Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ với chủ đề về thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa, hội thảo này là hoạt động thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021.
Ông Võ Văn Thưởng cho rằng nhân dân ta có nền văn hóa đặc sắc được kế thừa, bổ sung phát triển qua nhiều thế hệ, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được phát huy. Nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh để đất nước vượt qua muôn vàn thử thách, gian nan, tiến lên theo dòng chảy của lịch sử.
Ông Võ Văn Thưởng phát biểu tại phiên toàn thể chiều 17/12. Ảnh: NGUYỄN THẮNG. |
Những năm qua đặc biệt từ thời kỳ đổi mới, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng và các cơ quan nhà nước, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Thường trực Ban Bí thư cũng nhấn mạnh chủ trương của Đảng trên các lĩnh vực quan trọng của văn hóa được thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy văn hóa phát triển.
Tuy nhiên, vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Văn hóa phẩm độc hại, thông tin tiêu cực trên Internet, mạng xã hội tác động xấu đến giới trẻ, gia đình và xã hội.
Phiên toàn thể của Hội thảo Văn hóa năm 2022 chiều 17/12. |
Thường trực Ban Bí thư nhận định thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa vừa là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực vừa là vấn đề khó, một trong những điểm nghẽn lớn trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Để khơi thông và phát huy giá trị nguồn lực văn hóa, ông Võ Văn Thưởng cho rằng trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa, phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Phiên toàn thể chiều 17/12 tiếp tục bàn thảo xung quanh chính sách, pháp luật và nguồn lực cho phát triển văn hóa, kinh nghiệm quốc tế của một số nước. |
Thường trực Ban Bí thư nêu ra năm vấn đề cần thảo luận, nghiên cứu liên quan tới thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa:
Thứ nhất, trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa phải quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa. Phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Thứ hai, thể chế, chính sách phát triển văn hóa vừa phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, coi trọng các yếu tố đặc thù của văn hóa, vừa phải giữ gìn, kế thừa hồn cốt, các giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam.
Thứ ba, thể chế, chính sách về văn hóa phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, thực sự hiệu lực, hiệu quả, tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển văn hóa; phân cấp, phân quyền minh bạch, xác định rõ quyền hạn, nghĩa vụ của các chủ thể thực hiện; quy định rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Thứ tư, nguồn lực cho phát triển văn hóa không chỉ là tài chính, cơ sở vật chất, mà còn là nguồn lực con người, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống dân tộc...; không chỉ là nguồn lực của nhà nước, mà còn nguồn lực của toàn xã hội. Vì thế, nếu có được thể chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, bao quát, sẽ khơi thông được nguồn lực to lớn của đất nước cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Thứ năm, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải nhận thức đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng pháp luật, chính sách văn hóa; phải phối hợp chặt chẽ, thực chất trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách; nghiêm túc lấy ý kiến, tiếp thu và giải trình ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của luật pháp, chính sách về văn hóa.
Kinh Bắc lĩnh hội tinh hoa
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn tổng kết thành tựu về văn hóa của tỉnh. Ảnh: NGUYỄN THẮNG. |
Tỉnh Bắc Ninh được lựa chọn làm địa điểm tổ chức, đón tiếp khoảng 800 đại biểu về dự Hội thảo Văn hóa 2022. Phát biểu khai mạc phiên toàn thể chiều 17/12, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định đây là niềm cổ vũ, động viên rất ý nghĩa để vùng đất Kinh Bắc tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, vững bước trên con đường hội nhập, phát triển.
Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định sự nghiệp văn hoá cũng như chỉ số phát triển con người của tỉnh Bắc Ninh đạt được nhiều kết quả ấn tượng. “Dấu ấn về bản sắc đặc trưng của văn hóa, con người Bắc Ninh được định hình, dần khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong cuộc sống đương đại, góp phần tích cực vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Bí thư tỉnh ủy nêu.
Bí thư Nguyễn Anh Tuấn nói rằng những ý kiến thảo luận tại hội thảo là những định hướng gợi mở quan trọng để tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phát huy giá trị bản sắc văn hóa con người Bắc Ninh - Kinh Bắc với ba định hướng lớn: Văn hóa phải trở thành nguồn lực, động lực cho phát triển bền vững, mang lại hạnh phúc cho nhân dân; Phát huy giá trị văn hóa truyền thống để truyền cảm hứng, khát vọng xây dựng Bắc Ninh phát triển; Văn hóa tạo ra bản sắc riêng và vị thế mềm của Bắc Ninh quá trình phát triển.