Đề xuất chính sách đãi ngộ cho văn nghệ sĩ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Xây dựng chính sách đặc thù cho văn nghệ sĩ là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết sẽ đề xuất chính sách đãi ngộ văn nghệ sĩ.

Trong cuộc họp báo về Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa sáng 12/12, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định có sự bất cập trong chế độ đãi ngộ ở một số lĩnh vực đặc thù như múa, xiếc.

“Tuổi nghề của lực lượng này rất ngắn. Khi họ không thể cống hiến bằng cách tham gia biểu diễn buộc phải bố trí, phân công phân nhiệm công việc phù hợp, chứ không phải vắt kiệt sức khi lao động đến khi họ không đủ sức khỏe lại cho nghỉ”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định. Lãnh đạo Bộ VHTTDL mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia tại Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022.

Đề xuất chính sách đãi ngộ cho văn nghệ sĩ ảnh 1

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022 với chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL nhận định qua nắm bắt thực tế sau một năm thực hiện theo tinh thần kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các địa phương có sự quan tâm tới văn hóa một cách cụ thể, thiết thực và hiệu quả hơn. Tuy thế vẫn còn một số bất cập về bố trí cán bộ văn hóa ở nhiều địa phương như bố trí chưa đúng năng lực. Đây cũng là nội dung được bàn thảo để xác định các khung thể chế, chính sách và nguồn lực để phát triển văn hóa.

Đề xuất chính sách đãi ngộ cho văn nghệ sĩ ảnh 2

Ông Phạm Đình Toản, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp sáng 12/12.

Phát biểu tại họp báo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng BTC Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022 cho biết chủ đề đã được cân nhắc rất kỹ, với 3 vấn đề lớn dưới góc độ quản lý nhà nước, đó là vấn đề thể chế, chính sách và nguồn lực.

PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh nêu thực tế còn nhiều khó khăn, điểm nghẽn cần tháo gỡ đồng thời nhấn mạnh nếu nghiên cứu một cách thỏa đáng, sâu sắc, toàn diện và giải quyết được các vấn đề thì sẽ khơi thông được những nguồn lực, tạo được môi trường tốt hơn để văn hóa phát triển.

Trưởng BTC cho biết các tham luận của Hội thảo tập trung vào xem xét, đánh giá, phân tích theo các nhóm vấn đề lớn này. Nhiều bài bàn luận sâu sắc về các nhiệm vụ của văn hóa để thấy rõ được tầm quan trọng của văn hóa, phát triển văn hóa là bảo đảm phát triển bền vững cho đất nước.

Đề xuất chính sách đãi ngộ cho văn nghệ sĩ ảnh 3

PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Trưởng BTC Hội thảo.

Ông Nguyễn Đắc Vinh phân tích trong thời gian qua, nguồn lực của nhà nước đầu tư cho văn hóa là không nhỏ. Tuy nhiên cần phải tính toán lại một cách cẩn thận và thực tế về hiệu quả, cũng như mức đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho văn hóa.

Do đó, bên cạnh nguồn lực từ nhà nước, cũng cần phải khai thông thêm các nguồn lực xã hội để đầu tư cho phát triển văn hóa. Muốn khai thông được điểm nghẽn, theo ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cần sửa đổi thể chế, xây dựng những chính sách phù hợp để tạo ra sức hấp dẫn, hiệu quả trong đầu tư cho phát triển văn hóa.

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh qua các tham luận, tổng hợp các ý kiến tại Hội thảo, Ban tổ chức sẽ có những kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền để xem xét sửa đổi, bổ sung hoàn thiện về vấn đề thể chế, chính sách và cố gắng bảo đảm cho được nguồn nhân lực cũng như các thủ tục tài chính để phát triển văn hóa theo đúng mục tiêu mà Đảng đã nêu ra và đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

“Đây là dịp để bàn luận, thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan đến văn hóa để đưa ra các quyết sách đúng, các giải pháp sát với thực tiễn để triển khai tốt hơn, đi vào cuộc sống càng nhanh càng tốt”, PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh nói.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL, tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội thảo vào 17/12 tại tỉnh Bắc Ninh, quy tụ khoảng hơn 800 đại biểu.

Hội thảo gồm hai phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với 3 nhóm nội dung chính: Thể chế, Chính sách và Nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên đều có một báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn cho biết nội dung của các bài tham luận gửi về bám sát chủ đề trọng tâm của Hội thảo với nhiều góc nhìn khác nhau về thể chế, cơ chế, nguồn lực cho phát triển văn hóa.

"Nhìn chung, các tham luận đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của thể chế, chính sách và nguồn lực trong phát triển văn hóa, là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa quốc gia, dân tộc. Các tham luận cũng xác định nhiều vấn đề đặt ra trong hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa đồng thời, đề xuất, kiến nghị một số vấn đề cụ thể đối với các cơ quan có thẩm quyền", PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nêu.

MỚI - NÓNG