Có lẽ câu trả lời đơn giản và chính xác nhất là: Người muốn chống tắc đường không phải là người đồng ý cho xây cao ốc, hoặc người muốn xây/cho xây cao ốc không thực sự quan tâm đến việc chống tắc đường, cho dù ông ta hoặc bà ta từng nói thế.
Đề nghị di dời ga Hà Nội và tiếp theo đó là đề xuất xây cao ốc ở khu vực này khiến người ta không thể không nghĩ về “thuyết âm mưu” của một nhóm lợi ích nào đó. Nhưng cần phải nhìn thẳng vào sự thật rằng lợi ích nhóm thời nào chẳng có, vấn đề là kiểm soát chúng như thế nào để có lợi nhiều nhất cho xã hội mà thôi. Công việc của các nhà đầu tư, các nhà tài phiệt là kiếm tìm các cơ hội làm sinh sôi nảy nở đồng vốn. Đừng ngồi đó mà hy vọng vào lương tâm của các nhà tài phiệt và việc cân bằng lợi ích là của chính quyền.
Qua sự việc này, có thể thấy rất rõ rằng khu vực ga Hà Nội ngay giữa trung tâm Thủ đô là “vàng” trong mắt các nhà đầu tư bất động sản. Đề xuất xây cao ốc, dù đi ngược lại quy hoạch đang có hiệu lực, dù đi ngược lại chủ trương bảo tồn một Hà Nội cổ kính, thấp tầng ở khu Ba Đình-Hoàn Kiếm, dù gây lo ngại về chuyện ắc tắc giao thông, vẫn được đưa ra.
Và do là một đề xuất phá vỡ quy hoạch, cơ quan chức năng của Hà Nội nay đã “chuyền bóng” lên cấp cao hơn là Chính phủ. Có lẽ, việc cần làm trước tiên là lắng nghe ý kiến của các bên. Kể cả những đề xuất đi ngược lại chủ trương chung. Nhưng điều quan trọng là cơ quan chức năng của Hà Nội phải thuyết phục người dân và Thủ tướng Chính phủ qua việc giải đáp những vấn đề được nêu ra. Quy hoạch lại khu ga Hà Nội có thể cần thiết, nhưng xây dựng các trung tâm tài chính, thương mại, khu nghỉ dưỡng đô thị ở đây có đúng đắn và hợp lý hay không? Hay chỉ là một chiêu thức để biến đất vàng thành cơ hội kinh doanh, còn những vấn đề đô thị phát sinh thì cả làng cùng chịu? Những câu hỏi này không hề dễ trả lời, nếu soi chiếu vào những công trình, những khu đô thị phá vỡ quy hoạch tại Hà Nội và các vấn nạn về phát triển đô thị mà thành phố đang phải đối mặt hằng ngày.