghị lực, vượt qua mọi lời ngăn cản để kết hôn với Stephen, một mình gánh vác gia đình, chăm lo ba đứa con và ông chồng không thể đỡ đần gì. Felicity hóa thân vào Jane không cần lên gân, kể cả ở những trường đoạn gánh nặng yêu thương và gia đình gần như rút kiệt sức lực.
Điều chưa thỏa mãn là cảm giác thận trọng hơi quá mức của Thuyết vạn vật. Cảnh chia tay của cặp vợ chồng này được xử lý khá gấp gáp, đột ngột. Có vẻ các nhà làm phim có vẻ sợ mất lòng nhà Hawking, nên chuyện ngoại tình của Jane với Jonathan, giữa Hawking với cô y tá Elaine khá bị né tránh. Kể cả kết phim chưa thuyết phục cho lắm. Dẫu không thể hoàn hảo, Thuyết vạn vật vẫn cho ta nhiều bài học về tình yêu, nghị lực sống: Dù điều tồi tệ có thể xảy ra, nhưng luôn có gì đó cho bạn làm và thành công. Có sự sống là có hy vọng.