Gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa

Bài 3: Đầu tư cho văn hóa, chờ gà đẻ trứng vàng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều chuyên gia nhắc đi nhắc lại việc đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai, không có chuyện cứ đầu tư cho văn hóa là chỉ tiêu tiền. Bài học từ các nước phát triển cho thấy một khi công nghiệp văn hóa phát triển, sự đóng góp của văn hóa cho nền kinh tế không hề nhỏ.

Con gà đẻ trứng vàng

Theo báo cáo của UNESCO vào tháng 2/2022, trước đại dịch COVID-19 các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và được dự báo có đóng góp đáng kể cho GDP toàn cầu lên tới 10% vào năm 2030.

Bên cạnh việc tạo sinh kế, thu nhập, việc làm, doanh thu, xuất khẩu... vai trò của văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo góp phần nâng cao đời sống tinh thần, sự gắn kết của các cộng đồng trong xã hội.

Việc đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tạo ra nguồn thu “khổng lồ” cho một số nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc... Trong tham luận gửi Hội thảo Văn hóa 2022, bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - cho biết các ngành kinh tế sáng tạo đóng góp hơn 115 tỷ bảng Anh, chiếm 5,9% nền kinh tế Anh và nhiều hơn tổng giá trị ngành công nghiệp vũ trụ, tự động hoá, khoa học cuộc sống, dầu mỏ và khí đốt cộng lại.

“Nước Anh có mô hình đầu tư cho văn hóa được cho là thành công với sự kết hợp hài hòa giữa đầu tư công, doanh thu, nguồn tài chính tư nhân và hiến tặng. Chính nguồn lực đa dạng này tạo điều kiện để lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có thể phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng thông qua đầu tư và các biện pháp ưu đãi”, bà Nguyễn Phương Hòa phân tích.

Bài 3: Đầu tư cho văn hóa, chờ gà đẻ trứng vàng ảnh 1

Hà Nội - một trong những thành phố tích cực thúc đẩy công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Ảnh: MINH AN.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL, tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội thảo vào 17/12 tại tỉnh Bắc Ninh, quy tụ khoảng hơn 800 đại biểu.

Hội thảo gồm hai phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với 3 nhóm nội dung chính: Thể chế, Chính sách và Nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên đều có một báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia.

Theo thống kê của Cơ quan Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ năm 2020, hoạt động kinh tế văn hóa và nghệ thuật chiếm tỷ trọng 4,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hoa Kỳ, tương đương 876,7 tỷ USD, tạo ra 4,5 triệu việc làm.

Sự đóng góp vào GDP của văn hóa và nghệ thuật lớn hơn 5 lần so với nông nghiệp của nước Mỹ. Các lĩnh vực xuất khẩu chính bao gồm điện ảnh, chương trình truyền hình, quảng cáo, phần mềm nghệ thuật và trò chơi điện tử. Trong giai đoạn 2014-2016, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của văn hóa và nghệ thuật là 4,16%, gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế Mỹ là 2,22%.

Tham luận của bà Nguyễn Phương Hòa cũng đề cập sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Trung Quốc. Cụ thể năm 2018, tổng giá trị công nghiệp văn hóa Trung Quốc đạt 4.117,1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 600 tỷ USD).

Tại Việt Nam, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa dần được quan tâm và chú trọng phát triển. Năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP, sau ba năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu tương đương với 3,61% với tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Bài 3: Đầu tư cho văn hóa, chờ gà đẻ trứng vàng ảnh 2

Đầu tư cho văn hóa đem lại lợi ích to lớn về kinh tế- xã hội. Ảnh: NHƯ Ý.

Tìm đòn bẩy

Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam với nhiều tiềm năng, cần những đòn bẩy về nguồn vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ... để phát triển. Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo - khẳng định sản phẩm công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hoá trong và ngoài nước vừa tạo ra dấu ấn đặc biệt của mỗi vùng đất, mỗi quốc gia, vừa là lực hút mạnh mẽ về kinh tế, với những đóng góp nhất định vào phát triển kinh tế - xã hội.

Các dự án này tạo ra những giá trị lớn cho các địa phương, tạo ra nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Ở Việt Nam, ông nêu ví dụ về show diễn đẳng cấp thế giới Ký ức Hội An, chương trình Tinh hoa Việt NamSắc màu Venice tại Phú Quốc. Đây là các chương trình do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, để lại dấu ấn lớn với du khách Việt Nam cũng như quốc tế.

Bài 3: Đầu tư cho văn hóa, chờ gà đẻ trứng vàng ảnh 3
Chương trình nghệ thuật thực cảnh Ký ức Hội An là một trong những sản phẩm lấy văn hóa phục vụ du lịch. Ảnh: BTC.

Tuy nhiên, các công trình và các sản phẩm văn hóa như vậy ở Việt Nam không nhiều. Minh chứng là thực trạng các bảo tàng thưa vắng khách, nhà hát kém sôi động. Những thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội rất cần những trung tâm sáng tạo tầm cỡ, các tổ hợp phức hợp vừa là trung tâm giải trí, vừa là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hoá, thiết kế sáng tạo.

Ông Lê Quốc Vinh đề xuất mô hình đầu tư PPP (Public - Private Partnership): Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.

“Chúng ta vướng mắc rất nhiều đối với mô hình bảo tàng tư nhân. Chúng tôi cho rằng PPP có thể là một hình thức hoàn toàn khả thi, theo đó tư nhân có thể đầu tư từ khâu thiết kế, xây dựng, đầu tư nội dung và vận hành. Những trung tâm thể thao, đường đua xe tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng thu hút môn thể thao tốc độ hoặc sử dụng cho những sự kiện văn hóa lớn, cũng là những dự án có khả năng thu hút đầu tư tư nhân”, ông Vinh nêu.

GS.TS. Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - nêu một số kiến nghị để phát triển công nghiệp văn hóa. Đối với Chính phủ và các bộ, ngành, tham luận gửi Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022 của GS. Từ Thị Loan đề xuất tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Bài 3: Đầu tư cho văn hóa, chờ gà đẻ trứng vàng ảnh 4

Nghệ sĩ quốc tế Babyface trình diễn tại Liên hoan âm nhạc Hò Dô 2022.

Điều mà nhiều người làm văn hóa mong mỏi là tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm như Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đề ra. Hiện nay, mức chi ngân sách cho toàn ngành văn hóa ở các địa phương mới chỉ đạt 1,72% trong khi mục tiêu đặt ra là đảm bảo mức chi đầu tư cho văn hóa ít nhất 1,8% tổng chi ngân sách (bao gồm cả trung ương và địa phương).

GS.TS Từ Thị Loan nêu giải pháp thành lập các quỹ hỗ trợ văn hóa nghệ thuật như Quỹ phát triển điện ảnh, Quỹ hỗ trợ văn hóa số, Quỹ hỗ trợ nghệ thuật… Cơ sở hạ tầng cần được đầu tư, đóng vai trò bảo trợ, “bà đỡ” về nền tảng vật chất, kỹ thuật, phân bổ quỹ đất, hỗ trợ đổi mới, phát triển công nghệ.

Đầu tư cho công nghiệp âm nhạc

Nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Quốc Trung nhận định âm nhạc là lĩnh vực nổi bật trong nền công nghiệp văn hóa. Ông cho rằng Việt Nam có nền âm nhạc khá đa dạng nhưng nền công nghiệp âm nhạc còn mới bởi chưa được xây dựng theo chuẩn mực. Để xây dựng chiến lược phát triển cho nền âm nhạc Việt Nam, Quốc Trung đề xuất học hỏi từ các hình mẫu trên thế giới để lựa chọn cho Việt Nam một mẫu hình phù hợp. Quốc Trung nhấn mạnh việc hội nhập quốc tế, mở rộng cơ hội học hỏi cho các nghệ sĩ, người làm sáng tạo.

“Việc tham gia vào đời sống âm nhạc thế giới chính là cách tốt nhất để nâng cao năng lực của nghệ sĩ và chỉ có năng lực sáng tạo mới là con đường duy nhất để hội nhập và phát triển”, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung nhận định.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.