Trao đổi với phóng viên, ông Đào A Khởi, Chủ tịch UBND xã Bản Hồ cho biết: Trong hai ngày 10 - 11/7, tại Sa Pa hiện đang có mưa lớn. Sáng 10/7, thủy điện Sử Pán 1 đã phát đi thông báo xả lũ 100 m3/s đến 1000 m3/s (gần bằng ngày 24/6). 10 hộ dân xã Bản Hồ thuộc vùng nguy hiểm đã nhanh chóng phải di chuyển chỗ ở tới nơi an toàn.
Theo ông Khới, trước đó, ngày 9/7, Phòng LĐ-TB&XH huyện Sa Pa đã xuống xã Bản Hồ chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. 10 hộ dân bị thiệt hại nặng được hỗ trợ với tổng số tiền là 260 triệu đồng. Trong đó, 2 hộ được hỗ trợ mỗi hộ 50 triệu đồng. 8 hộ còn lại mỗi hộ được chi trả 20 triệu đồng.
Theo nội dung hỗ trợ thì đây là nguồn tiền xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Theo nội dung chi trả, đây là số tiền do các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lào Cai quyên góp, ủng hộ (gọi là nguồn tiền xã hội hóa). 10 hộ đã ký nhận tiền trong ngày 9/7. Tuy nhiên, khi có thông tin nhà máy thủy điện hỗ trợ, ngày 10/7, người dân Bản Hồ đã đề nghị trả lại tiền hỗ trợ.
Người dân yêu cầu đại diện nhà máy thủy điện về làm việc trực tiếp, thỏa thuận đền bù theo quy định nhưng không được chấp nhận nên đêm 11 rạng sáng 12/7, hàng trăm người dân hàng trăm người dân ở Bản Hồ (Sa Pa) đã đội mưa, dựng lều bạt ở khu vực nhà máy Thuỷ điện Sử Pán 1 phản đối việc xả lũ.
Thủy điện không trực tiếp gây lũ (?!)
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện Cty CP Việt Long (chủ sở hữu nhà máy thủy điện Sử Pán 1) cho biết: “Vụ xả lũ trong đêm 24/6 là việc nhà máy thuỷ điện cần làm để chống vỡ đập. Không chỉ mở 4 cửa xã lũ, chúng tôi còn tính mở thêm cửa xả số 5.
Lúc đó, vào 3h sáng nên chúng tôi không thể kịp thông báo với người dân cũng như chính quyền. Nhưng chúng tôi không trực tiếp gây lũ, nếu không xả mưa bà con vẫn bị lũ”.
Nói về việc khắc phục hậu quả vụ xả lũ ngày 24/6, vị này khẳng định: “Chúng tôi chỉ quyên góp ủng hộ bà con theo sự kêu gọi của lãnh đạo tỉnh và UBND huyện. Còn đền bù và khắc phục hậu quả, chúng tôi không phải trực tiếp gây ra lũ”.
Trước đó, như Báo Tiền Phong đưa tin, nguyên nhân gây ra lũ quét kinh hoàng ở Bản Hồ (Sa Pa, Lào Cai), lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Lào Cai cho biết: Ngoài nguyên nhân khách quan do có mưa lớn, địa hình thấp thì thủy điện Sử Pán 1 (thuộc Cty CP Công nghiệp Việt Long) là tác nhân chính gây ra lũ cục bộ tại Bản Hồ.
Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 không tuân thủ quy trình vận hành xả lũ hồ đập, cùng lúc xả lũ 4 cửa khi không hề thông báo với chính quyền hay người dân để chủ động phòng tránh lũ.
Theo người dân ở Bản Hồ (Sa Pa, Lào Cai) nói những người quản lý, vận hành nhà máy thủy điện Sử Pán 1 đã xả lũ bất ngờ trong đêm 24/6 đã coi thường mạng sống của dân khi không thông báo cho ngành chức năng để kịp thời thông báo cho người dân vùng hạ lưu.
Theo nguồn tin của báo Tiền Phong, thủy điện Sử Pán 1, việc cấp phép và thi công vướng rất nhiều lùm xùm từ năm 2012. Khi xây dựng, nhà máy tự ý điều chỉnh quy hoạch, di chuyển lòng hồ đến sát bãi đá cổ Sa Pa và nâng độ cao lên thành 953 mét. Việc này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân cũng như ngành VH-TT&DL tỉnh Lào Cai. Sau lùm xùm, dự án nằm bất động, tới tháng 12/2017 mới tái thi công, tiến hành phát điện cuối năm 2018.