Giống với những người đồng cấp Estonia và Lithuania, Ngoại trưởng Latvia - Rinkevics bày tỏ sự háo hức trong việc phê chuẩn đơn đăng ký thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của hai quốc gia Bắc Âu là Phần Lan và Thụy Điển.
Cả 3 ngoại trưởng nói với tờ Financial Times (FT) rằng các quốc gia này sẽ được hưởng lợi từ sức mạnh quân sự của Phần Lan và Thụy Điển, đặc biệt là phi đội máy bay chiến đấu Mỹ của Phần Lan.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Rinkevics cũng bày tỏ hy vọng rằng sẽ có thêm quân đội NATO ở Latvia. "Chúng tôi vẫn yêu cầu sự gia tăng hiện diện của NATO ở khu vực Baltic. Tình hình an ninh hiện nay đòi hỏi phải có kế hoạch mạnh mẽ hơn của liên minh", ông Rinkevics nói.
VIệc Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO có thể biến Biển Baltic thành "Biển NATO", theo Ngoại trưởng Latvia. Trong ảnh, các nước thành viên NATO có màu xanh. Ảnh: The Economist |
Trước đó hồi đầu năm, NATO đã gửi thêm 3.000 binh sĩ từ các quốc gia thành viên châu Âu đến 3 nước Estonia, Latvia và Lithuania (mỗi nước 1.000 binh sĩ). Tuy nhiên, các quốc gia này yêu cầu nhiều hơn, từ 3.000 đến 5.000 binh sĩ, đi kèm với nâng cấp hệ thống phòng không để họ có thể bắn hạ máy bay Nga trong trường hợp có xung đột.
Trước khi chiến sự bùng phát ở Ukraine, các nước Baltic đã tỏ ra lo ngại về việc Nga có thể đưa quân qua Suwalki, khu vực biên giới tương đối ngắn (65km) giữa Ba Lan và Lithuania, nối vùng Kaliningrad (thuộc Nga) với Belarus. Cả ba quốc gia được cho là đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 2,5% GDP, cao hơn so với yêu cầu của NATO là 2%.
Khe hở Suwalki. |
Hôm 12/5, Nga cảnh báo rằng việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ gây ra mối đe dọa về an ninh, buộc Mátxcơva phải phản ứng.
Phần Lan có chung đường biên giới trên đất liền dài 1.340km với Nga. Helsinki từng thừa nhận nước láng giềng không gây ra cho họ mối đe dọa trực tiếp nào. Nhưng việc Phần Lan trở thành thành viên NATO sẽ đưa khối quân sự do Mỹ đứng đầu đến "thềm nhà" Nga.
Sau Phần Lan, Thụy Điển cũng được cho là có kế hoạch nộp đơn xin gia nhập NATO vào tuần tới.