Thủy điện trăm tỷ, nghìn tỷ không phép: Chính quyền Lào Cai buông lỏng quản lý

Thủy điện Tà Thàng - Vietracimex trị giá gần 3.000 tỷ xây dựng không phép ở Lào Cai.
Thủy điện Tà Thàng - Vietracimex trị giá gần 3.000 tỷ xây dựng không phép ở Lào Cai.
TPO - Trước việc Báo Tiền Phong phản ánh ở Lào Cai xuất hiện hàng loạt nhà máy thuỷ điện nghìn tỷ, trăm tỷ nhưng không phép, điển hình như: Thủy điện Tà Thàng - Vietracimex trị giá gần 3.000 tỷ, thuỷ điện Bản Hồ (Cty cổ phần công nghiệp Việt Long) trị giá gần 400 tỷ... Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh cho rằng, đó là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, là hành vi doanh nghiệp trốn thuế, kinh doanh trái phép.

Hiện ở các tỉnh Tây Bắc, thuỷ điện mọc tràn lan, bạt núi, ngăn sông, phá rừng đầu nguồn gây các hiện tượng thời tiết cực đoan lũ quét, sạt lở đất. Điển hình ở Lào Cai, Thủy điện Tà Thàng - Vietracimex trị giá gần 3.000 tỷ đồng, thuỷ điện Bản Hồ trị giá gần 400 tỷ đồng… Xây dựng khi chưa được tỉnh giao đất; công trình không thực hiện kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình theo quy định, không có giấy phép xây dựng... nhưng vẫn hoà vào mạng lưới điện quốc gia. Đại biểu có suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

Để xảy ra hiện tượng như vậy là chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, rồi có sự luồn lách, lợi dụng để vi phạm pháp luật của doanh nghiệp. Nhà máy thuỷ điện xây dựng, sản xuất không phép mà lại được đấu nối với hệ thống điện quốc gia như vậy, một là có thể trốn thuế, hai là sản xuất kinh doanh trái phép, vi phạm pháp luật. Đó là chưa nói đến hệ lụy về môi trường, liên quan đến đất đai, rừng…

Thủy điện trăm tỷ, nghìn tỷ không phép: Chính quyền Lào Cai buông lỏng quản lý ảnh 1 Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh.

Lĩnh vực thủy điện đã có sơ đồ quy hoạch rồi, kể cả thủy điện nhỏ cũng phải đưa vào quy hoạch để quản lý. Với những máy phát mi ni nhỏ lẻ thì không nói, nhưng với một dự án thủy điện mà đấu nối với đường điện quốc gia thì bắt buộc phải đưa vào quy hoạch, tránh tình trạng giống điện mặt trời vừa qua.

Hiện một số địa phương đang có chủ trương thay đổi cơ cấu điện. Một số hộ đầu tư, lắp máy năng lượng mặt trời trên mái nhà. Chúng ta cần huy động nguồn lực ấy, nhưng phải có quy hoạch, kế hoạch và phải quản lý về môi trường, thuế cũng như sự an toàn và các điều kiện khác.

Thủy điện trăm tỷ, nghìn tỷ không phép: Chính quyền Lào Cai buông lỏng quản lý ảnh 2 Thuỷ Điện Sử Pán 1 (Cty Cổ phần Công nghiệp Việt Long) xả lũ không thông báo cuốn trôi nhà cửa, cầu dân sinh của người dân. 

Gần đây, dư luận bức xúc khi hàng loạt nhà máy thuỷ điện xả lũ cuốn trôi cầu dân sinh, nhà cửa khiến cuộc sống bà con hạ lưu bị đảo lộn. Mới đây ở Sa Pa, Thuỷ Điện Sử Pán 1 (Cty Cổ phần Công nghiệp Việt Long) xả lũ không thông báo cuốn trôi nhà cửa, cầu dân sinh của người dân. Nhưng chủ đầu tư này hiện vẫn tiếp tục xây dụng nhà máy thuỷ điện Bản Hồ không phép, xây dựng công khai ở Lào Cai. Vậy đại biểu có ý kiến gì về vấn đề này?

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng lũ quét, lũ ống là có tác động từ hệ thống thủy điện, dù ít dù nhiều. Kể cả đã đánh giá tác động, nhưng cũng không thể lường hết được những tác động. Thiên tai bây giờ khắc nghiệt hơn ngày xưa về cường độ và thời gian.

Mà làm thủy điện thì bắt buộc phải đắp đập ngăn dòng. Cho nên dù ít dù nhiều, đập quy mô lớn bé gì đi chăng nữa nó cũng làm mất quy luật chảy tự nhiên. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy, gây ra sạt lở, thậm chí gây ra tình trạng thiếu nước ở dưới hạ nguồn.

Rồi nhà máy thuỷ điện phải chặt cây, đắp đập, phải khai thác nguyên vật liệu, rồi phải dẫn đường dây… Tất cả những vấn đề đó sẽ vi phạm về quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng quốc gia.

Thủy điện trăm tỷ, nghìn tỷ không phép: Chính quyền Lào Cai buông lỏng quản lý ảnh 3 Nhà máy thuỷ điện Bản Hồ đang được xây dựng không phép có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát quy hoạch hệ thống thủy điện trên toàn quốc. Dừng cấp phép đầu tư các công trình thủy điện nhỏ có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhưng Lào Cai vẫn nhà máy thuỷ điện không phép vẫn mọc tràn lan, theo đại biểu đây có phải là do sự quản lý lỏng lẻo của Bộ Công thương và lãnh đạo tỉnh?

Rõ ràng ở đây là có trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nhưng vấn đề ở đây là công tác kiểm soát, giám sát như thế nào. Ở đó, chúng ta đều có hệ thống chính trị, có cơ quan quản lý nhà nước như công an, quân đội, biên phòng, cơ quan dân cử… Nhưng có thể họ không thực thi hết trách nhiệm để ngăn chặn, kiến nghị xử lý kịp thời, thứ hai họ làm ngơ, thứ ba là tiếp tay cho các vi phạm.  

Vậy còn việc xử lý trách nhiệm để ngăn ngừa các sai phạm thì sao, thưa ông?

Lâu nay chúng ta thường xử lý bằng việc “rút kinh nghiệm”, nên có chuyện nhờn luật. Nhìn lại một số vụ việc vừa qua thì thấy rõ, việc xử lý thường dừng lại ở việc “rút kinh nghiệm”. Có thể nói, vấn đề xử lý trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của người Đảng viên chưa tương xứng với hành vi sai phạm. Thiệt hại gây ra rất lớn nhưng lại chỉ phê bình, cảnh cáo, rút kinh nghiệm. Người dân, cử tri băn khoăn, liệu có sự khác biệt trong xử lý về pháp luật đối với các hành vi vi phạm, nhất là đối với cán bộ chưa tương xứng với các hành vi vi phạm.

Cảm ơn ông.

Phóng viên Tiền Phong đã liên hệ với ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai để phỏng vấn về việc hàng loạt nhà máy thuỷ điện nghìn tỷ, trăm tỷ không phép trên địa bàn nhưng ông Phong cho biết hiện “đang đi học không ở Lào Cai”. Dư luận đang chờ câu trả lời của lãnh đạo tỉnh Lào Cai về trách nhiệm của những cán bộ liên quan trong vụ việc, chờ đợi UBND tỉnh Lào cai sẽ đưa ra phương án xử lý đối với nhà máy thủy điện nghìn tỷ, trăm tỷ được xây 'chui' và ngang nhiên hoạt động suốt gần một thập kỷ; và việc tỉnh đang tiếp tục cho xây dựng những nhà máy thuỷ điện không phép tương tự. 

MỚI - NÓNG