Trong quá trình tiến hành tố tụng đối với một đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, nếu thấy cần thiết và được phê chuẩn của viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan công an sẽ ra lệnh bắt tạm giữ hoặc tạm giam đối tượng để điều tra làm rõ. Để đảm bảo không có sự "thông cung, mớm cung" trong quá trình điều tra, lấy cung, trong thời gian này, người thân của các đối tượng bị tạm giam, tạm giữ chỉ được phép gửi đồ dùng cá nhân cho người bị tạm giam thông qua các bộ Công an và tuyệt đối không được gặp trực tiếp để trò chuyện.
Tuy nhiên, tại khu tạm giam của Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đang để xảy ra hiện tượng người nhà "vô tư" thuê thang, trèo tường vào trao đổi thông tin trực tiếp với các đối tượng đang bị tạm giam giữ.
mỗi một lần thuê phải trả 20.000đồng/1 giờ đồng hồ. Hơn số giờ quy định thì phải trả thêm 5.000 - 10.000 đồng tuỳ từng trường hợp
Phóng viên đã có cuộc thâm nhập điều tra và vô cùng sửng sốt trước những cuộc “thông cung” giữa các đối tượng bị tạm giam và người nhà. Bởi với các trường hợp này, khi ra tòa thì bản án liệu sẽ còn nhiều phần trăm sự thật?!
Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội không còn xa lạ với hình ảnh, từng dòng người tụ tập xung quanh khu vực tường rào của Công an quận Hà Đông để thăm hỏi, trao đổi thông tin với người nhà đang bị giam giữ tại đây. Kỳ lạ hơn, mỗi lượt người ra vào đều khệ nệ mang vác một chiếc thang, nhằm mục đích sẵn sàng trèo tường "tìm" và trò chuyện với người thân?!
Đường đi, nước bước của những... cái thang
Có mặt tại khu vực tổ dân phố số 10 (phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội), nơi giáp ranh giữa các hộ dân sinh sống trên địa bàn với khu vực tường bao của Công an quận Hà Đông, chúng tôi chứng kiến sự tấp nập, người ra kẻ vào nơi đây. Trong khoảng thời gian chưa đầy 2 tiếng đồng hồ đã có không dưới 10 lượt người tìm tới hỏi thăm, tìm cách trèo lên bờ tường để được nói chuyện với người thân đang bị giam giữ trong khuôn viên của phòng tạm giam thuộc công an quận.
Qua quan sát, đoạn tường rào có chiều dài hơn 200 mét, cộng với chiều cao hơn 3 mét cùng với những dây thép gai chằng chịt chạy song song với con ngõ nhỏ và những căn nhà liền kề (khu vực phía cuối ngõ - PV) tạo thành vỏ bọc vững chắc, hoàn hảo, chắc chắn sẽ làm nản lòng những ai muốn vượt qua rào cản này.
Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu thăm nom, muốn được gặp gỡ từ phía người nhà đối tượng phạm tội nên khu vực cổng sắt (đoạn vuông góc và là lối đi của Công an quận ra khu vực nhà dân trước đây, hiện tại đang trong tình trạng khóa kín) được biến thành nơi lý tưởng để người thân và đối tượng phạm pháp chuyện trò. Ngoài việc bắc thang, người dân sẵn sàng kéo lệch, phá hỏng hàng rào thép gai rồi trèo lên tường, đi men theo bờ tường tìm phòng tạm giam người thân và đứng trên bờ tường để... trò chuyện.
Đang chăm chú nhìn một người phụ nữ độ tuổi trên dưới 25, chân nhanh thoăn thoắt leo từng bậc thang khẩn trương tìm kiếm người nhà đang bị tạm giam phía bên trong, tôi bỗng giật mình bởi giọng một người phụ nữ bên cạnh: "Anh đến thăm người nhà à, đã hẹn trước chưa?". Thấy tôi tỏ vẻ ngập ngừng, người phụ nữ xẵng giọng: "Em hỏi vậy thôi, nếu anh hẹn rồi cứ lấy thang mà lên. Còn không, em cất đi chỗ khác, tránh công an họ ra thu, vừa mất thang vừa phải đền tiền người cho thuê. Mọi lần, em đến thăm người nhà gặp những người khác cùng cảnh ngộ, em đều cho họ dùng nhờ thang, đằng nào mình cũng trả tiền thuê rồi, giúp được nhau cái gì thì giúp, tránh mất nhiều lần tiền. Nhiều hôm đông người, em phải xếp hàng thuê thang hàng tiếng đồng hồ mới đến lượt chứ không may mắn như hôm nay đâu...".
Lấy lý do, lần đầu đến thăm người nhà không biết "đường đi nước bước thế nào", người phụ nữ này giảng giải: "Muốn được nói chuyện với người nhà, đầu tiên anh phải thuê được thang để vượt tường. Ở khu vực này, chỉ có mỗi nhà bà T. ở cuối ngõ cho thuê thang thôi. Do vậy, ai đến sớm sẽ được thuê sớm, đến muộn chỉ còn nước chờ dài cổ.
Thông thường, mỗi một lần thuê phải trả 20.000đồng/1 giờ đồng hồ. Hơn số giờ quy định thì phải trả thêm 5.000 - 10.000 đồng tuỳ từng trường hợp. Sau khi có thang sẽ đến công đoạn leo tường trò chuyện với người nhà nhưng cần phải lưu ý ở chỗ, chỉ những người đã thuê được thang mới lên. Người chưa thuê được phải ngồi chờ phía dưới, đợi người lên trước nói chuyện xong, xuống đất và mang trả thang thì mới đến lượt nhóm sau. Sở dĩ có tình trạng này là tránh sự nhốn nháo, ầm ĩ khiến hai bên vừa khó trao đổi trong mọi việc, vừa tránh nhiều người tụ tập dễ bị công an phát hiện, xua đuổi".
Bận đến mấy cũng phải “thăm hỏi”... vài lần trong tuần (!)
Chẳng riêng gì một hai trường hợp đầu tiên, những lượt người sau này chúng tôi đều chứng kiến cảnh tượng khẩn trương của những người thân (bố, mẹ, vợ, con, anh chị em) khi tìm gặp người nhà phạm tội của mình đang bị tạm giam giữ ở những khu phòng riêng biệt.
Tỏ vẻ khẩn trương, chị Nghiêm Thu H., người nhà một bị can bị tạm giam ở Công an quận Hà Đông cho biết: "Tôi phải bố trí công việc, thời gian vào thăm, trò chuyện với chồng mình. Lúc mới đầu, do có nhiều việc phải lo toan, chạy chọt nên hầu như ngày nào tôi cũng phải thuê thang, leo tường để nói chuyện với người nhà của mình về các cách thức xử lý tình huống, khai báo ra sao. Có lẽ, mãi sau này, tôi không thể nào quên hình ảnh vừa cơ cực, vừa buồn tủi khi vừa trèo lên được bức tường, chưa kịp gọi tên người nhà thì đã bị công an nhắc nhở xua đuổi. Mãi sau này qua tìm hiểu, truyền đạt kinh nghiệm của "người đi trước", tôi mới biết là mình phải tạo được sự thân quen, "nhờ vả" người ta thì họ mới làm ngơ, không xua đuổi. Thêm nữa, nếu không làm được điều này chắc chắn mình cũng không thể biết được người nhà của mình bị giam giữ ở phòng nào, khu nào, chứ chẳng nói tới việc thuê thang, gọi chung chung là có thể gặp ngay như mong muốn đâu. Chỉ vài ngày nữa, chồng tôi sẽ được đưa ra xét xử và mọi việc đâu vào đấy cả rồi. Hy vọng sau vụ này, chồng tôi sẽ ăn năn, hối lỗi để tránh xa con đường vi phạm pháp luật".
Tương tự, đó là trường hợp của chị Nguyễn Ánh T. (trú trên địa bàn quận Hà Đông) cho biết, hàng tuần, gia đình chị đều phải cắt cử người vào "thăm hỏi" cậu em trai đang bị tạm giam ở đây. Khó khăn nhất là tường rào cao, rất khó tiếp cận để được nói chuyện với người thân của mình. Qua sự mách nước của những người có người thân bị tạm giam giữ trước, được biết ở khu vực có người chuyên mở dịch vụ cho thuê thang để trò chuyện với phạm.
Sau thời gian lần mò, hỏi thăm, cuối cùng chị T. cũng lựa chọn được thang để vượt tường nói chuyện cùng cậu em. "Phải thẳng thắn rằng, mở dịch vụ này chứng tỏ người ta rất nhạy bén, họ vừa có thể kiếm được tiền mà lại "tạo điều kiện, giúp đỡ" những người có hoàn cảnh như chúng tôi có thể tiếp cận, thăm hỏi người thân. Nếu cần dùng thì anh cứ tìm gặp bà T., nhà cuối ngõ là có thể gặp và thuê thang được ngay", chị T. nói.
"Dò sóng" để... thuê thang
Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm vào cuối ngõ gặp bà T. để thuê thang nhưng điều kỳ lạ là những người được hỏi đều lắc đầu tỏ vẻ không biết và giới thiệu sang bên đường hỏi quán nước sẽ có. Thế nhưng, khi hỏi chủ quán nước thì được trả lời "ở đây không có", đồng thời nhấn mạnh: "Thang thiếu gì. Em cứ sang ngõ bên, để ý ở những bốt cột điện sẽ có thang được cột xích ở đó. Sau đó, em hỏi người dân trong ngõ, ai khoá xích, nhờ họ mở mà mượn. Còn không, em cứ để ý ở những ruộng rau, khoảnh đất bỏ không xem có cái thang nào không lấy mà dùng". Vừa nói, vị chủ quán nước này nhát gừng, bóng gió: "Người ta đã tạo điều kiện để được gặp gỡ mà không biết ý, cứ nói ầm ĩ, oang oang suốt ngày đêm khiến người dân bức xúc. Đúng là chả ra sao và không thể chấp nhận được!".
Thấy điệu bộ thất thểu của tôi, người phụ nữ tên L., người đi thăm người nhà đang bị tạm giam động viên: "Không biết lý do gì, nhưng từ ngày hôm qua đến nay họ bỗng nhiên dừng và không cho thuê thang nữa. Để có thang leo tường đã có rất nhiều người phải chạy sang khu vực Văn Khê - La Khê thuê thang về mới trèo lên được. Cần thì chị cho địa chỉ đến mà thuê, mỗi tội phải cẩn thận khâu mang vác, nếu không sẽ bị công an bắt gặp, họ phạt, sẽ thiệt đơn thiệt kép mà lại chẳng được việc gì đấy!".
(Còn nữa)
Theo Quỳnh Chi - Tuệ Linh