TPO - Sau thủy điện Tà Thàng -Vietracimex trị giá gần 3.000 tỷ đồng được xây dựng không phép, ở Lào Cai xuất hiện thêm nhà máy thuỷ điện Bản Hồ đang được xây dựng có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng cũng xảy ra sai phạm tương tự.
Khi tỉnh Lào Cai đang ‘bất lực’ trong việc xử lý sai phạm nhà máy thủy điện Tà Thàng -Vietracimex trị giá gần 3.000 tỷ đồng được xây dựng không phép dù đã hòa vào mạng lưới điện, thì mới đây, nhà máy thuỷ điện Bản Hồ đang được xây dựng có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng cũng xảy ra sai phạm tương tự.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tiền Phong, quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh Lào Cai được Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Hưng ký ngày 7/3/2018: Dự án Thuỷ điện Bản Hồ (chủ đầu tư là Công ty cổ phần công nghiệp Việt Long) được xây dựng ở xã Bản Hồ (Sa Pa, Lào Cai).
Dự án có diện tích sử dụng là 29,7 ha, dự kiến sau khi xây dựng sẽ cung cấp điện hơn 10 MW. Công trình được xây dựng đập tràn là đập bê tông có trọng lực, có cửa van. Đập tràn được chia làm 3 khoang. Dự án có tổng đầu tư là hơn 384 tỷ đồng.
Hiện ở dự án thuỷ điện Bản Hồ, chủ đầu tư đang đào kênh dòng để thi công đập đầu mối. Quá trình xây dựng đã đổ lượng lớn đất đá san lấp suối Mường Hoa gây ô nhiễm nguồn nước suối.
Theo kết luận kiểm tra Dự án thuỷ điện Bản Hồ của UBND huyện Sa Pa, thuỷ điện Bản Hồ được xây dựng khi chưa có kế hoạch bảo vệ môi trường do cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa có giấy phép đăng ký khai thác thu hồi khoáng sản trong phạm vi diện tích đất của dự án; chưa đăng ký chủ nguồn thải nguy hại…
Lãnh đạo UBND huyện Sa Pa đã kiến nghị lên tỉnh Lào Cai về việc Công ty cổ phần Việt Long triển khai Dự án thuỷ điện Bản Hồ khi chưa có đủ các điều kiện pháp lý cần thiết là vi phạm Luật đầu tư, Luật bảo vệ Môi trường, Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước hiện hành.
“Các hành vi trên vượt quá thẩm quyền, UBND huyện Sa Pa đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và môi trường xem xét xử lý”, lãnh đạo UBND huyện Sa Pa nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên lãnh đạo Sở Công thương Lào Cai cho biết: Chủ đầu tư dự án này cũng chính là chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sử Pán 1 vừa gây lũ kinh hoàng vừa qua.
Hiện nhà máy thuỷ điện Bản Hồ cũng đang gặp những vướng mắc như ở nhà máy thủy điện Tà Thàng –Vietracimex.
Chủ đầu tư đã xây dựng nhà máy khi chưa được UBND tỉnh Lào Cai cho thuê đất. Được biết, công tác giải phóng mặt bằng đây đang gặp nhiều vấn đề. Hiện có 50 hộ dân cần giải phóng mặt bằng nhưng chủ đầu tư mới thoả thuận được hơn 20 hộ.
Người dân phản đối việc xây dựng và chưa hợp tác. Còn những sai phạm của thuỷ điện Bản Hồ đang được Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường xử lý.
“Vụ xây dựng khi chưa được tỉnh bàn giao đất của nhà máy Thuỷ điện Bản Hồ tương tự như ở Thuỷ điện Tà Thàng. Theo luật đất đai phải giải phóng mặt bằng mới làm thủ tục thuê đất được. Còn việc chủ đầu tư xây dựng nhà máy khi chưa được tỉnh giao đất, rút kinh nghiệm chúng tôi sẽ không cấp giấy đủ điều kiện an toàn đập để cấp phép hoạt động điện lực”, lãnh đạo Sở Công thương Lào Cai nhấn mạnh.
Trước đó, báo Tiền Phong cũng đã phản ánh việc Nhà máy thủy điện Tà Thàng-Vietracimex được xây dựng khi chưa được tỉnh Lào Cai giao đất; công trình không thực hiện kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình theo quy định... Sau 10 năm, việc xử lý nhà máy vẫn bế tắc dù đã hòa vào mạng lưới điện quốc gia từ năm 2013 với công suất 60MW. Trong 4 năm đầu tiên đi vào hoạt động, thủy điện Tà Thàng đã phát 1.026 triệu KWh, trung bình đạt 256,5 triệu KWh/năm. Doanh thu trung bình đạt 235 tỷ đồng.
Theo kết luận thanh tra, chủ đầu tư chưa nộp đầy các loại thuế, phí vào ngân sách gần 47 tỷ đồng. Theo Cục Thuế tỉnh Lào Cai, tổng số tiền thuế, phí công ty nợ theo kết luận thanh tra là trên 41,2 tỷ đồng (gồm Thuế GTGT trên 26,1 tỷ đồng: thuế Tài nguyên trên 15 tỷ đồng; thuế môi trường rừng gần 6 tỷ đồng). Dư luận đang chờ câu trả lời của lãnh đạo tỉnh Lào Cai về trách nhiệm của những cán bộ liên quan trong vụ việc; đưa ra phương án xử lý đối với nhà máy thủy điện trăm tỷ, nghìn tỷ được xây 'chui' và ngang nhiên hoạt động.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về "tăng cường quản lý, bảo vệ rừng…", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát quy hoạch hệ thống thủy điện trên toàn quốc. Dừng cấp phép đầu tư các công trình thủy điện nhỏ có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên.