Thủy điện 'chết không chôn được', vì sao?

Cực nhọc thi công thủy điện
Cực nhọc thi công thủy điện
TP - Nhiều doanh nhân cả trong lẫn ngoài ngành rót tiền xây thủy điện để rồi ngồi than khóc vật vã vì lỗ nặng. Trong khi đó việc Bộ Tài chính quyết định điều chỉnh tăng thuế suất Tài nguyên nước đối với thủy điện vừa và nhỏ từ 2% lên 4% càng khiến doanh nghiệp 'lao mình xuống vực thẳm'.

Theo Sở Công Thương Đắk Lắk- tỉnh có nhà máy thủy điện tư nhân đầu tiên bán điện cho nhà nước từ năm 2006- tới tháng 6/2014, toàn tỉnh có 14 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ (TĐVVN) tổng công suất lắp đặt 85 MW đã vận hành, tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, mỗi năm sản xuất được 350 triệu Kwh điện.

Với giá bán điện bình quân 800 đ/Kwh lên lưới quốc gia, 14 nhà máy doanh thu mỗi năm 280 tỷ đồng, nộp 112 tỉ tổng các loại thuế, phí (VAT, thu nhập doanh nghiệp, tài nguyên nước, môi trường rừng), đáp ứng được 1/3 lượng điện tiêu dùng cho toàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong số các nhà máy này, hiện có tới 9/14 nhà máy đang thua lỗ, với khoản nợ ngân hàng ngày càng phình to, chưa có cách nào hãm nổi, vì vay quá nhiều, lãi suất rủi ro biến động không ngừng, mà giá điện bán cho EVN lại rẻ. Nhiều chủ nhà máy TĐVVN không giấu nổi thảm cảnh lỗ nặng, muốn làm thủ tục phá sản mà không được, vì bán nhà máy không ai mua, cũng không ngân hàng nào chịu siết nhà máy trừ nợ .

Ông Hoàng Ðình Tuấn, giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nguyên vay ngân hàng 300 tỷ để đầu tư 3 dự án thủy điện nhỏ tổng vốn 450 tỷ, vận hành lần lượt các năm 2008, 2010, 2011, tiền bán điện không đủ trả lãi ngân hàng nên tới nay chưa trả được đồng nào nợ gốc. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tuấn xác nhận khả năng thu hồi vốn là …không thể, e sẽ “chết không chôn được !”

Không chỉ doanh nhân ngoài ngành rót tiền vào dự án kém hiệu quả nên lỗ nặng, mà cả chuyên gia hăm hở đầu tư vào chính ngành mình được đào tạo, cũng sạt nghiệp.

Điển hình như nhà máy Dray Hlinh 3 thuộc sở hữu gia đình của kỹ sư điện Trương Công Hồng, từng là trưởng phòng Kỹ thuật, rồi trưởng phòng kế hoạch Điện lực Đắk Lắk, sau đó sang làm trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công Thương.

Kỹ sư Hồng cho biết: Tổng giá trị công trình Dray Hlinh 3 theo dự án đã điều chỉnh là 120 tỷ, vay ngân hàng 65 tỷ, từ khi chính thức vận hành tháng 1/2009 tới nay bán được 82 tỷ trước thuế tiền điện, đã trả lãi ngân hàng gần 100 tỷ mà nợ gốc vẫn còn tới hơn 70 tỷ. Giám đốc ngân hàng cho Dray Hlinh 3 vay vốn xác nhận ông Hồng nói đúng, và cho biết chưa có giải pháp nào để hóa giải khoản nợ xấu này.

Tại tỉnh Gia Lai, Ngân hàng Nhà nước từng công bố nhiều dự án TĐVVN phát sinh nợ xấu lên đến hàng trăm tỷ đồng. Ở Lâm Đồng, trong 11 dự án TĐVVN đang phát điện, cũng có 2 nhà máy nợ ngày càng chồng lên nợ là Đa Kai và Đạm Bon.

Trong bối cảnh đó, việc Bộ Tài chính quyết định điều chỉnh tăng thuế suất Tài nguyên nước đối với TĐVVN từ 2% lên 4% nhưng không nhân với giá bán bình quân thực tế nhà sản xuất bán cho ngành điện hiện chỉ có 800đ/kWh (và giá mua điện rất rẻ của TĐVVN này còn đang bị ngành Điện đề nghị giữ nguyên không đổi trong nhiều năm), mà lại nhân với giá thương phẩm ngành điện bán ra cho người tiêu dùng liên tục tăng không ngừng, hiện bình quân trên 1.508đ/kWh đã “đẩy” giá điện thành phẩm lên mức cao khiến các nhà máy rơi vào tình cảnh đã khó lại càng thêm khó.

Trước bất cập này, các chủ đầu tư thủy điện trên cả nước đã nhiều lần phản đối, gửi đơn kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi cách áp thuế trái khoáy, nhưng đều không được chấp thuận.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.