Thương lái Trung Quốc ép giá, người trồng thanh long lao đao

Nông dân thu hoạch thanh long tại Long An. Ảnh: N.H
Nông dân thu hoạch thanh long tại Long An. Ảnh: N.H
TP - Tiêu thụ khó khăn, giá rớt sâu khiến nông dân trồng thanh long lao đao khi Tết Nguyên đán cận kề. Tại Long An, địa phương được xem là “thủ phủ” thanh long của miền Tây với tổng diện tích hơn 12.000 ha, hiện tại nhiều nhà vườn lo lắng vì giá giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) cho biết, mọi năm, thời điểm này, giá thanh long ở mức 20 - 30 ngàn đồng/kg thì năm nay giảm một nửa, trừ chi phí chỉ còn hòa vốn hoặc lỗ. “Tôi trồng 500 gốc thanh long ruột đỏ chuẩn bị bán Tết, nhưng giá rơi xuống thấp còn 11 ngàn đồng/kg mà chi phí bỏ vào đây nhiều. Tôi buộc phải bán vì tới ngày mà không thu hoạch thì trái sẽ nứt”, ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Hoàng Ca (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành) cho hay, thời hoàng kim, thanh long ruột đỏ là cây chủ lực của vùng. Mỗi mùa thu hoạch là nông dân sắm vàng, còn giờ thì bán vàng để đổ vốn lại cho thanh long. “Trước đó, người dân có tiền tự mở kho rồi đi mua hàng bán sang Trung Quốc, còn bây giờ thương lái họ xuống các nhà vườn nắm tình hình, sản lượng rồi đưa ra giá luôn”, ông Ca cho hay.

Theo ông Ca, hiện các nhà kho trên địa bàn đa số của người Trung Quốc. Nếu như trước đây thương lái đi mua theo từng giai đoạn như trái mới nhú bằng nắm tay có giá 50 ngàn đồng/kg, trái chín người mua vào tận vườn bao tiêu có khi lên đến 80 ngàn đồng/kg. Còn bây giờ thương lái quyết hết, mua ép giá nhà vườn để lời nhiều, người dân mất quyền tự quyết về giá.

“Chục vựa mà có mấy chục thương lái Trung Quốc trong đó, làm ăn sao nổi. Cách ngày thu hoạch chỉ vài ngày là thương lái Trung Quốc áp giá, nông dân trở tay không kịp. Nếu không bán cho họ thì bán cho ai? Hợp đồng cũng giao kèo rồi, không bán thì đền gấp đôi”, ông Ca thở dài.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho biết, hiện có hai phương thức thu mua và xuất bán thanh long. Đó là doanh nghiệp trong nước thu mua và trực tiếp xuất khẩu (chủ yếu sang Trung Quốc).

Việc thương lái Trung Quốc giữ quyền điều phối chuyện mua - bán ngay tại vùng nguyên liệu cũng khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn, người nông dân luôn bị yếu thế. “Thương lái Trung Quốc biết rất rõ thời điểm thu hoạch và cả nguồn cung, cho nên, khi thanh long đến thu hoạch họ mua với giá rất rẻ và khi hết thanh long họ tăng giá lên để bán hết số lượng đã mua và khi bán xong họ lại hạ giá xuống để mua tiếp. Các đơn vị cũng biết việc này nhưng không làm gì được”, ông Trịnh nói.

Để giải quyết tình trạng này, theo ông Trịnh cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành cùng với hiệp hội để tạo giá trị bền vững cho trái thanh long. “Tôi cũng khuyến cáo người dân làm theo hướng sạch và không nên xông đèn ồ ạt mùa nghịch, nguồn cung ít đi giúp đẩy giá thanh long tăng cao trở lại”, ông Trịnh nói.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.