Thương nhớ Nguyễn Đình Quân: Người 'đứng về phe nước mắt'

Phóng viên Nguyễn Đình Quân đọc thư của cụ Võ Ta gửi liệt sĩ Võ Đình Tuấn, tại buổi tưởng niệm ngày 12/1/2011.
Phóng viên Nguyễn Đình Quân đọc thư của cụ Võ Ta gửi liệt sĩ Võ Đình Tuấn, tại buổi tưởng niệm ngày 12/1/2011.
TP - … Nhớ năm đã xa ấy ngồi với Quân mùa đông Hà thành.

Hốc hác ngó xọm đi và ít cười hơn mọi bận. Quân có đề tài gì ngoài Bắc hay việc nhà (người thân gia đình Quân có quá nửa ngoài này)? Nhưng chả phải. Việc bạn.

Bạn Quân, Trần Bá Toàn cùng học Viện Kỹ thuật quân sự những năm đầu 80. Tốt nghiệp, Quân với Toàn cùng sang Mặt trận Campuchia.

Những ngày trận mạc bạc mặt vì đói ăn, sốt rét liên miên. Trung úy Trần Bá Toàn mất ngày 1/2/1985, khi chưa tròn 23 tuổi, chỉ 3 tháng sau khi sang Đoàn 501, Mặt trận 579. Khi đó, Toàn vừa được Viện Quân y 21 điều trị dứt một trận sốt rét ác tính thể não, đang ở Trạm khách Mặt trận 579 tại thị xã Stung Treng chờ đi nhờ xe lên lại đơn vị ở gần ngã ba biên giới Campuchia – Thái Lan – Lào thì tái phát sốt rét, rồi mất. Toàn được đưa về an táng ở nghĩa trang Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, nhưng sau đó, đau đớn thay, người nhà của Toàn báo cho Quân và mấy anh em bạn bè rằng mộ Toàn bị thất lạc.

Mãi cho đến tháng 10/2009 Quân và mấy anh em bạn dò hỏi mới biết mộ Trần Bá Toàn  đang ở một nghĩa trang hoang phế tại Pleiku.

Thủ tục để đưa phần mộ Toàn về quê vấp phải bao nhiêu rắc rối nhiêu khê. Nhưng nhờ có anh em bạn bè giúp sức, Quân và các em trai, em rể Toàn cũng đưa được Toàn về với gia đình tận huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Bẵng đi lâu lâu, lần gặp mới đây giật mình khi nghe Quân kể lại chuyện buồn năm ấy… Rằng, Trần Bá Toàn đã tìm về được với gia đình, nhưng cho đến bây giờ do vướng nhiều thủ tục lằng nhằng khó hiểu nên Trần Bá Toàn vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Việc ấy còn phải là lặn ngòi ngoi nước nữa. Gia đình của Toàn lại neo đơn, khó khăn. Chắc mấy anh em lại phải xúm tay vào thì mới yên tâm. Chao ôi, bây giờ đột ngột nằm xuống, việc nghĩa ấy, mấy anh em bạn bè của Quân cùng đơn vị hồi ấy có lẽ phải gánh thôi?

Đĩnh đạc, chắc chắn trong chuyên môn, công việc. Nhưng Quân không phải dạng hoạt ngôn. Nhớ lần Quân đứng trước máy thu hình của một đài truyền hình địa phương cứ ngập ngừng… Là người ta đang gạn hỏi cảm tưởng của một nhà báo như Nguyễn Đình Quân đã từng sáu lần ra Trường Sa. Phóng viên thường trú Nguyễn Đình Quân. Bao năm nay tờ Tiền Phong đã phải cậy nhờ cây bút này từng đôn đáo chi chút với các đảo lớn nhỏ của Trường Sa, của nhà giàn. Quân như thứ mặt tiền của Tiền Phong mỗi lần nhắc nhớ đến Trường Sa với hàng trăm tin bài và ảnh.

Nhưng Quân lần trả lời phỏng vấn ấy không làm cái việc kể khổ hay liệt kê… Dường như Quân đã biết vượt thoát những vặt vãnh của các chuyến đi?

…Tôi đã đi công tác tại Trường Sa nhiều lần. Mỗi chuyến đi là một lần trải nghiệm, để thấu hiểu thêm nỗi gian truân, lòng can trường của những người lính nơi đầu sóng và những thiệt thòi, hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ ở hậu phương.

Quân đã trải nghiệm đã thấu hiểu, nói như cái từ mới toanh bây giờ là thấu cảm với Trường Sa theo cái cách riêng máu thịt và độc đáo của một người viết có nghề.

Tôi loáng thoáng biết Quân đến với Trường Sa lần đầu khá sớm. Đâu như năm 1996. Và tiện đây cũng phải bộc bạch một điều rằng nếu ai đó còn láng máng hoặc hồ nghi hiệu lực của Blog, của Facebook thì phải căn cứ vào trường hợp của… Đình Quân?

Chuyện rằng thời điểm tháng 3/2009, thời điểm đó sự kiện 64 chiến sĩ Hải quân hy sinh anh dũng và tức tưởi ngày 14/3/1988 tại các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin  không hiểu sao ít được nói tới và bặt vắng trên báo chí. Quân bức xúc lắm…

Có lẽ đến đây cũng mở ngoặc chút về tính cách ngang thẳng của người đồng nghiệp trẻ Nguyễn Đình Quân. Bài vở phóng viên thường trú đến Tòa soạn theo kênh riêng. Thi thoảng mạng nội bộ tòa báo sôi động hẳn lên khi hộp thư liên tục nhận được ý kiến của Đình Quân chất vấn Ban Biên tập và Thư ký tòa soạn cho ra nhẽ tại sao vấn đề này bài vở kia lại xử lý như thế này như thế kia? Quân không gửi đến riêng hộp thư của Ban Biên tập và Thư ký tòa soạn mà công khai cc cho hầu hết hộp thư phóng viên của cơ quan. Cứ như là cú hích để chữa trị bệnh quan liêu, kém sâu sát thực tế trong khâu biên tập xử lý bài vở nếu có. Tất nhiên, không phải cái còm nào của Đình Quân cũng thỏa đáng cả nhưng Quân kiên trì cung cách ấy và tạo ra không khí cởi mở tranh biện dân chủ trong tòa soạn.

…Trở lại với chuyện bức xúc của Đình Quân. Quân đã giải tỏa bằng cách chụp ảnh toàn bộ các bài viết trên báo Nhân Dân từ tháng 2/1988 đến tháng 4/1988 về việc Trung Quốc xâm chiếm Trường Sa năm 1988, đưa lên blog của mình. Trong đó, có danh sách 64 người hy sinh và bị coi là mất tích trong sự kiện 14/3/1988, được đăng ở báo Nhân Dân số ra ngày 28/3/1988 (sau này, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cung cấp cho Quân danh sách chính thức 64 liệt sĩ đã hy sinh ngày 14/3/1988). Trong những người lính đã kết thành “vòng tròn bất tử” trên đảo Gạc Ma, có liệt sĩ Võ Đình Tuấn, quê ở thôn Phú Hữu (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Ngày 22/12/2010, trước khi được ra Trường Sa lần thứ hai, Quân tìm về thôn Phú Hữu. Cụ Võ Ta, cha của liệt sĩ Võ Đình Tuấn tự tay viết và trao cho Quân một lá thư gửi hương hồn người con trai mãi mãi tuổi hai mươi. Sáng 12/1/2011, tại vùng biển cạnh đảo Gạc Ma, trên một chiếc xuồng nhỏ, trong lễ tưởng niệm những chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh ngày 14/3/1988, phóng viên báo Tiền Phong Nguyễn Đình Quân dõng dạc đọc nội dung lá thư  rồi hóa vàng lá thư của cụ Võ Ta: “Cha mẹ Võ Ta – Phan Thị Đay tưởng nhớ con Tuấn đã hy sinh ở Trường Sa ngày 14/3/1988. Mong linh hồn con siêu thoát”. Gió cuốn tro thư bay lên cao trước khi hòa vào sóng nước Trường Sa.

Chẳng hay hương hồn liệt sĩ Tuấn có mách bảo cho chị D., người yêu xưa của anh Tuấn, hay không nhưng kỳ lạ, chị D. đã thấy ảnh anh Tuấn ở blog của Đình Quân. Hai người chưa một lần nắm tay nhau, chưa từng có một nụ hôn, nhưng hình bóng Tuấn vẫn không phai mờ trong tâm trí D. “Nhiều khi, D. hy vọng Tuấn không hy sinh, đang ở một nơi nào đó. Một buổi sáng, Tuấn sẽ xuất hiện trước mặt D., vóc người tầm thước, nước da ngăm đen, mái tóc quăn, nụ cười chân chất...”.

Chị D. đã chat với Quân. Câu chuyện về tình cảm của chị dành cho anh Tuấn đã được kể trong bài báo “Muốn ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi”, đăng trên báo Tiền Phong và báo Khánh Hòa trong tháng 5/2011. Chưa được ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi, cuối năm 2011 chị đã nhờ tôi và đồng nghiệp gửi vào lòng biển Gạc Ma những kỷ vật tình yêu của anh chị. 

Thương nhớ Nguyễn Đình Quân: Người 'đứng về phe nước mắt' ảnh 1 Ông Huỳnh Văn Nén (áo trắng, bên phải, ôm lẵng hoa) cùng con trai Huỳnh Thành Lượng đến Cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM để cảm ơn, ngày 4/11/2015.

Sự kiện vụ oan sai Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Đình Quân (bút danh là Huy Anh) và Hồ Việt Khuê là những phóng viên tiên phong góp sức quyết liệt với nhiều tờ báo khác phăng ra công luận một khuyết tật lớn của ngành tư pháp.

Từ thời điểm khởi đầu vụ án năm 2000, các phóng viên của báo Tiền Phong, nhiều nhất vẫn là Nguyễn Đình Quân (Huy Anh) liên tục có nhiều bài báo hôi hổi chất liệu chứng cứ với nhiều thể loại khi điều tra, khi phỏng vấn, trực tiếp gặp ông Nén, gặp người thân với mục đích góp phần minh oan cho các bị can, bị cáo trong “vụ án vườn điều” và nêu những dấu hiệu bị oan của ông Huỳnh Văn Nén trong vụ bà Lê Thị Bông bị giết.

Còn nhớ thời điểm cuối năm 2013, vụ án vườn điều có dấu hiệu… trục trặc. Ông Huỳnh Văn Nén có nguy cơ khó thoát tội, Nguyễn Đình Quân lại tìm đến Blog của mình để giải tỏa bức xúc.

Bên cạnh việc trưng lại những bài báo đã viết, Quân cũng tóm tắt những điều chính yếu nguyên nhân oan sai của vụ án vườn điều như một thứ tin nhanh cung cấp cho bạn đọc tiếp cận chia sẻ với oan sai của ông Nén.

Quân viết thế này.

…Bài viết không lên mặt báo được. Đăng lên đây, như một lời tạ lỗi với cụ Huỳnh Văn Truyện, vì đã không làm được điều tốt nhất mà cụ gửi gắm, trông cậy.

Quân cũng trưng trên Blog của mình hình ảnh Huỳnh Văn Nén cởi áo, chỉ cho người dự chứng kiến những vết sẹo do bị đánh trong quá trình bức cung, mớm cung tại phiên tòa ngày 9/3/2005.

Đếm số còm sau bộc bạch của Đình Quân trên Blog, có cảm tưởng hàng ngàn bạn đọc đang đồng hành cùng anh. 

May mắn, sau đó năm 2014, TAND Tối cao đã hủy một phần bản án trên, trả hồ sơ để điều tra lại. Đồng hành suốt 15 năm với vụ án oan Huỳnh Văn Nén, công sức của các nhà báo và luật sư đã không uổng. Cuối năm 2015, Công an Bình Thuận có quyết định đình chỉ điều tra vì hành vi của ông Nén không cấu thành tội “giết người” và tội “cướp tài sản”. 

Sau đó, cuối năm 2015, TAND Bình Thuận phối hợp cơ quan chức năng địa phương tổ chức xin lỗi công khai, khôi phục danh dự đối với ông Huỳnh Văn Nén.

 Và tại tòa soạn báo Tiền Phong ở thành phố Hồ Chí Minh, 14h  ngày 2/12/2015 diễn ra buổi Giao lưu trực tuyến “Huỳnh Văn Nén - Hành trình giải oan xuyên thế kỷ”. Dự giao lưu có cha con ông Huỳnh văn Nén, các luật sư và nhà báo từng đồng hành với nỗi oan suốt 15 năm.

Nhà báo Nguyễn Đình Quân cũng được mời dự.

…Nhắc nhớ đến Đình Quân, chợt thoảng nhớ câu thơ của nhà thơ Dương Tường “Tôi đứng về phe nước mắt”. Cái ẩn dụ “phe nước mắt” hàm chỉ tất cả những gì là bé mọn, thua thiệt, khổ đau, yếu đuối, bị áp bức, chà đạp...

Nghe thêm, Dương Tường có dặn người nhà, mai kia nhỡ có mệnh hệ gì thì khắc câu ấy trên bia mộ.

Đêm 6/9/2017

TIN BUỒN

Báo Tiền Phong và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin

Nhà báo Nguyễn Đình Quân; Sinh năm 1962.

Nguyên quán: Xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Thường trú tại số nhà 1C hẻm Tuệ Tĩnh, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Là phó Bí thư Chi bộ báo Tiền Phong tại phía Nam, phóng viên báo Tiền Phong thường trú tại tỉnh Khánh Hòa.

Trên đường đi làm nhiệm vụ không may bị tai nạn giao thông, từ trần vào hồi 8 giờ 20 phút ngày 6 tháng 9 năm 2017 (nhằm ngày 16/7 năm Đinh Dậu). 

Hưởng dương: 56 tuổi.

Lễ viếng tổ chức từ 7 giờ 30 phút ngày 7/9 đến 8 giờ ngày 8 tháng 9 năm 2017.

Tại nhà riêng số 1C hẻm Tuệ Tĩnh, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Lễ truy điệu và đưa tang lúc 8 giờ ngày 8 tháng 9 năm 2017.

Hỏa táng tại nhà hỏa táng Nghĩa trang phía Bắc thành phố Nha Trang.

                BÁO TIỀN PHONG VÀ GIA ĐÌNH KÍNH BÁO

MỚI - NÓNG