“Khu vườn của chúng tôi đảm bảo các yêu cầu về nước - đất - không khí để trồng rau hữu cơ. Xa khu dân cư và một phía tiếp giáp với rừng nên không khí trong lành; nước tưới được dẫn về từ mạch nước trên núi nên khá sạch.
Thửa đất này vốn được sử dụng trồng rau vô cơ nên chúng tôi phải cải tạo, xử lý rất kỹ bằng cách rải dolomite, nhồi một lượng đáng kể men và hỗn hợp bánh dầu, vỏ đậu phộng, vỏ cà phê… vào đất để tạo độ phì, cải thiện hệ vi sinh vật có lợi”, anh Liêm nói.
Suốt quá trình sản xuất, không sử dụng bất cứ chất hóa học nào (thuốc diệt cỏ, thuốc diệt côn trùng, phân bón, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật...) mà để cây rau phát triển dựa trên đa dạng sinh học: Cho cỏ mọc tự nhiên trong vườn rau (chỉ nhổ một ít quanh gốc rau và hạn chế chiều cao của cỏ) để chia sẻ bớt sự phá hoại của sâu bọ.
Với các đối tượng rất khó trừ như bọ nhảy thì dùng loài cây khác để đánh lừa, chẳng hạn trồng xen vào giữa luống súp lơ một vệt cải thảo để bọ phá cải thảo, còn súp lơ phát triển tươi tốt. “Mặc dù cỏ dại cạnh tranh phần nào chất dinh dưỡng của cây trồng nhưng bù lại chúng giúp giữ ẩm, đề kháng tốt với nấm bệnh”, anh Liêm giải thích thêm.
Gần một năm qua, nhóm cử nhân đã sản xuất được nhiều loại rau, củ, quả theo hướng hữu cơ và được tiêu thụ tại TPHCM và một số tỉnh. Sản phẩm sạch, tươi, ngon và an toàn cho sức khỏe nên rất được ưa chuộng (nhất là khách hàng Nhật), cung không đủ cầu dẫu giá cao gấp 2 - 3 lần rau vô cơ.