Ông Nguyễn Đắc Vinh: Chính sách tốt sẽ thu hút được nhiều nguồn lực cho văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Trưởng Ban tổ chức Hội thảo văn hóa năm 2022: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” - trao đổi với Tiền Phong xung quanh hội thảo quan trọng, thu hút khoảng 800 đại biểu bàn thảo vào ngày 17/12 tại Bắc Ninh.

Đầu tư cho văn hóa vẫn được đánh giá đang gặp điểm nghẽn. Xin ông cho biết vấn đề nguồn lực cho văn hóa sẽ được mổ xẻ, đánh giá như thế nào tại hội thảo ngày 17/12?

Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” đề cập ba nội dung quan trọng, nguồn lực là một trong số đó. Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu bàn nhiều hơn đến hai nguồn lực là nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính.

Nguồn lực tài chính tạm hiểu đến từ bốn nguồn: ngân sách nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp, nguồn lực của xã hội và nguồn lực từ các chương trình hợp tác quốc tế, đầu tư từ nước ngoài. Ba nguồn lực được nêu phía sau chúng ta hay gọi là nguồn lực xã hội hóa. Điều quan trọng là làm sao để huy động được các nguồn lực này nhiều nhất cho lĩnh vực văn hóa, làm sao để sử dụng các nguồn lực hiệu quả.

Muốn có được nguồn lực nhà nước trước tiên cần phải có khung chính sách dựa trên cơ sở chính trị là chủ trương của Đảng, nhà nước; cơ sở lý luận, cơ sở khoa học và được đúc kết trên cơ sở thực tiễn. Từ những cơ sở đó, chính sách được định ra toàn diện, đầy đủ, đồng bộ dẫn tới hiệu quả đầu tư. Tuy thế trước tiên phải xác định được khung chính sách, từ khung chính sách này, chúng ta xác định nhu cầu từ đó cân đối các nguồn lực để quyết định đầu tư. Nếu làm tốt, cẩn thận việc này, việc đầu tư sẽ hiệu quả đáp ứng tiêu chí sử dụng hiệu quả. Nếu việc hoạch định này không tốt thì có thể là những vướng mắc, khó khăn lâu nay - giải ngân chậm, đầu tư manh mún, không hiệu quả.

Khi có tiền đầu tư từ ngân sách nhà nước phải làm sao để đầu tư hiệu quả, triển khai tốt thì khuôn khổ pháp lý cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất. Khung chính sách còn nhiều vướng mắc, vì thế các cơ quan nhà nước, các cơ quan xây dựng pháp luật sẽ đi vào từng vấn đề cụ thể, sẽ giải quyết từng vấn đề đầy đủ hơn.

Tất nhiên muốn phát triển văn hóa không thể trông chờ vào nguồn lực nhà nước. Nếu chính sách tốt sẽ thu hút được nhiều nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển văn hóa. Thực tế, đơn vị, tổ chức tài trợ cho lĩnh vực giáo dục, y tế được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng đầu tư cho lĩnh vực hóa thì chưa có quy định. Vì thế sức hấp dẫn để doanh nghiệp đầu tư, tài trợ cho hoạt động văn hóa sẽ không bằng các lĩnh vực khác. Đây cũng là một trong những vấn đề cần bàn thảo, đề xuất.

Ông Nguyễn Đắc Vinh: Chính sách tốt sẽ thu hút được nhiều nguồn lực cho văn hóa ảnh 1
PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Trưởng BTC Hội thảo. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH.

Tại nhiều hội thảo lớn, các chuyên gia và nhà quản lý đều nhắc tới tỷ lệ ngân sách dành cho văn hóa còn thấp. Ông có thể nói thêm về điều này?

Khi nói về ngân sách người ta hay nói về tỷ lệ. Nhà nước phấn đấu dành 1,8% ngân sách cho văn hóa, đến nay thực tế tại các địa phương đạt được khoảng 1,72%. Nhiều người kiến nghị đầu tư cho văn hóa với tỷ lệ khoảng 2% ngân sách. Tỷ lệ 1,7% hiện nay được đánh giá là chưa đáp ứng được nhu cầu. Khi đất nước giàu lên thì tự nhiên tỷ lệ đầu tư sẽ nhiều lên.

Hàn Quốc bây giờ tỷ lệ ngân sách cho văn hóa cũng chỉ 1,5% nhưng nguồn lực thực sự đầu tư cho văn hóa rất nhiều. Họ khai thác được giá trị văn hóa để thu lại nhiều nguồn lực và đầu tư trở lại cho văn hóa. Nguồn lực ấy nếu mà khai thác tốt sẽ rất hiệu quả, trong đó phải kể tới nguồn lực khổng lồ từ nền công nghiệp văn hóa phát triển. Những nguồn thu đó đầu tư trở lại cho văn hóa và văn hóa hưởng lợi từ đó nhiều hơn.

Đây cũng là một trong những vấn đề hội thảo sẽ bàn bạc, kiến nghị. Không chỉ câu chuyện tăng ngân sách nhà nước, đầu tư một cách đầy đủ, hiệu quả, toàn diện cần tập trung giải quyết vấn đề về thể chế, chính sách, phát triển công nghiệp văn hóa để có thêm nguồn lực đầu tư trở lại cho văn hóa.

Ông Nguyễn Đắc Vinh: Chính sách tốt sẽ thu hút được nhiều nguồn lực cho văn hóa ảnh 2

Việt Nam có thể học hỏi Hàn Quốc để học hỏi phát triển công nghiệp văn hóa. Ảnh: NHƯ Ý.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra rằng nguồn lực đầu tư chưa xứng tầm, chưa hiệu quả, còn dài trải. Hội thảo có thảo luận về vấn đề này không thưa ông?

Các địa phương có nhiều vấn đề vướng mắc nhưng họ ít đề cập. Việc đầu tư dàn trải các tham luận có đề cập nhưng góc độ trực diện chưa rõ ràng. Tôi hy vọng khi thảo luận bàn tròn, các chuyên gia và nhà quản lý sẽ phát biểu thêm để cùng bàn bạc và đề xuất.

Theo báo cáo, một số địa phương đầu tư không đến 1% ngân sách cho văn hóa. Kết quả giám sát và báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ khác cho thấy rằng tiền chi cho văn hóa không ít nhưng việc giải ngân, lên kế hoạch giải ngân đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn chậm.

Cảm ơn ông!

Hội thảo gồm hai phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với 3 nhóm nội dung chính: Thể chế, Chính sách và Nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên đều có một báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định hội thảo là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan, các nhà quản lý, nhà khoa học trong, ngoài nước tham gia báo cáo, thảo luận nhằm làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn; trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Đây là dịp để bàn luận, thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan đến văn hóa để đưa ra các quyết sách đúng, các giải pháp sát với thực tiễn để triển khai tốt hơn, đi vào cuộc sống càng nhanh càng tốt”, PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh nói.

MỚI - NÓNG