Thủy tổ nghề trồng rau Đà Lạt là ai?

TP - Những người con Thủ đô đã gồng gánh không chỉ cây giống mà cả kinh nghiệm lâu đời của dòng họ lên cao nguyên Đà Lạt để khai sinh nghề trồng rau, góp công sức biến rừng núi hoang vu thành vùng chuyên canh rau nổi tiếng nhất nước. 
Thủy tổ nghề trồng rau Đà Lạt là ai? ảnh 1

Cụ Xiêm chăm sóc cây

Gần 80 tuổi nhưng cụ Vũ Hữu Xiêm (trú tại số 90, tổ 1, khu phố Hà Đông, phường 8, TP Đà Lạt) vẫn khỏe và hoạt bát lắm. Cụ bảo 5 đứa con của mình đều ăn học đến nơi đến chốn, làm việc ở các ngành ngân hàng, du lịch và viện nghiên cứu…, chẳng đứa nào làm nông, do đó hai vợ chồng già tiếp tục chăm vườn rau, vừa có đồng vô đồng ra vừa đỡ buồn tay buồn chân. Thửa đất 5 sào này là cần câu cơm của gia đình, tạo nguồn thực phẩm để tiếp tế cho bộ đội và lưu dấu bao kỷ niệm buồn vui thuở đi mở đất.

Lập làng sản xuất rau đầu tiên ở Đà Lạt

Ngay sau khi bác sĩ A.Yersin phát hiện ra Đà Lạt (vùng khí hậu ôn đới hiếm hoi giữa xứ sở nhiệt đới), Pháp đã cho trồng thử nghiệm một số loại rau, hoa và cây trái với kết quả rất khả quan. Quan tứ phẩm Trần Văn Lý - quản đạo đầu tiên của Đà Lạt đã đề nghị Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu và một vài viên chức có thế lực can thiệp với chính phủ nhằm tổ chức cuộc di dân từ miền Bắc vào để phát triển nghề trồng rau. 

Nhiều vườn rau bậc thang hay vườn treo dâu tây của Đà Lạt đẹp như tranh vẽ. Du khách tìm đến tận nơi để thỏa thích ngắm, chụp ảnh lưu niệm hoặc thưởng thức rau, quả sạch tại vườn. 

Cụ Xiêm kể: Năm 1938, tốp đầu tiên gồm mười mấy người từ Quảng Bá, Tây Tựu và Nghi Tàm, trong đó có ông bà nội tôi đi xe lửa vào Tháp Chàm, sau đó gồng gánh hành lý lội suối, trèo đèo hơn trăm cây số mới lên tới Đà Lạt; bờ vai, tay chân trầy xước, bật máu. Năm sau, tốp thứ hai từ các làng Ngọc Hà, Xuân Tảo và Vạn Phúc tiếp tục di cư vào Đà Lạt, nhưng lần này may mắn đã có tàu lửa đưa đến tận nơi. 

Năm ấy tôi mới lên 4, thuộc dòng họ thưa con, hiếm cháu. Ông nội không đồng ý cho bố mẹ mang tôi vào Đà Lạt, lúc bấy giờ còn là chốn rừng thiêng nước độc. Bố xin phép được bế tôi ra ga và hứa sẽ nhờ những người đi tiễn mang cháu trở về nhà cho ông. Thế nhưng vì tình thân quyến luyến, bố bế tôi lên tàu đi luôn. Ông gửi thư vào mắng té tát. Bố tôi phải năm lần bảy lượt viết thư xin lỗi, ông mới nguôi giận.
Khi đến Đà Lạt, 35 người tụ cư quanh con suối nhỏ, khai khẩn đất hoang hình thành làng rau đầu tiên ở Đà Lạt. Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng thống nhất đặt tên làng là Hà Đông để con cháu mai sau nhớ về cội nguồn, gốc gác, nơi cắt rốn chôn rau.

Thủy tổ nghề trồng rau Đà Lạt là ai? ảnh 2 Tham quan vườn dâu tây

Gồng gánh cây giống lên cao nguyên

- Ngày ấy các hộ được cung cấp những loại cây gì để trồng trên vùng đất mới, thưa cụ?

- Nào có ai cho giống má gì đâu. Tất cả củ và hạt giống đều do các hộ mang từ quê vào. Đầu tiên chỉ trồng cải, xà lách và su hào; dần dà thêm đậu, hành, măng tây, khoai tây, bắp cải, súp lơ, a-ti-sô… Đặc biệt, loại dâu tây giống Pháp mà cụ Nguyễn Phượng Đoan mang từ làng Quảng Bá vào rất thích hợp với vùng đất mới, thực khách người Pháp ưa chuộng lắm.

- Có bao giờ gia đình mình hối hận về quyết định ly hương?

- Hối hận thì không vì khí hậu Đà Lạt mát mẻ, trong lành, đất đai màu mỡ, trong khi ngoài Bắc khổ lắm, sưu cao thuế nặng, lại phải đi tuần đi tráng. Tuy nhiên có những chuyện suốt đời chẳng thể quên. Thuở ấy, ven làng là rừng rậm, cọp beo, rắn rết nhiều lắm, do đó mặt trời vừa khuất núi là không ai dám ra đường. Nhiều gia đình túm tụm với nhau, cùng đốt lửa, đánh kẻng, khua xoong ầm ĩ để xua thú dữ, một số người làm nỏ để bắn thú. 

Nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 7 - 8 độ, được 10 độ là tốt lắm. Nhiều nhà không có chăn, mền, phải dùng bao tải, bao đay để đắp; cắt cỏ phơi khô dồn vô bao, trải xuống đất làm nệm; đan áo lá khoác lên người để chống rét. Sau khi tưới vài gánh nước phải dừng lại, đốt lửa hai bên đầu bờ để hơ tay vì trời lạnh quá, tay chân cóng hết. Sương muối dầy lắm, gây hại còn hơn cả tuyết. Mới đầu thấy sương muối phủ lên rau, hoa, bà con mình sợ quá gánh nước tưới ngay. Hậu quả là cây bị luộc chín nhũn hết. Dần dà, bà con rút kinh nghiệm đợi đến khi mặt trời mọc thì cùng nhau gánh nước tưới cho muối tan đi hết. Cực lắm, đi khai thiên lập địa mà!

Nghề trồng rau ở làng Hà Đông đã cha truyền con nối đến thế hệ thứ ba. Hiện làng có nhiều lão nông giàu kinh nghiệm trong nghề trồng rau và nhiều tỉ phú vốn là những nông dân chân lấm tay bùn.

Sau 4 năm, làng Hà Đông đã khai khẩn được 12ha, sản xuất 120 tấn rau các loại. Các hộ di cư vào Đà Lạt đều thuộc những dòng họ có kinh nghiệm làm nông lâu đời; đất cao nguyên lại tốt, ít sâu bệnh, chỉ cần một lượng nhỏ phân bón mà rau vẫn tươi tốt, năng suất cao gấp rưỡi, gấp đôi quê cũ. Cây giống và công chăm sóc chỉ khoảng vài xu nhưng sản phẩm thu hoạch trị giá gần cả hào. Nghề trồng rau phát đạt nên nhiều hộ trở ra miền Bắc rủ thêm người thân hoặc chiêu mộ nhân công vào Đà Lạt. 

Tiếng lành đồn xa, người dân nhiều tỉnh khác như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế… tiếp bước di cư vào Đà Lạt, hình thành các vùng nông nghiệp trù phú như Đông Tĩnh, Nghệ Tĩnh, Đa Thành, Đa Cát, Vạn Thành, Ánh Sáng, Thái Phiên… đưa Đà Lạt thành vùng chuyên canh rau lớn nhất nước. Hiện diện tích rau của TP Đà Lạt và vùng phụ cận đã lên đến hơn 51.700 ha với sản lượng 1,7 triệu tấn mỗi năm, cung cấp hơn 70 chủng loại rau, củ, quả cho hầu khắp các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu. Trong đó, diện tích canh tác theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao khoảng 11.800ha với doanh thu mỗi héc ta hơn 400 triệu đồng mỗi năm, gấp đôi so với bình quân chung của cả nước.

Thủy tổ nghề trồng rau Đà Lạt là ai? ảnh 3 Thu hoạch rau
Hy sinh xương máu cho quê hương thứ hai

Khi chúng tôi thắc mắc về diện tích đất khiêm tốn và gia cảnh không mấy khá giả của cụ Xiêm, lãnh đạo địa phương cho biết mấy đời nhà cụ tham gia cách mạng, phần lớn tiền của được dùng để nuôi quân. Làng Hà Đông có hai liệt sĩ thì cả hai đều là người thân của cụ Xiêm: Bà Vũ Thị Sông là bà cô ruột và ông Vũ Hữu Hốt là bố của cụ. Cụ Xiêm kể: “Bố tôi hy sinh năm 1945 khi đánh nhau với phát xít Nhật để giành chính quyền tại Đà Lạt. Thời Pháp thuộc, khi đang hoạt động bí mật ở nội thành Đà Lạt, bà cô tôi bị chỉ điểm. Địch bắt và tra tấn rất dã man (dùng kim châm vào bầu vú; đổ nước xà phòng vào miệng rồi leo lên bụng đạp cho ọc ra…) nhưng bà vẫn không khai. Bà được thả về trong tình trạng tay chân lạnh như đá, vui cũng ngất mà buồn cũng ngất. Đến thời Mỹ-Diệm, bà lại bị bắt, tra tấn và đã hy sinh năm 1960. 

Nội tôi là ông Vũ Hữu Huệ cũng tham gia đánh địch, trong đó có trận đánh lớn ở Nhà đèn, bà nội thì làm nội ứng, tiếp tế. Bà có đầu óc kinh doanh, là nhà buôn đầu tiên ở Đà Lạt sắm xe hơi (năm 1949). Ngày đó, mỗi chuyến vận chuyển hàng hóa ra khỏi Đà Lạt đều phải xin giấy phép; mỗi đoàn xe chở hàng đều có cảnh sát áp tải. Vậy mà bà vẫn lừa được bọn chúng, lén đưa cả xe gạo, rau, quả vào rừng cho quân ta. Bà còn tiếp tế đến tận Sài Gòn, chiến khu Hố Bò (Củ Chi)… Mẹ tôi cũng nhiều lần vô cứ, còn tôi thì tham gia biểu tình, canh gác, cảnh giới cho bộ đội.

Vinh hạnh và bất ngờ nhất là vào năm 1946, khi dự Hội nghị Đà Lạt (gặp gỡ giữa 2 phái đoàn Việt và Pháp chuẩn bị cho Hội nghị Fontainebleau chính thức tại Pháp), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến tận nhà thăm ông nội tôi và ra viếng khu mộ của 42 liệt sĩ, trong đó có mộ bố tôi”. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.