Phiên chuyên đề của hội thảo gồm 7 bài tham luận xoay quanh chủ trương, định hướng hoàn thiện thể chế chính sách, phát huy nguồn nhân lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”. Một số đại biểu đề xuất phương hướng phát huy nguồn lực cho văn hóa từ góc nhìn cụ thể như phát triển âm nhạc, điện ảnh ở TP.HCM, bảo tồn văn hóa truyền thống ở Thừa Thiên - Huế, bảo tồn phát huy văn hóa của dân tộc thiểu số...
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc: “Ngoại giao văn hóa là trụ cột quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại”
Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ cho đối ngoại là tiếp tục phát huy “vai trò tiên phong” trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ đất nước “từ sớm, từ xa”, huy động các nguồn lực bên ngoài góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.
Để thực hiện tốt hai nhiệm vụ trên, ngoại giao văn hóa trở thành một bộ phận quan trọng của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam giúp thực hiện hai mục tiêu là phục vụ đường lối đối ngoại và phát triển văn hóa.
Ngoại giao văn hóa thúc đẩy thực hiện ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế đi vào chiều sâu, tham gia vào quá trình hình thành mạng lưới đối tác chiến lược, toàn diện của Việt Nam trên toàn cầu.
Nhờ ngoại giao văn hóa, cho đến nay Việt Nam đứng đầu các nước Đông Nam Á về số lượng danh hiệu được UNESCO ghi danh. Thành công của ngoại giao văn hóa mang đến sức mạnh nội sinh, quyền lực mềm, khẳng định thương hiệu quốc gia. Ông Hà Kim Ngọc nêu dẫn chứng, báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021 cho thấy Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu. Cụ thể, vị trí của Việt Nam nâng thêm 3 bậc, từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nêu một số thành công của chính sách ngoại giao văn hóa. |
Ông Hà Kim Ngọc đề xuất trong thời gian tới cần tập trung nguồn lực, tăng cường cơ chế phối hợp, thực hiện giữa các ban, bộ, ngành và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về ngoại giao văn hóa. Đặc biệt, về công tác đào tạo nhân lực, lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Cần có kế hoạch cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hướng tới mỗi cán bộ ngoại giao văn hóa không chỉ là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, hiện đại, mà còn am hiểu sâu sắc về văn hóa Việt Nam và thế giới”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: “Nông thôn ít nhiều phai nhạt bản sắc”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phản ánh thực trạng nông thôn Việt Nam đánh mất bản sắc với sự xuất hiện của những công trình lạc lõng, phá vỡ kiến trúc làng quê.
“Bên cạnh những xã nông thôn mới tạo dựng được cốt mới nhưng vẫn giữ được hồn cũ, nhiều nơi được hiện đại hơn, nhưng dường như thô ráp, vô hồn vì những khối bê tông đồng phục hóa. Những hàng cây xanh mát vệ đường, lũy tre làng ngày nào, bị thay thế một cách khiên cưỡng, làm mất đi hình ảnh nông thôn sinh thái”, ông Lê Minh Hoan nêu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng cần định vị lại tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: NGUYỄN THẮNG. |
Nông thôn không chỉ là nơi diễn ra hoạt động kinh tế mà còn là không gian văn hóa. “Nông thôn cần được xem là một miền di sản. Giá trị nông thôn được bảo tồn một di sản văn hóa, được quan tâm ở cấp độ quốc gia. Trong khi đô thị được xem là hình ảnh đại diện cho mức độ phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, nông thôn chính là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị tinh thần cốt lõi”, ông Lê Minh Hoan đề xuất.
Thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia về Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một trong những giải pháp then chốt mà ông Lê Minh Hoan đề cập, nhằm giữ gìn, phát triển giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’Đăm: Nguy cơ mất đi sự hiện diện của cả tộc người
Đó là nhận định của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm. Ông cho rằng quá trình tiếp biến văn hóa một mặt khiến cho nền văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trở nên phong phú và đa dạng hơn, mặt khác cũng xuất hiện những yếu tố văn hóa lai căng, không lành mạnh như tâm lý chối bỏ các giá trị văn hóa truyền thống, chạy theo xu hướng mới, hình thành lối sống mới, hiện đại và thực dụng ở một bộ phận thanh niên nhưng lại ít quan tâm đến các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều thanh thiếu niên dân tộc thiểu số chỉ học và nói tiếng phổ thông, ít khi sử dụng tiếng nói của dân tộc mình.
Các đại biểu trong phần thảo luận bàn tròn đề cập nhiều chủ đề nóng của văn hóa. Ảnh: NGUYỄN THẮNG. |
Số liệu tổng hợp từ Kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình rất thấp.
“Bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đang có chiều hướng mai một dần, thay vào đó là nét văn hóa của người đa số. Thậm chí, các dân tộc thiểu số rất ít người còn có thể đứng trước nguy cơ mất đi sự hiện diện của cả tộc người”, ông Y Thanh Hà Niê K’đăm nêu dẫn chứng.
Sau các tham luận của lãnh đạo bộ, ngành, BTC mời các đại biểu thảo luận bàn tròn xoay quanh nhiều vấn đề nóng của ngành văn hóa.
GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam): “Văn hóa dân gian là bản sắc dân tộc Việt”.
GS.TS Từ Thị Loan chỉ ra một số điểm nghẽn trong đầu tư cho phát triển văn hóa, đồng thời khẳng định văn hóa dân gian là bản sắc dân tộc Việt đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững. Lý giải vấn đề này, GS.TS Từ Thị Loan cho rằng lễ hội là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, góp phần thúc đẩy du lịch bên cạnh là nơi giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc gắn kết cộng động.
Một số lễ hội mang đến nguồn thu lớn cho các địa phương như Lễ hội đền Trần mỗi năm thu hơn 40 tỷ đồng.
Bên cạnh đó dân ca, dân vũ, nghệ thuật múa rối nước, các làng nghề truyền thống, ẩm thực Việt cũng là nguồn tài nguyên để khai thác phát triển du lịch, quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam, đồng thời là nguồn lực phát triển kinh tế.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Hậu kiểm góp phần tăng trách nhiệm của nghệ sĩ”.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng văn hóa là lĩnh vực đặc biệt tinh tế và nhạy cảm trong đời sống xã hội. Chính vì thế, việc can thiệp vào văn hóa phải tính toán kỹ lưỡng. PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh hiện nay xu thế trên thế giới đang chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
“Chúng ta tiến hành hậu kiểm, nhưng không có nghĩa là không tiền kiểm, tiền kiểm bằng các quy định có từ trước để nghệ sĩ, những người sáng tạo biết được mình có thể làm gì và không nên làm gì từ đó thì có thể có được những sản phẩm nó phù hợp với xã hội”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm: Chủ động ngăn chặn thông tin xấu độc từ gốc
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - khẳng định việc ứng xử, quản lý nền tảng xuyên biên giới không còn quá khó khăn nữa, bởi vì các thể chế, chính sách và khung pháp lý đang dần được hoàn thiện.
“Khó khăn ở chỗ chúng ta phải kéo được nhiều bộ ngành và xã hội cùng làm, có trách nhiệm nhận thức các nội dung xấu độc để ứng xử kịp thời. Chúng ta chủ động ngăn chặn từ gốc chứ không chờ rác được tung lên mạng rồi mới dọn dẹp”, ông Thanh Lâm nói.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm (phải) nêu quan điểm mạnh tay xử lý nội dung xấu độc trên môi trường số. Ảnh: NGUYỄN THẮNG. |
Liên quan tới các nền tảng xuyên biên giới, các doanh nghiệp vi phạm pháp luật Việt Nam gây thất thu thuế và phương hại tới các doanh nghiệp trong nước, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu quan điểm “không bảo hộ ngược cho các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ pháp luật của Việt Nam”.
Ông Lê Thanh Liêm - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL): Một số lĩnh vực vẫn được điều chỉnh bằng Nghị định
Chính phủ giao Bộ VHTTDL quản lý 9 lĩnh vực nhưng chỉ có 5 lĩnh vực có Luật điều chỉnh. Một số lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, triển lãm… vẫn được điều chỉnh bằng Nghị định.
Năm 2021 và 2022, Bộ VHTTDL trình Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền 3 văn bản Luật: Luật Điện ảnh, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Phòng chống bạo lực gia đình. “Đó là bước tương đối đột phá trong thời gian vừa qua”, ông Lê Thanh Liêm nói.
Ông Lê Thanh Liêm - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL. |
Lộ trình từ nay đến 2026 Bộ VHTTDL sẽ trình sửa đổi bổ sung Luật Di sản văn hóa (dự kiến xây dựng xong trong năm 2023 và trình Quốc hội năm 2024), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Giai đoạn 2026-2030, Bộ VHTTDL cũng có lộ trình để xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn, Luật Mỹ thuật, sửa đổi một số văn bản có liên quan khác.
“Chúng tôi cho rằng quyết tâm hiện nay, với việc hoàn thiện thể chế đối với văn bản trực tiếp về văn hóa trong thời gian tới. Tuy nhiên hệ thống văn bản để điều chỉnh về lĩnh vực văn hóa không chỉ văn bản riêng về văn hóa mà liên quan nhiều ngành nghề khác như: Tài chính, đất đai. Chúng tôi cho rằng, ngoài văn bản điều chỉnh trực tiếp cần rà soát hệ thống pháp luật có liên quan, có lộ trình hoàn thiện trong thời gian tới”, ông Lê Thanh Liêm nói.
Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung: “Đầu tư cho sản phẩm nghệ thuật ở Việt Nam còn thấp”.
Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung cho rằng việc đánh giá năng lực sáng tạo của Việt Nam còn chủ quan do chưa có đối chiếu với nước ngoài. Bên cạnh đó, việc đầu tư về thời gian, nguồn lực và sự tập trung để sáng tạo một sản phẩm nghệ thuật ở Việt Nam còn quá ít so với thế giới, nên khó có tác phẩm đỉnh cao.
“Năng lực sáng tạo, nền âm nhạc của chúng ta còn khá hạn chế, chưa đủ mạnh, không đủ để đề kháng trước những làn sóng văn hóa nước ngoài. Cần có sự đánh giá khách quan, đánh giá đa chiều đối với năng lực sáng tạo, sản xuất thật sự của nền nghệ thuật nước nhà để có giải pháp xây dựng, phát triển phù hợp”, nhạc sĩ Quốc Trung nhận định.
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam): “Tri thức bản địa của một số dân tộc dần mất đi”.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm cho rằng việc áp dụng một bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới chung cho cả nước, cho tất cả cộng đồng, cho tất cả tộc người có thể làm tri thức bản địa của một số dân tộc dần mất đi và là một điều đáng tiếc khi nhìn về văn hóa nông thôn, văn hóa các cộng đồng thiểu số.
Qua khảo sát nhiều địa phương , PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm nhận thấy tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp trong Chương trình xây dựng nông thôn mới khiến những bức tường đá rất đẹp thì bị phá hoặc là bị sơn chồng lên các màu sáng để cho đáp ứng tiêu chí.